1 tháng chiến sự Nga - Ukraine: Kinh tế thế giới đang nếm những "trái đắng"

Lê Trang (theo Euractiv) Thứ năm, ngày 24/03/2022 08:13 AM (GMT+7)
Một tháng kể từ khi chiến sự Nga - Ukranie diễn ra đã khiến giá dầu thế giới tăng vọt, các công ty nước ngoài lũ lượt rời khỏi Nga và Moscow thì đối mặt với bóng ma vỡ nợ. Không chỉ nước Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt mà cuộc khủng hoảng này đã và đang khiến nền kinh tế thế giới nếm những "trái đắng" nào?
Bình luận 0

Giá cả hàng hoá tăng vọt sau khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra

1 tháng kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra, thế giới đã chứng kiến giá dầu và khí đốt tăng vọt vì lo ngại thiếu nguồn cung do Nga là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch lớn nhất thế giới. Dầu thô Brent Biển Bắc từ giá 90 USD/ thùng vào tháng 2/2022 đã nhảy lên 139.13 USD/ thùng vào ngày 4/3/2022, đóng cửa ở mức cao nhất nhất trong vòng 14 năm qua và hứa hẹn còn nhiều biến động trong thời gian tới. 

1 tháng chiến sự Nga - Ukraine: Kinh tế thế giới đang nếm những "trái đắng"  - Ảnh 1.

Giá một số mặt hàng tăng sau chiến sự Nga - Ukraine, đặc biệt là dầu và khí tự nhiên. (Nguồn: IMF)

Giá dầu tăng cao khiến các chính phủ châu Âu phải ngay lập tức đưa ra các biện pháp để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng như giảm thuế VAT ở Thuỵ Điển, kiểm soát giá trần ở Hungary hoặc giảm giá hàng hoá ở Pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử giá khí đốt tại châu Âu lên tới 3.600 USD/1.000m3. Giá khí đốt tăng hơn 67% kể từ khi bắt đầu giao dịch ngày 7/3/2022.

Trong khi Mỹ, Canada và Anh tuyên bố các lệnh cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và năng lượng của Nga thì Liên minh châu Âu (EU) lại dè dặt hơn với các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng. 

Không giống như Mỹ, nước sản xuất dầu và khí đốt lớn, châu Âu phụ thuộc vào nhập khẩu đối với 90% khí đốt và 97% lượng dầu của mình. Nga cung cấp 40% khí đốt và một phần tư lượng dầu cho châu Âu. 

Một loại hàng hoá thế mạnh khác của Nga cũng tăng giá kỷ lục là Niken và Aluminium. Chiến dịch đặc biệt của Điện Kremlin đã giáng một đòn khác vào các nhà sản xuất ô tô của châu Âu vốn đã lao đao vì đại dịch và tình trạng thiếu nguồn cung chip bán dẫn toàn cầu. Nay chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô lại thêm gián đoạn do thiếu các bộ phận quan trọng vốn được sản xuất ở Ukraine. 

 An ninh lương thực bị đe doạ 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo  chiến sự Nga - Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào "cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực thực toàn cầu Theo ông Guterres, Nga và Ukraine hiện chiếm hơn 50% nguồn cung dầu hướng dương và khoảng nguồn cung 30% lúa mì của thế giới. Đáng chú ý, Ukraine chiếm hơn phân nửa nguồn cung lúa mì cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).  

1 tháng chiến sự Nga - Ukraine: Kinh tế thế giới đang nếm những "trái đắng"  - Ảnh 2.

Nga và Ukraine đang cung cấp 30% lúa mì cho thế giới. Ảnh FT

Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc cho biết số người thiếu ăn và suy dinh dưỡng trên thế giới có thể tăng thêm 8% lên tới 13 triệu người vào cuối năm nay và năm sau. 

 Mỹ, Ấn Độ và châu Âu có thể bù đắp tình trạng thiếu lúa mì nhưng tình hình sẽ phức tạp hơn đối với dầu hướng dương và ngô- những sản phẩm nông nghiệp mà Ukraine đang lần lượt là nước xuất khẩu số một và số bốn thế giới. 

Chao đảo thị trường chứng khoán 

Thị trường chứng khoán thế giới khởi đầu năm 2022 đầy hưng phấn sau khi ghi nhận nhiều tin tốt từ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19 và các kết quả kinh doanh tích cực từ nhiều công ty. Tuy nhiên xung đột bùng nổ đã kích hoạt loạt kịch bản tồi tệ với thị trường chứng khoán toàn cầu, riêng thị trường chứng khoán Nga đã đóng cửa trong 3 tuần liên tiếp và chỉ mở cửa một phần vào cuối tháng này. 

1 tháng chiến sự Nga - Ukraine: Kinh tế thế giới đang nếm những "trái đắng"  - Ảnh 3.

Bảng điện tử thông báo chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo, ngày 16/8/2021. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm tê liệt lĩnh vực ngân hàng và hệ thống tài chính của Nga trong khi đồng Rúp bị bốc hơi 30% giá trị. Các biện pháp trừng phạt về tài chính bao gồm nỗ lực đóng băng 300 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Nga tại nước ngoài. 

Moscow vừa mới thoát được nguy cơ vỡ nợ sau khi  đã hoàn thành việc thanh toán lãi suất của hai lô trái phiếu đồng USD. Tuy nhiên theo CNN, sau khoản lãi 117 triệu USD, Nga đang đối diện nhiều khoản nợ khác sắp đến hạn. 

Đáng kể là khoản tiền 2 tỷ USD dự kiến đáo hạn vào đầu tháng 4 và khoản nợ này sẽ gây ra những cơn đau đầu lớn cho Moscow. 

Các doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy 

Hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đã đóng cửa các cửa hàng và văn phòng ở Nga kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu - do các lệnh trừng phạt, áp lực chính trị hoặc dư luận. Danh sách bao gồm những cái tên nổi tiếng như Ikea, Coca-Cola và MacDonald's. 

 Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu các động thái để đáp trả các lệnh trừng phạt khi đưa ra danh sách các công ty nước ngoài có quyết định tạm dừng hoặc rút khỏi Nga có thể sẽ bị "quốc hữu hóa" trong tương lai.  

1 tháng chiến sự Nga - Ukraine: Kinh tế thế giới đang nếm những "trái đắng"  - Ảnh 4.

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới tiếp tục tháo chạy khỏi Nga. (Ảnh: Reuters)

Một số công ty khác thì vẫn chọn ở lại Nga, với lý do trách nhiệm xã hội của họ là không bỏ rơi nhân viên địa phương và tước đoạt các mặt hàng thiết yếu của người dân. 

Tăng trưởng toàn cầu chậm lại 

Chiến sự Nga - Ukraine có nguy cơ trở thành lực cản đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định những diễn biến tại Ukraine hiện nay có thể làm giảm mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu "hơn một điểm phần trăm" trong năm đầu tiên kể từ sau khi chiến sự Nga – Ukraine diễn ra. 

Theo OECD, tác động này nếu kéo dài sẽ tạo ra "một cuộc suy thoái nghiêm trọng ở Nga và đẩy lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu lên xấp xỉ 2,5 điểm phần trăm". 

1 tháng chiến sự Nga - Ukraine: Kinh tế thế giới đang nếm những "trái đắng"  - Ảnh 5.

Tăng trưởng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ trong năm 2022. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng mới thông báo dự kiến sẽ hạ dự báo tăng trưởng. Trước đó vào tháng 1, tổ chức này từng đưa ra mức tăng trưởng toàn cầu có thể đạt mức 4,4% cho năm 2022. 

"Toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng thông qua tăng trưởng chậm hơn, gián đoạn thương mại và lạm phát cao hơn, gây hại cho đặc biệt là những người nghèo và các thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội", IMF nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem