1.600 tấn nhãn chưa bán được ở Cần Thơ: Khả năng tới đâu, hỗ trợ tới đó
1.600 tấn nhãn chưa bán được ở Cần Thơ: Khả năng tới đâu, hỗ trợ tới đó
Huỳnh Xây
Thứ năm, ngày 22/07/2021 16:40 PM (GMT+7)
Liên quan đến thông tin 1.600 tấn nhãn của người dân ở Nông trường sông Hậu (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đến thời gian thu hoạch nhưng chưa bán được do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngành chức năng TP.Cần Thơ cho biết, đang vào cuộc hỗ trợ.
Hôm nay 22/7, trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cần Thơ cho biết, sáng cùng ngày, bà đã có văn bản gửi Sở Công thương, Liên đoàn lao động TP.Cần Thơ nhờ hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang thu hoạch của hội viên nông dân.
Theo bà Thư, hiện nay Hội Nông dân đang làm hết các giải pháp có thể để giúp hội viên nông dân TP.Cần Thơ thu hồi một phần vốn để có điều kiện tái sản xuất. Trước mắt, hội viên Hội Nông dân cần tiêu thụ gấp là 1.050 tấn nhãn Ido và thanh nhãn, còn lại hơn 130 tấn nông sản khác, bao gồm (quýt đường, cam xoàn, dưa hấu, dưa leo...).
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho hay, đã nắm được số lượng nông sản của bà con nông dân cần tiêu thụ trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, phần lớn, nông sản bà con nông dân gặp khó khăn ở chỗ lưu thông, mua bán.
"Phía Sở đã nắm hết số lượng, địa chỉ, kể cả số điện thoại của hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã cần bán nông sản. Sau đó, sẽ gửi hết thông tin cho Sở Công thương, từ đó Sở Công thương sẻ gửi đăng bán trên sàn thương mại điện tử do Bộ Công thương quản lý. Thêm vào đó, Sở công thương sẽ hỗ trợ bán nông sản tại các điểm bình ổn giá" - ông Nghiêm thông tin.
Ngoài ra, trong vài ngày tới, Sở NNPTNT TP.Cần Thơ sẽ ra mắt trang website chuyên về lĩnh vực kết nối cung cầu, phục vụ riêng trên địa bàn thành phố. Trang website này sẽ giúp người mua và người bán kết nối với nhau.
"Trong tình hình dịch bệnh này, Sở sẽ cố gắng làm hết mình trên tinh thần được bao nhiêu hay bấy nhiêu, không chỉ riêng gì nhãn ở Nông trường sông Hậu mà còn nhiều loại nông sản khác" - ông Nghiêm nói.
Ông Trần Hải Long - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ thì cho biết, đang tổng hợp các mặt hàng nông sản của người dân sau đó kết nối các đơn vị thu mua để bán ra. Đối với các mặt hàng trái cây đạt tiêu chuẩn VietGap sẽ kết nối đưa vào siêu thị, đối với mặt hàng chưa có giấy chứng nhận VietGap sẽ đưa vào các điểm bán nhỏ hơn.
"Không riêng gì trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, phía Sở làm công việc kết nối này thường xuyên. Do đó, nếu có yêu cầu từ các đơn vị có liên quan thì chúng tôi sẽ hỗ trợ liền" - anh Long trao đổi thêm.
Như Dân Việt đã thông tin trước đó, hiện nay, trong nông trường có khoảng 200ha thanh nhãn và nhãn Ido, với sản lượng khoảng 1.600 tấn trái (bình quân 8 tấn/ha), đang bước vào thời gian thu hoạch nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thanh Phú - Giám đốc Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) cho biết: "Các năm trước, nhãn sau khi thu hoạch được đưa lên các chợ đầu mối, chợ truyền thống ở Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh bán nhưng hiện nay, các chợ đóng cửa nên không bán được, còn siêu thị thì rất khó đưa vào trong thời điểm này. Ngoài ra, khâu vận chuyển nhãn cũng hết sức khó khăn".
Theo ông Phú, do tiêu thụ không được nên giá nhãn giảm mạnh, cụ thể: Nhãn Ido chỉ còn 6.000 đồng/kg (trong khi đó cùng kỳ năm trước từ 25.000 - 30.000 đồng/kg). Còn thanh nhãn, hiện chỉ còn 25.000 đồng/kg (trong khi đó cùng kỳ năm trước giá khoảng 65.000 đồng/kg đối với giá bán cho tiểu thương chợ, giá bán xuất khẩu 75.000 đồng/kg).
"Cùng kỳ năm rồi, nhãn thu hoạch bao nhiêu, thương lái và doanh nghiệp đến mua bấy nhiêu. Bây giờ thì bán không được nữa, một số vườn thì có bán được 1 vài lái nhỏ với khoảng vài chục ký nhãn, chứ không bán được nhiều, số lượng không đáng kể" - ông Phú nói thêm.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.