Qua 2 năm theo dõi, tỉ lệ thành công là gần 85%. Các bệnh nhân bị đứt rời các bộ phận có đến 87% là nam giới. Trong số 132 tai nạn có 64% là do tai nạn lao động, tiếp đó là tai nạn sinh hoạt và các nguyên nhân khác. Theo các bác sĩ, tổn thương đứt rời ngón tay rất thường gặp, tuy nhiên do việc sơ cứu ban đầu kém, bảo quản phần cơ thể đứt rời không tốt nên khi đến viện đã muộn, không phẫu thuật được hoặc có phẫu thuật khả năng phục hồi kém.
Bé Nguyễn Văn Dân, 3 tuổi, từng bị đứt rời bàn chân, được các bác sĩ tại bệnh viện chữa trị. Ảnh do Bệnh viện Việt Đức cung cấp
Theo các bác sĩ, khi không may bị tai nạn đứt rời bộ phận cơ thể, cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc vào một miếng gạc hoặc vải sạch (nếu có), sau đó cho vào túi nilon sạch, buộc kín không để nước vào sau đó lại cho vào nilon đựng nước, tiếp đến mới cho vào hộp hoặc thùng đựng đá. Việc làm này tránh cho bộ phận đứt không bị nhiễm khuẩn, tránh tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh gây bỏng lạnh và cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phần đứt rời. Nếu đến viện càng sớm thì khả năng nối thành công càng cao. Theo đó, nếu bệnh nhân được nối sau 6- 10 tiếng bị đứt rời các bộ phận, tỷ lệ thành công là rất lớn, trên 80%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.