Tham dự buổi lễ có bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc Hội, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo, cùng nhiều đại biểu đại diện các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, đại diện các tỉnh, thành trong cả nước.
Trẻ em trường tiểu học Nậm Cắn, ̣Kỳ Sơn, Nghệ An uống sữa học đường TH true MILK trong ngày khai trường 5.9.2015.
Trẻ em Việt Nam đối diện... với thấp còi
Phát biểu tại Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Hiện nay trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam, nhất là trẻ ở độ tuổi từ 2 tới 12 tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi còn khá lớn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi. Những ai đã từng đi tới các xã vùng 3 đặc biệt khó khăn đều lo ngại khi thấy những đứa trẻ lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn nhỏ bé như học sinh lớp 1, 2 ở thành phố”.
So sánh mặt bằng chung về tầm vóc, chiều cao nam, nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rất nhiều, tốc độ tăng trưởng về tầm vóc của người Việt cũng chậm đến mức báo động, trong 15 năm người Việt mới tăng được 1,5 cm, so với các nước cùng xuất phát điểm về tầm vóc. Trong khi đó, cứ 3 trẻ lại có 1 trẻ thấp còi, hơn 1 nửa trẻ em nước ta bị thiếu hụt những vi chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển trong bữa ăn hàng ngày.
Bộ y tế đã có con số thống kê đáng chú ý, 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu, hơn 80% trẻ bị thiếu kẽm, bữa ăn hàng ngày của trẻ em còn thiếu hơn 40% nhu cầu canxi, mặc dù đã được cải thiện nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao 25,9%. Những con số trên cho thấy tầm vóc và sức khỏe của một thế hệ vàng Việt Nam đang ở tình trạng đáng báo động.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Để giải quyết vấn đề dinh dưỡng và cải thiện tầm vóc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg ngày 28.4.2011 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Một trong các nội dung quan trọng của Đề án là xây dựng "Chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học".
Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt được tổ chức tại Hà Nội ngày 9.10.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo Đề án Sữa học đường Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn chưa được phê duyệt vì còn nhiều điểm cần cân nhắc, trong đó có các trở ngại về kinh phí. Thấu hiểu điều đó, với sự ủng hộ của Bộ GDĐT, tập đoàn TH đã mạnh dạn xây dựng mô hình điểm Chương trình Sữa học đường tại Nghệ An với các đề xuất khả thi về cơ chế tài chính, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ mọi trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học uống sữa tại trường và giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách quốc gia.
Bà Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH bày tỏ: “Ý thức được sự cần thiết của Chương trình Sữa học đường, Tập đoàn TH đã đề xuất các cơ chế hỗ trợ và huy động sựu vào cuộc của công đồng để triển khai ngay chương trình. Chúng tôi tin rằng các bà mẹ sẽ hiểu cho con uống sữa để không bỏ lỡ cơ hội phát triển của con ở lứa tuổi vàng. Mỗi ngày chậm trễ triển khai Sữa học đường là một ngày cơ hội lớn của các con đang trôi qua”.
Chương trình sẽ giúp 428,306 học sinh mầm non và tiểu học ở 21 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh Nghệ An được sử dụng 1 hộp (180ml) sữa tươi mỗi ngày, 5 ngày/tuần trong năm học 2015-2016. Sữa được cung cấp với cơ chế tài chính ưu đãi: miễn phí 100% cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, gia đình người có công; hỗ trợ 50% cho học sinh hộ cận nghèo; hỗ trợ 30% cho học sinh bình thường.
Đánh giá ý nghĩa của mô hình Sữa học đường tại Nghệ An, ông Nguyễn Song Hà – chuyên gia dinh dưỡng, đại diện tổ chức Nông Lương LHQ (PAO) cho rằng: “Mô hình này nếu được nhân rộng trong cả nước, ngoài tính chất nhân văn nó còn tác động lớn đến kinh tế và xã hội. Về giáo dục, chương trình sẽ là “sợi dây kết nối” đưa trẻ em đến trường, nâng cao tỷ lệ chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Việc tiêu thụ nguồn sữa trong nước cũng nhằm kích cầu kinh tế, điều mà nhiều người dân mong đợi, việc này đã thấy rõ ở hơn 40 quốc gia thực hiện chương trình Sữa học đường”.
Với cách nhìn khác, bà Trần Thị Thanh Thanh – nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em, Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: “Trước khi nói đến quyền trẻ em thì phải nói rằng chương trình này đã đáp ứng được nhu cầu tha thiết của người dân Việt Nam hàng trăm năm nay, nhu cầu được bảo đảm về dinh dưỡng. Ngoài ra, nó còn thể hiện tính bình đẳng, bảo đảm quyền trẻ em khi chương trình tạo cơ hội cho tất cả trẻ em, trong đó có trẻ em nghèo”.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, để Sữa học đường được thực hiện bền vững, cần có cơ chế chính sách rõ ràng tới các địa phương, việc thành lập các quỹ sữa quốc gia cần minh bạch để thu hút sự ủng hộ của toàn xã hội. Bên cạnh đó phải có sự giám sát chặt chẽ, cần đưa ra tiêu chuẩn về sữa học đường một cách khoa học chứ không phải bất kỳ sữa nào đưa vào trường học cũng được coi là...sữa học đường.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã nghiên cứu và đưa ra bộ quy chuẩn về Sữa học đường để sớm trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới: “Nguồn sữa phục vụ cho học sinh cả nước sẽ phải là sữa sạch, tuyệt đối không để sữa bẩn lọt vào trường học ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu học sinh” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tặng 1 triệu ly sữa cho học sinh 2 huyện đảo Lý Sơn, Trường Sa
Tại buổi lễ khởi động Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt, Tập đoàn TH tiếp tục dành tặng một triệu ly sữa TH truemilk cho học sinh là con công nhân, học sinh huyện đảo Lý Sơn, huyện đảo Trường Sa. Trước đó ngày 22.9, thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn TH cũng đã giành tặng 1 triệu ly sữa tươi sạch học đường cho học sinh nghèo.
|
Cải thiện tầm vóc trẻ
Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GDĐT) giải thích: “Mục tiêu của đề án Sữa học đường là mọi trẻ em dù nghèo, khá giả đều được uống 1 ly sữa giống nhau mỗi ngày, để đảm bảo được điều này nhất định phải có nguồn tài chính ổn định để hộ trợ, trong bối cảnh hiện nay, kinh phí nhà nước không thể tài trợ được khoản này vì vậy cần có sự chung tay của cả cộng đồng mới hi vọng tầm vóc trẻ em được cải thiện”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.