Yên Bái tập trung vào 3 khâu trọng điểm để phát triển đột phá

Đình Việt Thứ ba, ngày 15/10/2019 14:27 PM (GMT+7)
Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành những chủ trương, nghị quyết quan trọng nhằm cụ thể hóa những vấn đề có tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bình luận 0

Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, hơn 8 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhiều đổi mới, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho các địa phương phát huy tính năng động, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển.

Đối với tỉnh Yên Bái, cùng với những thành tựu mang tính nền tảng đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước, tỉnh đã có thêm những thuận lợi mới, nhất là tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào sử dụng từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

img

Hiện nay 3 kế hoạch đột phá chiến lược của tỉnh Yên Bái đạt kết quả bước đầu tích cực.

Đại hội Đảng và cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016, 2016 – 2021 thành công tốt đẹp góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên.

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái đã ban hành những chủ trương, nghị quyết quan trọng nhằm cụ thể hóa những vấn đề có tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược. Hiện nay 3 khâu này đạt kết quả bước đầu tích cực, cụ thể: 

Thứ nhất là đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và thể chế hóa các chính sách pháp luật của Nhà nước theo đúng phân cấp quản lý và quy trình quy định; đảm bảo kịp thời, phù hợp với thực tiễn.

Từ đó lãnh đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, gắn với tăng cường theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ, nhất quán và ổn định, đưa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Trong hơn 8 năm, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 26 nghị quyết, đề án, kết luận chuyên đề, chỉ đạo xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách mới cho cả giai đoạn 2011 – 2018 bằng 81 đề án, chính sách, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tập trung cho cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện 3 đột phá chiến lược; phát triển kinh tế - xã hội vùng cao; chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế.

Thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế. Cơ cấu, đổi mới hoạt động doanh nghiệp nhà nước và hoàn thiện thể chế sở hữu theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII.

Thực hiện phân cấp mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực đầu tư, thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, công tác cán bộ... gắn với tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc tổ chức thực hiện, góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh.

Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính gắn với nâng cao chế độ công vụ, công chức. Đầu tư, đưa vào hoạt động đồng bộ Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã để giải quyết cơ bản 100% thủ tục hành chính. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, viên chức “chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; hằng tháng, tổ chức ngày “cafe doanh nhân” để gặp mặt, trao đổi, đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhờ đó, kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tăng 09 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố), chỉ số cải cách hành chính năm 2018 tăng 21 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố); chỉ số quản trị hành chính công văn năm 2018 tăng 41 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố).

Thứ hai là tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao. Triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu của thị trường; ban hành Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020 với mục tiêu mỗi năm giảm khoảng 1,5% lao động nông nghiệp.

img

Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 44,4% so với giai đoạn 2011 – 2015.

Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế và thị trường lao động; tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn giảm mạnh từ 73,1% năm 2011 xuống 68,2% năm 2016 và dự ước năm 2020 còn khoảng 61,9%; tỷ lệ lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng từ 25,86% năm 2011 lên 30, 56% năm 2016 và dự kiến năm 2020 tăng 38,08%.

Toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; từ năm 2011 đến nay, đào tạo nghề cho gần 90.000 người, tập trung vào các ngành, nghề như: May công nghiệp, mộc mỹ nghệ, cơ khí, điện tử, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến nấm, trồng trọt...

Sau đào tạo, có trên 80% lao động sau học nghề phi nông nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt từ 3,5 – 5,5 triệu đồng/tháng; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 đạt 54% (tăng 24% so với năm 2015, tăng 33,6% so với năm 2011), dự kiến đến năm 2020 đạt 60 %.

Từ năm 2011 đến nay, đã thu hút, tuyển dụng được 115 bác sỹ, dược sỹ, cử nhân điều dưỡng; 14 thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi lĩnh vực giáo dục; 30 giảng viên có trình độ đạt tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia bậc 4 trở lên, có trình độ Tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định đối với giáo viên dạy nghề hoặc tương đương trở lên.

Thứ ba là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Từ năm 2011 đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng gần 3.200 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Hoàn thành 17/28 công trình trọng điểm (còn 11 công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2019 và 2020); bê tông hóa trên 1.760 km đường giao thông thôn; đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp trên 707 công trình thủy lợi, hồ, đập chứ nước, trạm bơm; 113 công trình cấp nước tập trung ở nông thôn.

Huy động, bố trí trên 3.910 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình trường, lớp học; huy động, lồng ghép được 9.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới; bố trí gần 800 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để kiến thiết thị chính, chỉnh trang đô thị.

Kịp thời cân đối, bố trí gần 1.000 tỷ đồng từ hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để khắc phục thiệt hại do thiên tai, mưa lũ.

Từ 2011 đến nay, tỉnh Yên Bái đã được chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và bố trí vốn ODA trên 3.054 tỷ đồng đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, y tế, nông nghiệp; thu hút được 18 dự án FDI, với số vốn đăng ký gần 9.687 tỷ đồng.

Đến nay toàn tỉnh hiện có 24 dự án FDI đang triển khai thực hiện với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 9.188 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã mạnh dạn thí điểm thực hiện 03 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức mới (đối tác công tư – BT).

Do đó, bộ mặt hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông đã có thay đổi rõ rệt từ thành thị đến nông thông với nhiều dự án lớn, có giá trị kinh tế, chính trị, văn hóa sâu sắc được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 44,4% so với giai đoạn 2011 – 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem