|
Nguyễn Đức Nghĩa khóc sau khi nghe tin cha tử nạn. |
Nghĩa gào lên xin tha tội chết
Ngay khi Nguyễn Đức Nghĩa được dẫn giải vào phòng xử án, bà Phạm Thị Chuân - mẹ đẻ của bị cáo - đã chực khóc òa khi nhìn thấy đứa con trai tội lỗi của mình gày xọp đi sau mấy tháng trời đối mặt với bản án tử hình của tòa cấp sơ thẩm. Dù chồng mới mất vì tai nạn giao thông nhưng bà Chuân không đeo khăn tang trong phiên tòa.
Trong suốt quá trình tòa xét xử, bà Chuân gần như không thể rời mắt khỏi đứa con trai duy nhất và cũng không thể ngăn những giọt nước mắt thôi rơi. Sau khi kết thúc phần tranh luận, chủ tọa phiên tòa cho bị cáo Nghĩa được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Kẻ giết người máu lạnh nói trong nước mắt: "Tôi xin lỗi gia đình chú Ba, tôi đã gây nên nỗi đau quá lớn... Tôi vô cùng ân hận, mong muốn được 1 ngày nào đó hòa nhập lại cộng đồng".
Khi Nghĩa đang nói thì bà Chuân đột nhiên đứng lên: "Xin quý tòa tha cho con tôi! Tôi là người phụ nữ bất hạnh thế này... Chồng chết, con chết thì tôi sống làm sao được đây thưa quý tòa?". Nói xong, hai mẹ con nức nở gọi nhau. Nguyễn Đức Nghĩa quay lại nhìn người đã mang nặng, đẻ đau, nuôi dưỡng hắn với bao yêu thương, hy vọng.
Có lẽ từ hình ảnh đó, niềm ham sống trỗi dậy khiến hắn gào lên nài nỉ van xin ông Nguyễn Văn Ba - bố đẻ của nạn nhân Nguyễn Phương Linh: "Tôi khát khao được sống để được trở về thắp cho bố nén nhang. Tôi vô cùng ân hận, mong gia đình chú Ba cho tôi một con đường sống...". Trước lời cầu khẩn của mẹ con bà Chuân, ông Ba chỉ quay sang nhìn một cái, không trả lời và chuyển lên ngồi ở một vị trí khác, xa hơn.
Bị cáo đã “làm nhục tử thi...”
Trong phiên xét xử ngày 11 -11, Thẩm phán Trần Đình Dần - Chủ tọa phiên tòa - tập trung hỏi về động cơ giết người dã man của Nguyễn Đức Nghĩa. Sau đó đại diện Viện KSND Tối cao hỏi và làm rõ việc Nghĩa chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Phương Linh sau khi giết chết nạn nhân.
Đại diện Viện kiểm sát cũng quan tâm đến số tiền gia đình chu cấp cho Nghĩa ăn học và số tiền hơn 10 triệu đồng mà hắn đang nợ. Sau đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm bảo vệ quyền lợi cho bị cáo hỏi Nghĩa một số câu hỏi để minh chứng cho việc Nghĩa được người yêu là Hoàng Thị Yến giao trông hộ căn hộ với nhiều tài sản giá trị và nếu Nghĩa có mục đích chiếm đoạt tài sản thì hắn hoàn toàn có điều kiện dễ dàng để thực hiện việc đó tại căn hộ của Yến.
Hành vi phạm tội giết người của bị cáo Nghĩa là đặc biệt nghiêm trọng, cần loại bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Về nhân thân, tôi không đồng ý là bị cáo có nhân thân tốt. Bị cáo đã 2 lần đem xe của Yến đi cầm cố, vay mượn; học chưa xong, cá độ, lô đề, ngủ tại quán nét... Một con người như vậy không thể nói là có nhân thân tốt.
Luật sư Đoàn Trung Kiên
Luật sư Ngô Ngọc Thủy - đồng bảo vệ cho bị cáo Nghĩa - trình bày: “Khi bố bị cáo Nghĩa trên đường đến nhà người thân vay tiền đi khắc phục hậu quả cho con, rất tiếc đã bị tai nạn ô tô, qua đời. Nhà nước, xã hội đánh giá việc này sao đây khi một con người tận tâm tìm cách khắc phục hậu quả cho con mà đã ra đi? Chắc ở nơi chín suối, ông Hùng đang khắc khoải chờ đợi kết quả mang tính nhân đạo đối với bị cáo Nghĩa".
Tuy nhiên, luật sư Đoàn Trung Kiên bảo vệ quyền lợi cho người bị hại không nhất trí với quan điểm cho rằng bị cáo không giết người man rợ.
Ông Kiên khẳng định 2 nhát dao oan nghiệt của Nghĩa đã thể hiện tính cách man rợ, đâm từ phía sau một cách bất ngờ, nạn nhân chỉ kịp quay lại trong bàng hoàng. Nghĩa còn chặt đầu, chặt ngón tay, diễn tiến một loạt những hành vi khác nhằm che giấu tội phạm… Bị cáo đã làm nhục tử thi khi không để cho nạn nhân được toàn thây. Bị cáo làm một cách có ý thức, có chủ đích, bị cáo không hoảng loạn, rất bình tĩnh, phi tang thi thể ở nhiều nơi.
Sau 35 phút nghị án, 12 giờ 5 phút, HĐXX trở lại phòng xử án. HĐXX không chấp nhận toàn bộ đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa mức án tử hình. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực, bị cáo có quyền gửi đơn lên Chủ tịch nước để xin giảm án phạt.
Thắng Quang - Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.