Doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền cho nhà khoa học để nghiên cứu ra "gạo ít đường, ngô có mùi, cà chua quả phải cứng"

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 11/07/2024 11:29 AM (GMT+7)
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) Trần Kim Liên nói sẵn sàng trả tiền các nhà khoa học nếu nghiên cứu ra "ngô có thêm mùi hương thơm tự nhiên, gạo ít đường, cà chua trồng ngoài đồng mà vẫn bảo đảm quả cứng".
Bình luận 0

Doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để có sản phẩm chất lượng từ KHCN

Nêu quan điểm liên kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp tại "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân", chiều 10/7, bà Trần Kim Liên cho biết, ngay trước khi diễn đàn này diễn ra, doanh nghiệp đã chọn 3 sản phẩm khoa học từ các viện, trường để đưa vào sản xuất kinh doanh.

Khẳng định hợp tác công - tư là điều cần thiết để tận dụng tối đa nguồn lực, kết nối với thị trường, đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, xã hội, bà Liên cho hay, từ năm 2006, Vinaseed phối hợp với các viện nghiên cứu công lập để chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ vào sản xuất. Các nhóm giống cây trồng đã mua bản quyền để đưa vào sản xuất đóng góp 50% doanh thu của doanh nghiệp.

Cũng theo bà Liên, các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ coi doanh nghiệp chính là thị trường của khoa học công nghệ. Bởi, doanh nghiệp có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường nên sẽ hiểu nhu cầu, dự báo được thị trường.

"Trong giống ngô hiện nay, tạo màu cho hạt ngô thì đã làm được rồi thì sắp tới sẽ là ngô có thêm hương thơm tự nhiên như dứa chẳng hạn, còn gạo thì phải là loại gạo ít đường", bà Liên nói và nhấn mạnh các doanh nghiệp khối tư nhân luôn kỳ vọng sẽ có nguồn thông tin dự án cụ thể để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

Doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền cho nhà khoa học để nghiên cứu ra "gạo ít đường, ngô có mùi, cà chua quả phải cứng"- Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) Trần Kim Liên nói sẵn sàng trả tiền cho các nhà khoa học nếu nghiên cứu ra "ngô có thêm hương thơm tự nhiên, gạo ít đường, cà chua trồng ngoài đồng mà vẫn bảo đảm quả cứng". Ảnh: Tùng Đinh

Vinaseed cũng mong muốn tham gia sâu hơn trên toàn chuỗi giá trị sản xuất cây trồng, từ mua bản quyền, chuyển giao, khảo nghiệm giống, đến đưa vào sản xuất và đầu tư công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, mục tiêu là đi đường dài, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp.

"Doanh nghiệp chúng tôi đã đặt hàng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nghiên cứu tạo ra giống cà chua có thể trồng được ngoài đồng, ít bị sâu bệnh mà vẫn bảo đảm quả cứng để vận chuyển dài ngày; nghiên cứu giống dưa chuột để làm sản phẩm chế biến để không cần phải nhập giống từ Hà Lan nữa. Chúng tôi sẵn sàng tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí cho các dự án này", bà Liên nói.

Để kết nối doanh nghiệp với giới khoa học, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaibinh Seed Trần Mạnh Báo cho rằng, hợp tác đa chiều là cần thiết để phát triển bền vững và hiệu quả. “Ví dụ, để phát triển giống kháng bệnh đạo ôn với quốc tế có thể tốn đến 3 triệu USD, nhưng khi ThaibinhSeed hợp tác với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, chúng tôi đã thành công cho ra đời những giống đạt chất lượng”, ông Báo nói.

Điều này cho thấy rằng, hợp tác đa chiều là cần thiết để phát triển bền vững và hiệu quả. Và để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuỗi giá trị lúa gạo, ông Báo đưa ra 3 đề xuất.

Doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền cho nhà khoa học để nghiên cứu ra "gạo ít đường, ngô có mùi, cà chua quả phải cứng"- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaibinhSeed Trần Mạnh Báo cho biết, cần cơ chế rõ ràng trong chuyển nhượng sản phẩm khoa học từ Nhà nước đến doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh

Đầu tiên, cần cơ chế rõ ràng trong chuyển nhượng sản phẩm khoa học từ Nhà nước đến doanh nghiệp. Cần có cơ chế cụ thể và minh bạch để thúc đẩy quá trình chuyển giao này, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cơ chế tài chính hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới. Ông Báo đề nghị cần có những cải cách và điều chỉnh cơ chế tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Cuối cùng, một trong những yếu tố then chốt để phát triển khoa học công nghệ là chuyển giao sản phẩm từ nghiên cứu đến thực tiễn sản xuất. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động và tăng cường khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất.

Doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền cho nhà khoa học để nghiên cứu ra "gạo ít đường, ngô có mùi, cà chua quả phải cứng"- Ảnh 3.

Những sản phẩm nông nghiệp từ nghiên cứu khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh

Không thể "đứng một mình"

GS.TS.Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn kết nối sản phẩm KHCN tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Sau khi xác nhận sự phối hợp của doanh nghiệp, việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, tiến hành sản xuất thử nghiệm và triển khai trong dự án khuyến nông là một chuỗi quan trọng để chuyển giao kết quả.

Ông Hải cho hay, muốn kết nối, chuyển giao KHCN, công tác truyền thông cần thực hiện tốt. Ông cũng đề xuất Bộ NNPTNT hỗ trợ để số hóa các sản phẩm KHCN để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, cần thay đổi cách tiếp cận, doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và ở chiều ngược lại, các nhà khoa học cũng cần tìm đến các doanh nghiệp để thúc đẩy KHCN.

Cuối cùng là trong hợp tác, liên kết chuyển giao KHCN cần đặt chữ "Tín" lên hàng đầu.

Doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền cho nhà khoa học để nghiên cứu ra "gạo ít đường, ngô có mùi, cà chua quả phải cứng"- Ảnh 4.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các nhà khoa học và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ, không thể "đứng một mình". Ảnh: Tùng Đinh

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, các viện nghiên cứu khoa học cần có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và người nông dân. Các nhà khoa học cần bỏ tư duy không biết thị trường thế nào, cứ nghiên cứu rồi Nhà nước mua lại.

“Chúng ta nghiên cứu cái gì cũng phải theo thị trường. Mọi sự thay đổi thị trường, doanh nghiệp là người đầu tiên biết. Giống như vị mặn, vị ngọt trong nước thì con tôm, con cá cảm nhận được đầu tiên. Nhà nước sẽ luôn đi sau doanh nghiệp trong vấn đề này. Vì sao? Vì thị trường chính là hơi thở, là sức khỏe của doanh nghiệp”, ông nói.

Nếu viện nghiên cứu chỉ đứng một mình, thì không hiểu thị trường, và đây là lúc viện nghiên cứu cần doanh nghiệp. Mối hợp tác liên kết giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp, vì thế, có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”.

“Đừng nghĩ chúng ta là nhà khoa học, rồi doanh nghiệp này nhỏ, doanh nghiệp kia siêu nhỏ, chúng ta không gặp. Không phải thế, chúng ta ngồi ở đây làm quốc sự, giúp cho nông dân và ngành nông nghiệp đi lên. Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cho viện, cho nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem