Từ ngày 1.1.2019, thuế môi trường với xăng sẽ tăng 1.000 đồng/lít lên kịch khung 4.000 đồng/lít (Ảnh minh họa)
1 lít xăng 4.000đ tiền thuế từ đầu năm 2019
Chiều 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, thông qua nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, từ ngày 1.1.2019, thuế môi trường với xăng sẽ tăng 1.000 đồng/lít lên kịch khung 4.000 đồng/lít. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng/lít so với mức thuế môi trường hiện nay. Còn dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng tăng mức thuế môi trường từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Bên cạnh các mặt hàng nêu trên, nghị quyết còn điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường như than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi nylon, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng.
Đề xuất nâng mức thuế BVMT với xăng dầu của Bộ Tài chính
Theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hôi, giá xăng dầu chỉ tác động 0,07% đến 0,09% CPI cả năm 2019 do xăng dầu chỉ là 1 trong 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ tính CPI và quyền số của mặt hàng này chỉ chiếm 4% mặt bằng giá cả.
Cơ quan này cũng cho rằng, giá bán lẻ xăng của Việt Nam (vào ngày 10.9.2018) đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á như thấp hơn Lào là 5.318 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 1.773 đồng/lít, thấp hơn Trung Quốc là 1.499 đồng/lít…
Mặt khác, với phương án tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng/lít thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng 39%, vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng của các nước trong khu vực như Campuchia: 49%, Lào: 56,5%, Philippines: 49,5%, Trung Quốc: 52%, Singapore: 67%, Hongkong: 76%...
Ngoài ra, cơ quan này cho biết, việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chỉ tác động đến chỉ số giá vận tải khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Đối với sản xuất điện, kinh doanh kính, gốm cơ bản không tác động.
Tác động ở mức thấp đến hoạt động đánh bắt cá của ngư dân, do hiện nguồn nhiên liệu sử dụng cho các tàu thuyền đánh bắt cá chủ yếu là dầu diesel, trong khi mức tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này là 500 đồng/lít.
Mỗi người dân bỏ vài nghìn đồng, ngân sách có chục nghìn tỷ
Kể từ thời điểm Luật thuế bảo vệ môi trường chính thức được thông qua vào ngày 15.11.2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, sau đó có hiệu lực thi hành kể từ 1.1.2012 với quy định Biểu khung thuế đối với 8 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, trong đó có xăng, dầu.
Kể từ thời điểm Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành tới hết năm 2014, con số ngân sách thu được qua từng năm đều tăng. Năm 2012 là 11.160 tỷ đồng, tới năm 2013 tăng lên 11.512 tỷ đồng. Số thu từ thuế bảo vệ môi trường năm 2014 là 11.970 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2012 - 2014, mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng từ với xăng chỉ là 1.000 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít...
Những lần điều chỉnh thuế BVMT (Ảnh: I.T)
Kể từ ngày 1.5.2015, sau khi thuế môi trường đối với xăng dầu tăng tới 3 lần. Trong đó, xăng tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít... số thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2015 con số đó là khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý, trong 8 nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường, thì số thu từ thuế với xăng dầu và than đá chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối, luôn chiếm khoảng 99% tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường qua các năm.
Cùng với số thu thuế BVMT tăng lên, số thu thuế GTGT đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu NSNN dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm (Ảnh minh họa)
Theo tính toán trên cơ sở gồm: Số lượng xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông thuộc diện chịu thuế tính thuế, thuốc BVTV thuộc nhóm hạn chế sử dụng (nhập khẩu và sản xuất bán ra) bằng số lượng các hàng hóa này thu thuế BVMT năm 2017; Mức thuế BVMT đối với các hàng hóa này theo phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên.
Tổng số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm. Trong đó, đối với xăng, dầu: số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 55.591 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm.
Đối với than đá: số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 1.590,0 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795,0 tỷ đồng/năm.
Đối với dung dịch HCFC: số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 63,5 tỷ đồng/năm, tăng 12,7 tỷ đồng/năm.
Đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế: số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 67,5 tỷ đồng/năm, tăng 13,5 tỷ đồng/năm.
Cùng với số thu thuế BVMT tăng lên, số thu thuế GTGT đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu NSNN dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm.
Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế môi trường với xăng dầu và nhiều mặt hàng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng thu nội địa từ 59% (giai đoạn 2006-2010) lên 68% (giai đoạn 2011-2015), đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là tăng dần tỷ trọng nguồn thu trong nước.
Đồng thời, Bộ Tài chính cho rằng, số thu từ thuế BVMT tăng liên tục qua các năm đã góp phần ổn định nguồn thu thuế nội địa trong giai đoạn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do phải cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.