Yên Bái: Giáo viên dạy học sinh khuyết tật nhiều năm qua chưa nhận được hơn 39 tỷ đồng tiền phụ cấp (Bài 1)

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ sáu, ngày 05/11/2021 15:57 PM (GMT+7)
Tại tỉnh Yên Bái, nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy học sinh khuyết tật chưa nhận được phụ cấp theo quy định của Nhà nước, dù năm nào cũng báo cáo Sở GDĐT.
Bình luận 0

Nhiều giáo viên ở Yên Bái chưa nhận được phụ cấp dạy học sinh khuyết tật

Báo NTNN/Dân Việt nhận được phản ánh của bà Nguyễn Thị Thủy - Giáo viên trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái về việc nhiều giáo viên chưa được nhận phụ cấp trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học sinh khuyết tật từ năm 2016 đến nay.

Bà Thủy dẫn chứng, theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 về phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, bà cùng nhiều giáo viên khác thuộc đối tượng hằng năm được nhận phụ cấp ưu đãi.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật quy định về chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật cũng thể hiện rất rõ chế độ phụ cấp mà các thầy, cô được hưởng.

Yên Bái: Hàng chục tỷ đồng tiền phụ cấp dạy học sinh khuyết tật của giáo viên đang ở đâu? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Giáo viên trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái phản ánh với Phóng viên Dân Việt. Ảnh: Lam Anh

Được biết, năm 2019 sau nhiều lần "kêu cứu" vì không được nhận tiền đứng lớp trực tiếp dạy học sinh khuyết tật như chính sách của Nhà nước quy định, bà Thủy và nhiều giáo viên khác đã nhận được tiền khuyết tật từ 2012 đến hết năm 2015.

"Còn số tiền từ năm 2016 đến nay chưa được nhận, trong các cuộc họp ở trường và họp với các đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tôi đều có ý kiến nhưng nhà trường cũng như các đơn vị liên quan giải quyết chưa thỏa đáng" - bà Thủy bức xúc.

Chế độ Chính sách của Nhà nước phải thực hiện đúng

Theo phản ánh của bà Thủy, tại trường mà bà công tác từ năm 2016 đến nay chưa có giáo viên nào được nhận, riêng bà có năm học dạy hơn 300 tiết, ước tính tiền phụ cấp được hưởng khoảng 5 -6 triệu/năm. 

Yên Bái: Hàng chục tỷ đồng tiền phụ cấp dạy học sinh khuyết tật của giáo viên đang ở đâu? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Giáo viên trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái gửi đơn đề nghị đến Báo NTNN/Dân Việt. Ảnh: Văn Hoàng

Văn bản số 3448/UBND/TC ngày 4/11/2020 của UBND tỉnh Yên Bái gửi Bộ Tài chính về việc Báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2020 là hơn 39 tỷ đồng. UBND tỉnh Yên Bái đã báo cáo Bộ Tài chính xem xét, thẩm định và cấp kinh phí cho ngân sách địa phương.

Không chỉ riêng bà Thủy, tìm hiểu của Phóng viên cho thấy, ở thị trấn Yên Thế nhiều giáo viên khác cũng chưa nhận được tiền phụ cấp dạy học sinh khuyết tật, có giáo viên đã nghỉ hưu, hiện đang mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn đang rất mong muốn được nhận phụ cấp để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Bản thân bà Thủy đang đang điều trị bệnh tại Bệnh viện tỉnh Yên Bái nhưng đã di chuyển gần 100km về huyện khi biết có cuộc họp với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái để ý kiến với đại diện Sở, nhưng bà Thủy chỉ nhận được câu trả lời là "sẽ báo cáo cấp trên". Trước đó, bà Thủy cũng nhiều lần lên UBND huyện Lục Yên để ý kiến nhưng không ai tiếp.

Sự việc trên cũng được lãnh đạo Ban giám hiệu Trường THCS Lê Hồng Phong xác nhận. Ngoài ra một số giáo viên công tác ở các trường khác trong thị trấn và một số xã cũng cho biết chưa nhận được tiền phụ cấp. Ghi nhận của Phóng viên, giáo viên dạy học sinh khuyết tật ở Trường tiểu học Trần Phú (huyện Lục Yên) cũng chưa nhận được tiền.

Yên Bái: Hàng chục tỷ đồng tiền phụ cấp dạy học sinh khuyết tật của giáo viên đang ở đâu? - Ảnh 3.

Thời khóa biểu thể hiện cô giáo Thủy trực tiếp đứng lớp dạy học sinh khuyết tật thực hiện từ tháng 6/2020 tại trường THCS Lê Hồng Phong. Ảnh: Lam Anh

"Việc này không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của huyện"

Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt ngày 1/11/2021 về nội dung bà Thủy phản ánh, bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên - cho biết: "Việc này không thuộc thẩm quyền trách nhiệm của huyện, kinh phí do Trung ương cấp, liên quan đến nhiều Bộ. Huyện đã tổng hợp ý kiến, đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái xem xét.

Câu chuyện trên không chỉ xảy ra ở huyện Lục Yên. Trao đổi với Phóng viên sáng 2/11/2021, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: "Tiền phụ cấp cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật từ năm 2016 đến nay năm nào Sở cũng yêu cầu duyệt nhưng chưa được cấp. Không riêng gì huyện Mù Cang Chải mà các huyện khác của tỉnh Yên Bái đều như vậy. Còn năm 2022 đã duyệt vào ngân sách rồi".

Đồng thời, ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cũng đã yêu cầu huyện tập hợp ý kiến, sang tuần sẽ có đoàn giám sát của tỉnh đưa nội dung này vào giám sát".

"Về phía UBND huyện Lục Yên, hiện đã giao cho đồng chí Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Sở, mặt khác UBND huyện Lục Yên đã giao cho Phòng Tài chính tập hợp ý kiến và gửi báo cáo về Sở Tài chính để tổng hợp ý kiến của các huyện để trả lời có tiền hay không có, và có thì khi nào có" - bà Hà nói.

Báo NTNN/Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin

Tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật quy định về chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật như sau:

1. Các đối tượng sau đây được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2006/ NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

a) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp giảng dạy, quản lý người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập;

b) Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục không thuộc điểm a khoản này.

2. Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập không thuộc quy định tại Khoản 1 điều này được hưởng phụ cấp ưu đãi như sau: Phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật = Tiền lương 1 giờ dạy của giáo viên x 0,2 x Tổng số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có người khuyết tật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem