10 năm giống ngô chuyển gen được đưa vào trồng, năng suất ngô ở Việt Nam được cải thiện ra sao?
10 năm giống ngô chuyển gen được đưa vào trồng, năng suất ngô ở Việt Nam được cải thiện ra sao?
P.V
Thứ tư, ngày 09/10/2024 05:31 AM (GMT+7)
Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đề xuất các đơn vị cung ứng giống ngô biến đổi gen cần phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT các tỉnh để có thông tin cụ thể về vùng quy hoạch, vùng sản xuất ngô tập trung, chuyên canh quy mô lớn tại địa phương, lập kế hoạch phát triển trung và dài hạn.
Theo Hiệp hội CropLife Việt Nam, ngô biến đổi gen (BĐG) được giới thiệu và đưa vào canh tác tại Việt Nam dựa trên khung pháp lý khoa học, tiên tiến và bền vững và cho thấy những tác động tích cực sau 10 năm canh tác tại Việt Nam, đặc biệt là lợi ích về mặt kinh tế xã hội cho nông dân trồng ngô, cải thiện thói quen canh tác theo hướng bền vững hơn đồng thời giúp thúc đẩy và duy trì sản lượng ngô trong nước, góp phần giảm bớt áp lực nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.
Nhiều báo cáo thống kê cho thấy, diện tích ngô BĐG và tỷ lệ canh tác ngô BĐG so với ngô lai truyền thống tăng dần theo từng năm. Theo số liệu tổng hợp được từ Cục trồng trọt, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng và báo cáo của AgBioInvestor (một công ty nghiên cứu thị trường chuyên về các sản phẩm cây trồng công nghệ sinh học trên toàn cầu), tổng diện tích canh tác ngô BĐG tại Việt Nam năm 2022 là 220,000 ha, tăng 21% so với năm 2021 và chiếm khoảng 26,5% tổng diện tích ngô cả nước. Tổng lũy kế diện tích canh tác ngô BĐG kế từ năm 2015 tới 2022 là hơn 700.000 ha.
Ngô BĐG đã mang lại lợi ích to lớn cho nông dân Việt Nam trong suốt 10 năm qua, giúp giải quyết những thách thức sản xuất thực tế như kiểm soát sâu bệnh. Tất cả các giống ngô biến đổi gen đang canh tác hiện nay đều mang tính trạng kháng sâu hại, đặc trị sâu đục thân ngô và phòng ngừa sâu keo mùa thu.
Theo thống kê, thế giới có khoảng 200 triệu ha cây trồng biến đổi gen. Tỷ lệ chiếm nhiều nhất là đậu tương, lên tới gần 80% diện tích. Ngoài ra, diện tích trồng ngô cũng tới hơn 25%.
Theo một nghiên cứu gần đây, các giống BĐG có năng suất cao hơn các giống truyền thống có cùng kiểu gen do bởi giống giữ được tiềm năng năng suất của giống gốc và kiểm soát sâu hại hiệu quả. Thông thường năng suất cao hơn 30,4% và giảm chi phí sản xuất từ 26,47 USD/ha đến 31,30 USD/ha.
Công nghệ BĐG là nhân tố chính trong việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu. Lượng thuốc trừ sâu trung bình được dùng trên cây ngô BĐG thấp hơn 78% (0,08 kg/ai mỗi ha) so với lượng thuốc trung bình phun cho diện tích ngô thường không chuyển gen (0,36 kg/ai mỗi ha). Trung bình khi trồng ngô chuyển gen, nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ 4,5 - 5 triệu đồng/ha so với ngô không chuyển gen.
Được biết, hiện nay các công ty vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao và tiến hành khảo nghiệm các giống ngô kháng sâu mới tại Việt Nam. Đây đều là những giống ngô đã được đánh giá an toàn và lợi ích cũng như canh tác hiệu quả tại một số nước phát triển và các nước Châu Á.
Nhìn lại 10 năm giống ngô biến đổi gen được công nhận tại Việt Nam, TS. Đinh Công Chính, Cục Trồng trọt cho rằng, cần “bàn” lại để cải thiện năng suất ngô qua từng năm.
Tính đến hết ngày 30/9/2024, Bộ NNPTNT (Cục Trồng trọt) đã công nhận tổng số 31 giống ngô biến đổi gen, bao gồm: 30 giống ngô tạo ra từ giống nền được công nhận theo Thông tư 29 Quy định về các biện pháp lâm sinh và 1 giống ngô BĐG được công nhận theo theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94 hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
TS. Đinh Công Chính dẫn đánh giá sơ bộ của các địa phương, các giống sinh trưởng phát triển khỏe và phù hợp với cơ cấu mùa vụ tại các vùng trồng ngô nước ta do giống ngô BĐG tương đồng so với giống nền ở các tính trạng hình thái đặc trưng.
Đối với vụ, vùng trồng ngô chịu áp lực cao về sâu hại bộ cánh vảy (sâu đục thân, đục bắp, đục cờ), sử dụng giống ngô BĐG thể hiện khả năng kháng sâu với các nhóm sâu bệnh mà giống được chuyển gen kháng. Ngược lại, ở những vụ, vùng không chịu áp lực cao về sâu hại, giống ngô BĐG cho năng suất trung bình không cao hơn rõ ràng so với giống truyền thống; chất lượng hạt thương phẩm tương tự giống truyền thống.
TS. Đinh Công Chính kiến nghị, cần tập trung vào sự thay đổi đa dạng sinh học về số lượng, thành phần các loại côn trùng, động vật trên vùng trồng cây ngô và hệ sinh thái các loài thực vật có quan hệ gần gũi với cây ngô: sự sụt giảm có thể dẫn đến biến mất của một hay một số loài côn trùng đặc biệt nhóm họ cánh vảy; một số côn trùng họ cánh vảy như nhóm sâu đục thân, đục bắp, ăn lá đang là sâu hai chính trên cây ngô sẽ trở thành sâu hại thứ yếu (các loài này chúng ta đã có nhiều nghiên cứu, hiểu rõ về đặc điểm sinh học sinh thái, phòng trừ), một số loài sâu hại thứ yếu sẽ trở thành sâu hại chủ yếu (các loài này chúng ta chưa có nghiên cứu về sinh học, sinh thái, phòng trừ) điều này sẽ rất nguy hiểm khi mới xuất hiện rất khó phòng trừ. Đặc biệt là hệ vi sinh vật đất cũng rất có thể có sự ảnh hưởng tương tự như với côn trùng đã nói ở trên.
Ở thời điểm trước mắt, đại diện Cục Trồng trọt đề xuất các đơn vị cung ứng giống cần phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT các tỉnh để có thông tin cụ thể về vùng quy hoạch, vùng sản xuất ngô tập trung, chuyên canh quy mô lớn tại địa phương để lập kế hoạch phát triển trung và dài hạn. Tổ chức đánh giá thật chi tiết vùng, thời vụ và chân đất chịu áp lực cao về sâu hại và ngược lại để xây dựng kế hoạch phát triển ngô BĐG đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ khuyến cáo gieo trồng ngô BĐG ở những vùng, vụ, chân đất chịu áp lực cao về sâu hại và đã xây dựng mô hình trình diễn.
Được biết, tháng 3/2010, Bộ NNPTNT lần đầu tiên cấp giấy phép khảo nghiệm cây trồng BĐG tại Việt Nam, có 4 sự kiện chuyển gen được cấp phép cùng lúc trong giai đoạn này. Tới năm 2013, Bộ NNPTNT cấp quyết định Công nhận kết quả khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng về đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học cho một số sự kiện ngô BĐG.
Tháng 8/2014, Bộ NNPTNT cấp 4 Giấy xác nhận sinh vật BĐG đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho 4 sự kiện ngô chuyển gen lần đầu tiên
Cũng trong giai đoạn 2014 – đầu năm 2015: Bộ Tài Nguyên và Môi trường tiếp tục cấp phép Giấy chứng nhận An toàn sinh học cho 4 sự kiện nêu trên.
12/3/2015: Bộ NNPTNT cấp quyết định công nhận đặc cách giống cây trồng BĐG đầu tiên tích hợp các sự kiện BĐG đã được cấp phép – chính thức đánh dấu năm đầu canh tác ngô BĐG tại Việt Nam
6/4/2015: Giống ngô BĐG lần đầu tiên được đưa đến tay bà con nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.