Y, bác sĩ Đồng Nai: “Vất vả hay khó khăn đều chịu được, chỉ mong sớm dập dịch để về với con”

Nha Mẫn - Sao Mai Thứ tư, ngày 28/07/2021 09:41 AM (GMT+7)
Đó chính là những chia sẻ từ tận đáy lòng của các y, bác sĩ đang tham gia trên mọi mặt trận phòng chống dịch tại địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Bình luận 0

Chỉ mong sớm được về với con

Hiện nay, tại Đồng Nai, nguồn lây nhiễm trong cộng đồng khá phức tạp nên để kiểm soát và sớm cắt đứt nguồn lây nhiễm, ngành y tế tiếp tục mở rộng phạm vi, đối tượng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng ở khu vực phong tỏa nhằm "bóc tách" các ca dương tính với SARS-CoV-2 ra khỏi cộng đồng.

Đồng Nai: “Vất vả hay khó khăn đều được chỉ mong sớm dập dịch để chúng tôi được về với con” - Ảnh 1.

Điều dưỡng Nga đang lấy mẫu tầm soát SARS-CoV-2 cho công nhân Công ty Changshin (Ảnh: Nha Mẫn).

Để truy vết, dập dịch, trong thời gian qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai) đã huy động toàn bộ các y, bác sĩ ở các khoa phòng tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm.

Mặc dù khối lượng công việc rất nhiều, làm việc vất vả, bất kể ngày đêm và tiếp xúc với nhiều đối tượng nguy cơ cao, thế nhưng những y, bác sĩ tuyến đầu vẫn luôn miệt mài, nhiệt huyết, cố gắng mỗi ngày để chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Đồng Nai: “Vất vả hay khó khăn đều được chỉ mong sớm dập dịch để chúng tôi được về với con” - Ảnh 2.

Điều dưỡng Hà với công tác chuẩn bị trước giờ lấy mẫu xét nghiệm (Ảnh: Nha Mẫn).

Hơn 2 tuần nay, kể từ khi dịch lan nhanh tại TP.Biên Hòa, chị Nguyễn Thị Quý, khoa Dinh Dưỡng CDC Đồng Nai chưa được về nhà. Bởi chị Quý nhận nhiệm vụ tham gia cùng với các đồng nghiệp lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao tại khu vực thành phố.

Do tính chất công việc phải tiếp xúc với nhiều người, trong đó có nhiều ca F0 chưa được phát hiện, sợ lây nhiễm cho gia đình cũng như để đảm bảo công việc, chị phải tự cách ly với gia đình, đến ở cùng đồng nghiệp tại cơ quan.

Điều mà chị Quý trăn trở là chị lo cho sức khỏe của mẹ vì bà đã lớn tuổi, hay bệnh tật và các con còn nhỏ dại. Nhưng cũng may có chồng động viên, thay chị chăm sóc mẹ và các con nên chị Quý phần nào an tâm hơn.

Đồng Nai: “Vất vả hay khó khăn đều được chỉ mong sớm dập dịch để chúng tôi được về với con” - Ảnh 3.

Các y, bác sĩ với công tác chuẩn bị trước khi lấy mẫu theo đúng quy trình để tránh bị lây nhiễm bệnh (Ảnh: Sao Mai).

"Công việc lấy mẫu đối với nam đã không dễ dàng, đối với nữ lại càng khó khăn vì phải mặc đồ bảo hộ trong nhiều giờ đồng hồ, không kể trời nắng hay mưa, đi đến từng nhà dân để lấy mẫu cho kịp kế hoạch được giao. Mặc dù công việc rất vất vả và đối diện nhiều nguy cơ, nhưng hàng ngày được chồng, con gọi điện động viên và đồng nghiệp an ủi, tôi nghĩ, mình sẽ mạnh mẽ vượt qua tất cả, bất kểt hoàn cảnh nào. Chỉ mong dịch bệnh sớm được khống chế để những y, bác sĩ không phải đi vào những nơi nguy hiểm này và không phải xa gia đình" – chị Quý chia sẻ.

Tương tự như chị Quý, chị Nguyễn Thị Thu Nga, điều dưỡng tại khoa Bệnh nghề nghiệp CDC Đồng Nai tâm sự rằng 2 con của chị hay ốm đau, đứa lớn thì mắc bệnh tan máu bẩm sinh, đứa nhỏ thời tiết thay đổi hay bị viêm phổi, phế quản, nên khi không được ở nhà chăm sóc cho con, chị rất lo lắng. 

Đồng Nai: “Vất vả hay khó khăn đều được chỉ mong sớm dập dịch để chúng tôi được về với con” - Ảnh 4.

Công tác lấy mẫu xét nghiệm của các y bác sỹ tại CDC Đồng Nai diễn ra cả tháng nay (Ảnh: Nha Mẫn).

Đã 1 tháng nay, kể từ khi tham gia đoàn lấy mẫu, lúc nào chị cũng nghĩ về 2 con. Mặc dù có chồng chăm sóc con nhưng những lúc con đau ốm rất cần có mẹ bên cạnh, chị rất buồn và lo lắng. Nhiều lần chị rớt nước mắt khi các con gọi điện thoại hỏi lúc nào mẹ được về và dặn mẹ giữ gìn sức khỏe.

Hi vọng sớm dập dịch

"Tôi không biết phải xa gia đình đến bao lâu, vì khối lượng công việc hàng ngày quá nhiều, có hôm chúng tôi đi từ 8h sáng cho đến 9h, 10h đêm mới được về. Nhiều lúc đuối quá cũng muốn xin nghỉ 1 ngày, tuy nhiên, số ca nhiễm ngày càng tăng, đối tượng lấy mẫu ngày một nhiều nên tôi phải cố gắng. Dù có mệt mỏi nhưng tôi sẽ vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, sớm được về nhà với 2 con" – chị Nga nói.

Đồng Nai: “Vất vả hay khó khăn đều được chỉ mong sớm dập dịch để chúng tôi được về với con” - Ảnh 5.

Nhiều bác sĩ còn đến từng nhà dân để hướng dẫn, tư vấn cho người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: Nha Mẫn).

Cũng như những "bóng hồng làm công tác xét nghiệm", bác sĩ Dương Văn Minh, khoa Ký sinh trùng côn trùng CDC Đồng Nai cho hay, kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, chưa có ngày nào anh được nghỉ ngơi và bản thân anh cũng không thể nhớ mình đã lấy được bao nhiêu mẫu. 

Nhưng trong số những người mà anh lấy mẫu toàn là những người có nguy cơ cao và có cả F0…, đó là những công nhân, tiểu thương tại các chợ, buôn bán, bốc xếp.

"Công việc này không quy định thời gian, ở đâu có ca nghi nhiễm cần lấy mẫu là ở đó có đội quân đi lấy mẫu như chúng tôi. Việc lấy mẫu không nặng nề, thời gian lấy mẫu cho 1 người chỉ mất khoảng từ 5-10 giây, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng lấy được nhanh gọn như vậy. 

Có những người lớn tuổi hay trẻ em rất khó lấy, phải làm mấy lần mới lấy được mẫu. Ngoài việc mất rất nhiều thời gian thì nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra do phải nói chuyện, hướng dẫn họ, chưa kể trong quá trình lấy mẫu nhiều người ho, hắt xì hơi… Do đó, chúng tôi phải cẩn thận mọi thao tác để tránh lây nhiễm cho bản thân." – bác sĩ Minh nói.

Đồng Nai: “Vất vả hay khó khăn đều được chỉ mong sớm dập dịch để chúng tôi được về với con” - Ảnh 6.

Đều đặn mỗi ngày những "bóng hồng" của CDC Đồng Nai vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân (Ảnh: Sao Mai)

Còn theo điều dưỡng Trương Thị Hà, khoa Phòng chống HIV/AIDS CDC Đồng Nai, đây là công việc vất vả và nguy hiểm nhất mà chị từng làm. Khác với những ngày thường ngồi trong phòng làm việc, nay phải đi ngoài trời nắng, mưa, có khi đi từ 8h sáng đến 3h sáng ngày mai mới được về nhà.

Điển hình như đợt lấy mẫu cho công nhân Công ty Changshin ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, số lượng công nhân đông, sống rải rác nhiều nơi, có nhiều dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận lấy mẫu cũng khó khăn. Vì sợ mất tiền xét nghiệm nên nhiều người không hợp tác, chị Hà phải giải thích kỹ, khi đó họ mới đồng ý cho lấy.

"Ngày nào đi mà gặp những trường hợp như thế  thì xác định ngày đó vất vả và mất nhiều thời gian, vì thế mà có ngày phải mang đồ phòng hộ cá nhân từ 2h chiều đến 8h tối mới được cởi ra. 

Việc mặc đồ phòng hộ mặc cả ngày dễ gây kiệt sức, khát nước không được uống, vì nếu uống nước trong quá trình lấy mẫu rất dễ bị lây nhiễm.

 Hiện nay đã có 30 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, nên cứ mỗi lần có dấu hiệu ho, đau họng, tôi cũng lo lắng không biết mình có bị nhiễm hay không",  chị Hà nói.

Theo lãnh đạo CDC Đồng Nai, để có được những kết quả xét nghiệm sớm, đáp ứng nhanh cho công tác phòng, chống dịch, đội quân lấy mẫu của CDC luôn làm việc với cường độ liên tục, trong môi trường nhiều nguy cơ. 

Dù có khó khăn, vất vả hay có thể thiệt thòi rất nhiều thứ, nhưng họ vẫn tình nguyện sẵn sàng để đổi lại sự bình yên cho tất cả mọi người. Một sự hy sinh, cống hiến vô cùng đáng ghi nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem