Theo đơn kiện, vào năm 2002 - 2003, 150 hộ dân này có ký hợp đồng thuê 200ha đất của Công ty Cà phê Đường 9 (nay là Công ty Vinacaphe Quảng Trị) để trồng cà phê catimor. Thời hạn thuê đất hơn 30 năm, thế nhưng mới được 10 năm thì Công ty Vinacaphe Quảng Trị đã đem bán sạch 200ha đất này cho một đối tác khác, đẩy dân vào chỗ vô cùng khó khăn.
|
Người dân bức xúc trình bày sự việc với phóng viên. |
Theo hợp đồng giữa 2 bên, ngoài cho thuê đất, công ty còn cho người dân vay hơn 13 triệu đồng/ha cà phê trồng mới, lãi suất 0,54%/tháng, tính lãi 6 tháng/lần, bắt buộc trả cả gốc lẫn lãi trong 9 năm. Sau đó, người dân được tiếp tục vay vốn của công ty với lãi suất bằng và cao hơn lãi suất ngân hàng (1,2 - 1,8%/tháng) để tiếp tục chăm bón và thu hoạch quả cà phê. Đổi lại, sản phẩm cà phê mà người dân làm ra bắt buộc phải bán cho công ty.
Ngoài ra, người dân còn phải nộp cho công ty 1 tấn quả cà phê/ha. Khoản nộp này được cho là phí hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm bón cây và quản lý dự án.
Tuy nhiên đến nay, qua gần 10 năm, trong khi chưa có bất kỳ hộ dân nào làm ăn có lãi do các khoản phải chi trả quá lớn, thì bỗng dưng Công ty Vinacaphe Quảng Trị lại quyết định bán sạch 200ha cà phê trên làm bà con nông dân điêu đứng.
Trước sự việc này, ngày 10.3, ông Nguyễn Quân Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã chỉ đạo chính quyền huyện Hướng Hóa sớm xác minh làm rõ việc Công ty Vinacaphe Quảng Trị bán hết vườn cà phê mà 150 hộ dân đang canh tác.
Cùng ngày, TAND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã thụ lý đơn kiện của người dân trồng cà phê ở Pa Tầng. Theo thẩm phán thụ lý vụ việc, vườn cà phê của 150 hộ dân đang canh tác tại Pa Tầng là tài sản được hình thành từ vốn vay của bà con. Vì vậy, việc cầm cố, mua bán tài sản này giữa Công ty Vinacaphe Quảng Trị với đối tác là vi phạm pháp luật.
Uyên Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.