Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nỗi đau của mẹ
Tôi bắt đầu biết nỗi đau của mẹ khi tôi 5 tuổi. Bà là người phụ nữ rất xinh đẹp và hiền từ. Tôi vẫn còn nhớ mái tóc dài mượt như nhung của bà vuốt ve má tôi mỗi lần bà cúi xuống cưng nựng tôi. Và đôi mắt đen lóng lánh, lúc nào cũng chực vỡ ra trong nước mắt.
Ảnh minh họa |
Mẹ tôi luôn dậy từ 5 giờ sáng, nấu cơm cho cả nhà ăn, rồi lại tất tả quẩy gánh ra chợ. Bất kể mưa gió hay rét buốt. Có thể nói gánh hàng xén của bà đã nuôi sống cả gia đình 8 người, vì đất quê cằn cỗi, cấy lúa, trồng khoai cũng chỉ đủ ăn. Nhờ bà mà tuổi thơ của tôi biết đến vị ngọt của kẹo, vị béo của thịt.
Tôi càng yêu quý mẹ, càng không thể hiểu tại sao bố tôi luôn gầm thét với bà. Lúc tỉnh, ông chửi bà là cục nợ, là nỗi xấu hổ, nhục nhã, là nỗi cay đắng, là con đỉa hút máu cuộc đời ông, là kẻ làm ông mất mặt, là thứ cặn bã. Lúc say, ông vớ được cái gì thì đánh mẹ tôi bằng cái đó. Mẹ tôi không phân trần, không khóc lóc, chỉ phủ phục ở góc nhà, câm lặng chịu đựng mọi lời mắng chửi và đòn roi của chồng.
Bà nội tôi cũng suốt ngày lườm nguýt, mẹ tôi làm cái gì bà cũng không vừa lòng. Có lần bà nội hất cả bát cháo nóng vào người mẹ, khiến cổ và ngực mẹ đỏ lên vì bỏng. Lời bố tôi chửi mẹ vang khắp làng trên xóm dưới. Mẹ tủi nhục, đi chợ lúc nào cũng phải chít khăn vuông che ngang mặt. Sau đó, mẹ không dám bán hàng ở chợ gần nhà, phải đi lên tít chợ huyện.
Lớn lên một chút, tôi bắt đầu lờ mờ hiểu chuyện. Trước khi lấy bố tôi, mẹ tôi cũng yêu một người xã bên. Nhưng sau đó mẹ tôi phát hiện anh ta cờ bạc nên bỏ. Người đó đã rêu rao khắp nơi rằng đã “tỏ đường đi lối về” nên trai làng khắp nơi không ai hỏi cưới mẹ. Còn bố tôi cũng muộn mằn vì gia đình nghèo, đông anh em, lại xấu trai. Vì thế, họ hàng đã mai mối cho hai người đến với nhau.
Cho dù mẹ tôi đã thề thốt rằng vẫn còn trong sạch nhưng khốn khổ cho mẹ đã không có dấu hiệu trên tấm vải trắng. Và bố cũng căm ghét mẹ từ đó. Mẹ cũng không thể giải thích, chỉ lặng lẽ chịu đựng. Những tưởng khi bà đã hy sinh hết mình vì gia đình, sinh đến 4 đứa con, bố và bà nội sẽ quên đi quá khứ. Bà cũng cố gắng dấu vẻ xinh đẹp và tươi trẻ của mình vào quần áo cũ kỹ, nhưng bà vẫn đẹp. Bố tôi càng ghen tuông.
Bà mất khi mới 55 tuổi, sau những năm dài ốm yếu. Bà không có bệnh gì cả, chỉ suy nhược đến kiệt quệ. Và tôi hiểu điều gì đã phá hủy bà như vậy. Ngày tôi vào Đại học, cũng là lúc mẹ đổ bệnh nặng. Bà gọi tôi về, nắm chặt lấy tay tôi và bảo: “Mẹ không lo cho 3 anh của con, chỉ lo cho con. Con hãy tìm được một người yêu thương và tôn trọng con, đừng sống cuộc đời như mẹ”.
Tôi không thể ra mặt trách bố nhẫn tâm, bà nội vô tình. Chỉ trách là sao cái màng ấy lại quá mỏng manh đến vậy. Chỉ trách sao mẹ tôi lại xinh đẹp như vậy!
Yêu 3 người vẫn còn trinh
Tôi xinh đẹp giống mẹ tôi. Lời mẹ dặn luôn văng vẳng bên tai nên tôi cảnh giác với mọi người đàn ông. Nhưng tôi vẫn không trốn chạy được tình yêu nên đã xiêu lòng trước một chàng trai cùng lớp. Ngỏ lời yêu được vài tuần, anh ta đã đưa tôi đến những quán café mờ ảo, tối tăm và liên tục có các hành động sờ soạng, ham hố.
Khi tôi từ chối, anh ta bảo tôi: “chậm tiến”, “cổ hủ”, rồi nói dỗi tôi không yêu, không tin tưởng anh ta. Thậm chí có lần, anh ta còn giả ốm, bày “thiên la” ở ký túc xá, định “ăn tươi nuốt sống tôi”. May mà tôi vùng ra được. Tôi chia tay không hối tiếc.
Sau lần đó, tôi cảnh giác hơn với đàn ông, không yêu đương nhăng nhít trong trường. Đến cuối năm thứ 4, trong một lần đi thực tập, tôi lại gặp một chàng đẹp trai, ga lăng và tinh tế. Anh ta hút hồn tôi bằng vẻ lạnh lùng, từng trải. Chính vì anh ta không tán tỉnh nên tôi lại có chút an tâm là anh ta không lợi dụng tôi. Vì rượu, vì si mê nên sau một cuộc liên hoan, tôi đã ngoan ngoãn theo anh ta về khách sạn.
Trong vòng tay mê đắm, tôi đã hạnh phúc thủ thỉ anh ta là người đầu tiên của tôi và mong rằng sau này cả hai sẽ mãi mãi hạnh phúc. Vòng tay của người đàn ông đó chợt rệu rã và đôi môi như đông cứng. Anh ta buông rơi tôi xuống giường, vội vàng mặc quần áo.
Nhìn vẻ mặt bẽ bàng của tôi, anh ta giải thích: “Cứ tưởng em thoáng nên cũng định cặp kè một thời gian. Nhưng không ngờ em lại có ý định nghiêm túc. Bố mẹ anh đã dấm sẵn cho anh một đám rồi. Anh không muốn gây hậu quả gì. Anh thích em nhưng không thể chịu trách nhiệm được”. Lần này tôi đã không thể khóc.
Sống chai sạn đến 2 năm, khi đi làm, tôi lại gặp một người đàn ông khác. Lần này, tôi chọn một người không đẹp trai, không ga lăng. Anh ta hiền lành, chỉn chu, sống giản dị, gia đình cũng rất nề nếp. Anh ta cũng không có thái độ sàm sỡ, chỉ hôn khi đã hỏi ý kiến tôi. Sau một thời gian tin tưởng, tôi đã kể cho anh ấy nghe cả hai chuyện tình của tôi.
Anh ta lắng nghe rất kỹ càng. Và gặng hỏi tôi về việc thực sự còn trinh tiết hay không. Tôi cứng rắn gật đầu. Anh ta thở phào, gương mặt dãn ra đầy sung sướng. Anh ta thật thà bảo: “Cứ tưởng em xinh đẹp thế thì phải có nhiều người yêu lắm rồi. Mà tình yêu bây giờ thì lúc nào cũng phải hết mình, không ngờ em vẫn còn trong trắng”.
Ngay sau đó, anh ta đã quỳ ngay xuống đất và cầu hôn tôi. Bỗng nhiên, tôi lại nhìn thấy hình ảnh của mẹ. Liệu anh ta đang cầu hôn tôi hay cầu hôn cái màng trinh? Liệu tôi có còn dấu hiệu trinh tiết không? Liệu sau đó anh ta có đối xử với tôi như bố tôi đã đối xử với mẹ tôi? Tôi đã bỏ chạy. Anh ta mãi mãi không hiểu được vì sao tôi làm vậy! Năm đó tôi 25 tuổi.
Vậy là tôi đã yêu 3 người nhưng vẫn còn trinh tiết. Một người đòi tôi không cho. Một người tôi cho lại không dám nhận. Một người dám nhận tôi lại không dám tin tưởng. Tôi thậm chí còn ao ước mình đã mất “zin” để có thể trút bỏ được gánh nặng này. Tại sao cái màng mà chẳng phụ nữ nào nhìn thấy, cũng không chắc nó có tồn tại hay không lại khiến nhiều người bất hạnh như vậy?
Thật tàn khốc khi đàn ông tìm thấy khoái lạc, hả hê từ nỗi đau của người yêu. Tình cảm bền vững quan trọng hay đêm ân ái đầu tiên quan trọng? Cần cả cuộc đời hay chỉ một đêm đầu tiên? Tại sao đàn ông luôn muốn mình là người tình đầu tiên của người yêu, còn phụ nữ lại mong muốn người yêu là người tình cuối cùng của mình? Sự vị tha, rộng lượng hay chính là vì phụ nữ biết yêu hơn đàn ông?
Nguyễn Hải Anh (Quảng Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.