1 lít xăng cõng 4.000 đồng tiền thuế: Không nói rõ dân khó hài lòng

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 11/04/2018 06:00 AM (GMT+7)
“Tôi nghĩ rằng vấn đề chính là tính minh bạch. Bình thường ngành thuế không giải trình được cho người dân là thu thuế từ họ như vậy thì dùng làm gì? Nếu là tăng thuế BVMT với xăng dầu để bảo vệ môi trường thì phải chứng minh cho họ là hoạt động bảo vệ môi trường tiến hành ra sao, môi trường được cải thiện như thế nào”, chuyên gia Phạm Chi Lan đặt vấn đề.
Bình luận 0

img

Theo Bộ Tài chính,đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của xăng dầu lên kịch khung từ 1.7.2018 được đa số ý kiến đồng tình (Ảnh minh họa)

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ 1.7.2018, mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên kịch khung là 2.000 đồng/lít... gây nhiều phản ứng trái chiều.

Dấu hỏi trách nhiệm giải trình

Tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I.2018 diễn ra chiều 10.4, trao đổi với báo chí về đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT với xăng dầu và nhiều mặt hàng khác, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, không nên kỳ thị thuế và phí.

“Thu - chi và hiệu quả quản lý quan trọng hơn. Câu chuyện ở đây là trách nhiệm giải trình, khi cơ quan quản lý thu như vậy thì họ chi như thế nào? Không phải cứ tăng thu là phải đối. Đôi khi tăng thu là cần thiết, dưới góc nhìn kinh tế là như vậy. Không thể đòi hỏi Nhà nước làm quá nhiều thứ khi Nhà nước không có tiền, đây là nguyên tắc cơ bản”, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường nói.

Còn TS. Nguyễn Đức Thành bày tỏ quan điểm, khi các nguồn thu khác giảm xuống, nên Bộ Tài chính muốn tăng số thu từ thuế đối với xăng dầu. Đây là một nguồn dễ thu bởi người tiêu dùng ai cũng phải sử dụng. Đồng thời, xăng dầu cũng dễ đong đếm, có thể thu qua các đơn vị đầu mối xăng dầu nên khá thuận lợi với người thu.

“Thiệt hại là làm tăng chi phí nguyên vật liệu từ người vận chuyển tới người tiêu dùng bình thường. Và cơ sở của sắc thuế này có công bằng không? Bởi khi đánh thuế đều phải có cơ sở để bảo đảm công bằng. Nếu nghĩ rằng hạn chế sử dụng chúng vì gây ô nhiễm môi trường thì phải có nguyên tắc đánh thuế để giảm bớt lượng tiêu thụ. Nhưng việc giảm này có hiệu quả về mặt kinh tế không khi mọi người vẫn cần xăng dầu để di chuyển, phục vụ đời sống sản xuất? Ở đây, cơ sở này tương đối lu mờ so với mục đích dễ thu thuế”.

img

Bà Phạm Chi Lan cho rằng cần minh bạch số tiền thu từ thuế BVMT

Trong khi đó, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết: “Tôi nghĩ rằng vấn đề chính là tính minh bạch. Bình thường ngành thuế không giải trình được cho người dân là thu thuế từ họ như vậy thì dùng làm gì? Nếu là tăng thuế BVMT với xăng dầu để bảo vệ môi trường thì phải chứng minh cho họ là hoạt động bảo vệ môi trường tiến hành ra sao, môi trường được cải thiện như thế nào.

Nếu vì giảm thu ngân sách, cần tăng thuế cũng nên nói rõ trong số tăng thu, bao nhiêu tiền dùng để BVMT, bao nhiêu tiền để bù đắp phần giảm thu. Nếu làm rõ, mọi người sẽ yên tâm hơn”.  

Một câu hỏi khác được bà Phạm Chi Lan đặt ra là: “Tăng thuế BVMT như vậy, lợi ích thuộc về ai?”

Theo bà Lan, khi tăng thuế BVMT với xăng dầu, nhóm DN kinh doanh xăng dầu vẫn hưởng lợi rất lớn bởi họ sẽ được hưởng một phần do thu hộ cho Nhà nước.

img

TS. Phạm Sỹ Thành đặt dấu hỏi khi Bộ Tài chính không đánh thuế đối với than đá

Phân tích vấn đề theo một hướng mới, TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng, phần lớn băn khoăn của người dân về tăng thuế BVMT đang dồn lên xăng dầu. Trong khi trên thực tế, một mặt hàng gây ô nhiễm môi trường hơn, nhưng lại chịu thuế môi trường thấp hơn là than đá.

“Một mặt hàng rất ô nhiễm là than đá không được nhắc tới, hiện thuế với than đá chỉ là 10.000 đồng/tấn. Có công bằng không khi người tiêu dùng phải trả phí môi trường nhiều hơn cho một mặt hàng không ô nhiễm bằng mặt hàng khác?

Tôi cho rằng ai gây ô nhiễm hơn phải đóng thuế cao hơn. Than đá liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp nhiệt điện, khai thác. Tại sao người dân lại phải đóng mức thuế cao hơn chứ không phải các doanh nghiệp kia?”.

Thuế bảo vệ môi trường: thu không đủ bù chi

Trước một số ý kiến về việc sử dụng nguồn thu từ thuế BVMT, Bộ Tài chính từng cho biết, khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN và được Quốc hội phê duyệt hàng năm.

Luật NSNN quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

img

Số thu thuế BVMT qua từng năm (Ảnh: I.T)

Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012-2016 (bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào NSNN để chi thường xuyên cho BVMT hoặc chi đầu tư phát triển BVMT; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương (NSĐP) cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016. Trong đó, tổng số chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.131 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2017. Năm 2012 thu khoảng 11.160 tỷ đồng, năm 2013 là khoảng 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là khoảng 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 là khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem