Chiều 3/4, GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức vui mừng thông báo, ca ghép gan từ cặp bố - con đã thành công sau 4 ngày phẫu thuật.
“Trong số hơn 36 ca ghép gan tại BV thì đây là trường hợp rất đặc biệt, vô cùng hy hữu, trên thế giới cũng có rất ít trường hợp bệnh nhân nặng như thế này”, GS Giang chia sẻ.
Bệnh nhân là Dương Thị Phương M. (15 tuổi, Tĩnh Gia, Thanh Hoá), mắc hội chứng Wilson bẩm sinh khiến cơ thể không thải được đồng, tích tụ gây xơ gan.
GS Giang (thứ 2 từ trái qua) cho biết đây là ca ghép gan khó nhất từ trước đến nay tại BV
Tháng 2/2017, bé M. bắt đầu xuất huyết tiêu hoá, hôn mê gan. Đầu tháng 3 được chuyển ra BV Nhi TƯ trong tình trạng rối loạn đông máu nặng, chỉ bằng 10-20% người bình thường, nhiễm khuẩn huyết, được chỉ định thay huyết tương nhiều đợt, lọc gan... nhưng tình trạng không cải thiện.
Do gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngày 23/3, một bệnh viện tư đã đưa bệnh nhân về để điều trị khi điểm MELD lên tới 56 (trong khi trên 25 điểm đã có nguy cơ tử vong trên 80%).
Khi chuyển sang Việt Đức vào tối 28/3, bệnh nhân đã suy gan cấp, hôn mê gan độ 2, 3, rối loạn đông máu nặng. Tiên lượng chắc chắn tử vong nếu không được ghép gan.
May mắn xét nghiệm gan của ông bố 39 tuổi hoà hợp. Tuy nhiên gia đình trăn trở rất lớn, không muốn đánh đổi sức khoẻ của người cha để lấy 5-6% hy vọng, do đó đã xin giám đốc BV ký giấy xin về.
“Chúng tôi rất đau lòng khi phải huy động tới 5-6 người để gỡ hệ thống máy móc trên người cháu bé. Trong gần 2 tiếng, mọi động tác gỡ phải thật nhẹ nhàng để cháu không bị chảy máu, phồng rộp khi về. Khi xe cứu thương đang trên đường đến, gia đình đã thay đổi quyết định trong phút cuối”, BS Đào Thị Kim Dung, TT Gây mê hồi sức nhớ lại.
5h sáng ngày 29/3, trước khi ca mổ bắt đầu, bé M. bị suy hô hấp, hôn mê gan, phải chuyển đến phòng cấp cứu. Từ ca ghép tạng thông thường chuyển thành ca ghép tối cấp cứu.
Bé M. hồi phục tốt sau ghép gan
“Bệnh nhân trong tình trạng vô cùng nặng, chống chỉ định phẫu thuật do động vào đâu là chảy máu đến đó, cơ thể bị nhiễm trùng, động mạch gan cấp máu không tốt. Các bác sĩ cũng không kịp làm các xét nghiệm chuyên sâu trước khi ghép”, TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc trung tâm ghép tạng cho biết.
Do điều trị qua nhiều bệnh viện, hệ thống mạch máu của bệnh nhân cũng đã được sử dụng hết, không còn chỗ chọc. Các bác sĩ phải tiến hành siêu âm để dò, nếu không sẽ không cầm được máu, tử vong.
11h, 1 ekip tiến hành mở bụng lấy 60% gan phải của người bố, với trọng lượng 800g. Chuẩn bị gan ngoài cơ thể 90 phút.
12h, ekip còn lại bắt đầu tiến hành ca ghép và hoàn tất sau 9 giờ căng thẳng. Khi nối, các miệng nối mạch máu, đường mật rất nhỏ nên phải dùng kính phóng đại khi mổ.
Sau mổ 36 tiếng, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, sớm hơn dự tính 1-2 ngày. Sau mổ 4 ngày, tình hình sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt, các chỉ số sau ghép gan dần ổn định, có thể ăn nhẹ.
Bố của cháu M. cũng đã tỉnh táo, sức khoẻ ổn định, chức năng gan tốt, dự tính được xuất viện trong tuần này.
Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết, để cứu sống được cháu bé, bệnh viện đã phải huy động đến hơn 100 y bác sĩ, theo dõi chặt chẽ từng giây, từng phút.
Thúy Hạnh (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.