Sở Y tế TP Hà Nội vừa có báo cáo sự cố y khoa tại bệnh viện đa khoa Trí Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khiến 2 bệnh nhân tử vong sáng 25/12.
2 bệnh nhân được xác định là Quách Thị Mai P. (37 tuổi, quận Ba Đình) và Hoàng Văn T. (34 tuổi, quận Hoàng Mai).
2 bệnh nhân do 2 kíp mổ khác nhau thực hiện, mỗi kíp 5 người gồm 1 bác sĩ mổ, 1 bác sĩ gây mê, 1 kĩ thuật viên gây mê, 2 dụng cụ viên.
Qua rà soát ban đầu, 1 kĩ thuật viên gây mê và 1 nhân viên dụng cụ trong kíp mổ cho bệnh nhân T. không có tên trong danh sách cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên tại bệnh viện.
Sở Y tế đã tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa Trí Đức và 10 cán bộ nói trên để phục vụ công tác điều tra.
Trong đó nữ bệnh nhân P. bắt đầu được gây mê lúc 8h15. Bệnh nhân được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg, (tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron.
Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ và được cấp cứu tại phòng mổ, sau đó chuyển đến khoa A9, bệnh viện Bạch Mai nhưng đã không qua khỏi.
Bệnh nhân T. bắt đầu được gây mê lúc 8h40 với quy trình tương tự, duy điều chỉnh liều lượng Diprivan ở bước 2 lên 120g. Cũng sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, được chuyển đi cấp cứu nhưng sau đó cũng tử vong tại bệnh viện Bạch Mai.
Theo các bác sĩ, đúng nguyên tắc, 8h30 xảy ra biến cố ca 1 thì bắt buộc phải dừng gây mê các ca sau để niêm phong thuốc và kiểm tra chất lượng, tuy nhiên sự cố đã không được báo cáo kịp thời, nên ca thứ 2 vẫn được gây mê sau đó 10 phút.
Hiện Công an quận Hai Bà Trưng đã tiến hành niêm phong phòng mổ, vỏ thuốc và các sổ sách, chứng từ liên quan đến ca gây mê.
Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và niêm phong, bảo quản tất cả các thuốc đã dùng cho bệnh nhân, bao gồm: Diprivan 1% 200mg/20ml, Esmeron 50mg/5ml, Atropin Sunfat 0.25mg/ml, Solu Medrol 40mg/1ml, Midanium (Midazolam 5mg/ml).
Trước đó, như đã thông tin, ông Hoàng Văn Chiến (66 tuổi), bố của anh Hoàng Văn Trấn (sinh năm 1982) ở xã Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội kể, một trong 2 bệnh nhân tử vong là con trai ông.
Ông Chiến cho biết, ngày 24/12 anh Trấn và vợ là chị Vũ Hà Giang cùng đến bệnh viện đa khoa Trí Đức để khám vì ho và rát cổ họng. Các bác sĩ chỉ định cắt amidan và hẹn sáng hôm sau đến làm thủ thuật.
Khoảng 10h sáng anh Trấn được đưa vào mổ. Nhưng chỉ sau khoảng 5-10 phút thì bác sĩ ra thông báo với chị Giang rằng anh Trấn có dấu hiệu ngừng tim sau gây mê, cần chuyển sang bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại bệnh viện Bạch Mai, anh Trấn được xác định đã tử vong.
“Khoảng hơn 10h vợ chồng tôi đang ở nhà thì được con dâu gọi điện về thông báo. Vợ tôi ngất lịm, tôi được người nhà đưa thẳng ra bệnh viện Bạch Mai, đến bệnh viện khoảng 12h30, vừa kịp nhìn thấy mặt con trước khi thi thể cháu được chuyển vào nhà xác để công an làm khám nghiệm tử thi. Vợ nó cũng đã ngất lịm, được đưa về quê trước rồi” - ông Chiến kể.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, hai bệnh nhân này được gây mê phẫu thuật, trong đó một bệnh nhân là nữ, phẫu thuật tuyến giáp đã có biểu hiện sốc phản vệ như: khó thở, tụt huyết áp, trụy mạch, nhận thức lơ mơ… sau khi được tiêm thuốc gây mê.
Ngay lập tức, các bệnh nhân được xử trí cấp cứu tại chỗ và được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, một bệnh nhân đã tử vong ngay khi được đưa đến cấp cứu, một ca khác cũng không qua khỏi sau đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.