TP.Đà Nẵng là 1 trong 9 tỉnh thí điểm chương trình vận động hiến tặng giác mạc và đã có gần 3.000 người đăng ký. Từ thành công của Đà Nẵng, nếu vận động tốt trên cả nước, hơn 300.000 bệnh nhân bị bệnh về giác mạc sẽ có cơ hội tìm lại ánh sáng...
Không ai trách việc làm nghĩa cử
Xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có gần 120 người đã đăng ký tham gia hiến giác mạc. Khi chương trình được phổ biến đến Hòa Nhơn, ban đầu, ai cũng dè dặt. Bà con quan niệm nếu hiến đi giác mạc của mình, khi trở về với cát bụi sẽ không nhìn thấy được ông bà, và đó là cái chết không toàn thây (hiến giác mạc thì phải mổ mắt). Cũng may, nhờ cán bộ chữ thập đỏ tự nguyện đăng ký hiến đã “khai thông” bế tắc cho chương trình.
|
Nông dân Hồ Thêm (xã Hòa Nhơn) đã cùng vợ đăng ký hiến giác mạc. |
Ông Nguyễn Công Tương - nguyên Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn Thanh Nham Tây (Hòa Nhơn) cho biết, ông và vợ cùng đăng ký tham gia hiến giác mạc. Khi đã có những người “khai cuộc”, cán bộ của hội chữ thập đỏ xã, huyện cùng các bác sĩ đã về từng thôn tuyên truyền, giải thích cho bà con, vận động bà con hưởng ứng chương trình.
“Bà con dần dần hiểu ra đây là việc làm nhân đạo, mình vẫn có ích cho cuộc đời sau khi chết. Vì thế bà con đồng loạt đi đăng ký. Chỉ trong 2 năm, Hòa Nhơn đã có gần 120 người đăng ký hiến giác mạc, cao gấp nhiều lần chỉ tiêu đề ra” - ông Lê Hợp - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hòa Vang cho biết.
“Mình mất đi rồi mà còn có thể giúp ích được cho người sống thì còn gì quý bằng. Nếu như có “ông bà” thì cũng không ai trách mình về việc làm nghĩa cử này” - ông Lê Tiến Thịnh - một người đăng ký hiến giác mạc ở xã Hòa Nhơn, bộc bạch.
Hiện cả TP.Đà Nẵng có gần 3.000 người đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Đến thời điểm này, chưa có trường hợp nào thực hiện hiến giác mạc nhưng cán bộ Hội Chữ thập đỏ thành phố rất tin tưởng người dân sẽ thực hiện cam kết của mình. Hiện tại, vào những dịp lễ tết, cưới hỏi, cán bộ các cấp chính quyền, đoàn thể thường xuyên thăm hỏi các cá nhân và gia đình có người tham gia hiến tặng giác mạc, tạo mối liên lạc tình cảm thường xuyên giữa hai bên.
Quà tặng cho cuộc sống
Theo ông Phạm Tiến Dũng, hiện các cán bộ y tế xã, phường, huyện thường xuyên tổ chức tư vấn chăm sóc mắt cho người đăng ký hiến tặng giác mạc cũng như mọi thành viên trong gia đình họ. Ông Nguyễn Gián (68 tuổi, xã Hòa Nhơn) tâm sự: Gia đình tôi ai cũng đồng ý việc hiến giác mạc của tôi. Không chỉ đồng ý mà con cháu còn không cho tôi xem ti vi nhiều hay thức khuya nhiều như trước. Chúng nó lo cho đôi mắt của tôi - món quà mà tôi muốn tặng lại cuộc sống này sau khi qua đời!”.
Bác sĩ Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Ngân hàng Mắt, Trưởng khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt T.Ư) cho biết, Việt Nam đang có 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, mỗi năm có khoảng 15.000 người mù mới. Hầu hết những người không may mắn này đều có thể tìm lại ánh sáng nếu được ghép giác mạc. “Giác mạc lại chỉ có thể lấy từ người mất. Tuy nhiên, nguồn giác mạc được hiến tặng còn quá ít”- bác sĩ Đông nói.
Người có nguyện vọng hiến giác mạc chỉ cần gọi điện thoại đến Ngân hàng Mắt để làm thủ tục hiến (04.39454799). Giác mạc được lấy trong vòng 6-8 tiếng sau khi người hiến qua đời mới có thể sử dụng.
Trước thông tin Đà Nẵng có tới hơn 3.000 người đăng ký hiến giác mạc, bác sĩ Đông cho rằng đó là tín hiệu vui bởi nhận thức của người dân đã thay đổi. Thực tế, theo các chuyên gia Bệnh viện Mắt T.Ư, từ năm 2007, Ngân hàng Mắt đã có chiến dịch truyền thông vận động đăng ký hiến tặng giác mạc ở Việt Nam, nhưng tới nay ngân hàng mới thu nhận được gần 300 giác mạc từ 142 người hiến tặng.
Tại Bệnh viện Mắt TƯ, trung bình, mỗi ngày có ít nhất 1 bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc. Thế nhưng, mỗi năm chỉ có khoảng 100 - 150 giác mạc được cung cấp để ghép. Chỉ cần 1 người đồng ý hiến giác mạc của mình khi qua đời thì có thể giúp cho 4 người thoát khỏi cảnh mù lòa.
Đình Thiên - Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.