Bình Định: 1 huyện có 5 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu họp kiểm điểm

Dũ Tuấn Chủ nhật, ngày 19/06/2022 15:25 PM (GMT+7)
Đến thời điểm hiện tại, Phù Cát là huyện duy nhất của tỉnh Bình Định trong năm 2022, có 5 tàu cá cùng 30 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.
Bình luận 0

5 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ

Ngày 19/6, UBND tỉnh Bình Định xác nhận, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Tuấn Thanh đã ký báo cáo gửi Bộ NNPTNT kết quả điều tra, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép năm 2022.

Theo đó, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra 5 tàu cá/30 lao động bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ (cả 5 chủ tàu này đều trú huyện Phù Cát); 2 tàu cá/10 lao động bị lực lượng chức năng Malaysia kiểm soát, lấy tài sản rồi thả trên biển.

1 huyện có 5 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu họp kiểm điểm - Ảnh 1.

Bình Định thời gian qua đã triển khai hàng loạt giải pháp, truy nguồn gốc, báo cáo nhật ký khai thác... nhằm gỡ thẻ vàng thuỷ sản. Ảnh: DT.

Cụ thể 5 tàu cá và 30 ngư dân bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ gồm: tàu BĐ 93347-TS, 6 lao động do ông Nguyễn Xuân Quang (SN 1983, trú Cát Tiến, huyện Phù Cát) làm chủ kiêm thuyền trưởng; tàu BĐ 30129-TS, 6 lao động do ông Phan Hữu Lộc (SN 1966, trú Cát Minh, huyện Phù Cát) làm chủ kiêm thuyền trưởng; tàu  BĐ 31188-TS, 6 lao động do ông Đỗ Quang Nhân (SN 1996, trú Cát Tiến, huyện Phù Cát) làm chủ kiêm thuyền trưởng; tàu BĐ 31207-TS, 6 lao động do ông ông Trần Cường (SN 1973, trú Cát Minh, huyện Phù Cát) làm chủ kiêm thuyền trưởng; tàu BĐ 93430TS, 6 lao động do ông Ngô Hồng Đạt (SN 1980, trú Cát Tiến, huyện Phù Cát) làm chủ, kiêm thuyền trưởng. 

Trong khi đó, 2 tàu cá vi phạm bị phía Malaysia khống chế, lấy tài sản rồi thả trên biển gồm: tàu BĐ 30111 TS, 6 lao động do ông Huỳnh Công Hưng (SN 1975, trú Cát Minh, huyện Phù Cát) làm chủ kiêm thuyền trưởng; tàu BĐ 95548-TS, 4 lao động do ông Huỳnh Cảnh (SN1951, trú Hoài Hương, TX.Hoài Nhơn) làm chủ, ông Phan Thanh Phương (SN1989, trú Tam Quan Nam,TX.Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh

Ông Tuấn Thanh cho biết, ngay sau khi nhận được các thông tin về các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, UBND tỉnh Bình Định đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, lực lượng kiểm soát, bắt giữ, danh tính thuyền viên trên tàu cá và mở hồ sơ theo dõi, xử lý. 

Trong 7 tàu cá nêu trong báo cáo, có 5 tàu cá/30 lao động hiện đang bị cơ quan nước ngoài giam giữ, chưa thả về địa phương nên chưa lập hồ sơ xử lý được. 

Đối với tàu cá BĐ 30111-TS của ông Huỳnh Công Hưng, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khi tàu cá về bến tiến hành tạm giữ, để điều tra, xử lý theo quy định. Đến nay tàu cá chưa về địa phương. 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh phía Nam khi tàu cá về bến tiến hành tạm giữ, thông báo cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để phối hợp điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

1 huyện có 5 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu họp kiểm điểm - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh. Ảnh: DT.

Đối với tàu cá BĐ 95548-TS của ông Huỳnh Cảnh hoạt động trên vùng biển yêu sách thềm lục địa của Malaysia nên không có căn cứ để xử lý. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm việc với chủ tàu, thuyền trưởng để tuyên truyền và khuyến cáo cho ngư dân không nên khai thác hải sản ở vùng biển trên. 

"Qua điều tra, xác minh các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa phát hiện cá nhân, tổ chức trên địa bàn của tỉnh môi giới đưa tàu cá Bình Định ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép", lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho hay. 

Trước đó, ngày 23/5, tại trụ sở UBND huyện Phù Cát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã chủ trì cuộc họp với huyện Phù Cát bàn giải pháp, nhiệm vụ chống khai thác IUU. 

Việc triển khai tại các xã ven biển của huyện này chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao (trong năm 2020: 9 tàu/54 thuyền viên, năm 2021: có 14 tàu/85 thuyền viên, năm 2022: có 5 tàu/30 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ). 

Ông Tuấn Thanh yêu cầu, UBND huyện Phù Cát tổ chức họp kiểm điểm, quy định trách nhiệm cho từng địa phương có tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. 

Ban hành Nghị quyết chuyên đề về ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Quy định rõ trách nhiệm của từng địa phương (xã, thị trấn) còn tái diễn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì xếp loại cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ. 

Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương đó không hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác chống khai thác IUU. Tiến hành rà soát tất cả các tàu cá trên địa bàn huyện, trường hợp hợp không đảm bảo đúng quy định, đề nghị xóa đăng ký, xả bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem