10 triệu dân Hà Nội cần bao nhiêu quả trứng, tấn thịt mỗi tháng, chợ dân sinh đóng cửa thì mua hàng ở đâu?

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 31/07/2021 09:20 AM (GMT+7)
Người dân Hà Nội cần 18.594 tấn thịt lợn, 6.198 tấn thịt gia cầm, 123 triệu quả trứng, 103.300 tấn rau-củ cho tiêu dùng mỗi tháng. Trong điều kiện Hà Nội đang giãn cách xã hội, nguồn lương thực thực phẩm này vẫn đang được cung ứng đủ cho người dân
Bình luận 0

Hà Nội cần 18.594 tấn thịt lợn, 6.198 tấn thịt gia cầm, 123 triệu quả trứng, 103.300 tấn rau-củ mỗi tháng

Theo thống kê của Sở NNPTNT TP.Hà Nội, với dân số khoảng 10,33 triệu người, nhu cầu lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân là vô cùng lớn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội, nhu cầu gạo của người dân Hà Nội trong 1 tháng khoảng 92.970 tấn, trong khi sản lượng sản xuất trong 1 vụ của Hà Nội khoảng 338.028 tấn/vụ ( trung bình khoảng 56.338 tấn/tháng), đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Sản lượng thịt lợn xuất chuồng trong 1 tháng của Hà Nội khoảng 17.500 tấn, trong khi nhu cầu 1 tháng của thành phố là 18.594 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu, cần cung cấp từ bên ngoài thành phố 1.094 tấn/tháng.

Đối với mặt hàng thịt gia cầm, sản lượng xuất chuồng của Hà Nội trong 1 tháng là 10.671 tấn, trong khi nhu cầu 1 tháng của thành phố là 6.198 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng trứng trong 1 tháng của người dân Hà Nội lên đến 123,9 triệu quả trứng gia cầm, trong khi sản lượng 1 tháng của thành phố là 116,7 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu.

10 triệu dân Hà Nội cần bao nhiêu quả trứng mỗi tháng?  - Ảnh 1.

Nhu cầu tiêu dùng trứng trong 1 tháng của người dân Hà Nội lên đến 123,9 triệu quả trứng gia cầm, trong khi sản lượng 1 tháng của thành phố là 116,7 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu. Trong ảnh: Một trang trại nuôi gà đẻ trứng ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội?

Đối với mặt hàng rau củ, sản lượng sản xuất 1 tháng của Hà Nội là 67.299 tấn, trong khi nhu cầu 1 tháng của thành phố là 103.300 tấn, như vậy sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu, lượng rau củ cần cung cấp từ bên ngoài thành phố là 36.001 tấn (34,9%).

"Nhìn chung, trong bối cảnh Hà Nội đang giãn cách xã hội nhưng đến nay tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố tương đối ổn định" - ông Sơn nói.

Tuy nhiên, để việc kết nối, cung ứng nông sản cho Hà Nội được thông suốt, Sở NNPTNT TP.Hà Nội kiến nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất các loại nông lâm thủy sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông lâm thủy sản

Ban hành hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu;

Phối hợp triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản bằng hình thức phù hợp (trực tuyến), đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.

Tiếp tục có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thống nhất UBND các tỉnh, thành phố cách thức lưu thông, thực hiện cấp nhanh nhất các mã QR code cho các xe vận tải khi thực hiện giãn cách xã hội đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu... 

Chia nhỏ điểm tập kết chợ đầu mối để Hà Nội không thiếu hàng

Bà Nguyễn Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dù sức mua tăng đột biến, hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cho người dân.

Tuy nhiên, điều bà Lan lo ngại là, trong tình huống xấu, nếu số ca F0 tăng cao, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách, trong khi các địa phương khác cũng có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt hơn, việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội có thể khó khăn.

"Chúng tôi đề nghị Tổ công tác của Bộ NNPTNT kịp thời tháo gỡ nếu có những khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa" - bà Lan nói.

Đối với việc đóng cửa các chợ dân sinh, chợ cóc trên địa bàn Hà Nội, một số chợ đầu mối đã xuất hiện các ca F0, hiện chợ đầu mối phía Nam tạm thời bị phong tỏa, bà Lan cho biết, phương án của Sở Công Thương Hà Nội là chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung.

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác đặc biệt phía Bắc của Bộ NNPTNT với Hà Nội sáng 31/7, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục duy trì kế hoạch sản xuất, cung ứng nông sản cho người dân, đảm bảo hàng hóa, lương thực thiết yếu cho người dân trong thời gian phòng chống dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem