2 cô giáo tiểu học Hà Nội sáng tạo tiết học Hoạt động trải nghiệm và Đạo đức khiến học sinh mê mẩn

Tào Nga Thứ sáu, ngày 29/09/2023 09:20 AM (GMT+7)
Không còn là những bài dạy học thông trường, các cô giáo đã khéo léo đưa học sinh vào bài giảng một cách tự nhiên, gần gũi, từ đó rèn luyện việc suy nghĩ tích cực để vận dụng trong cuộc sống thực tế.
Bình luận 0

Nằm trong chuỗi hoạt động chuyên môn được xây dựng từ đầu năm học, ngày 28/9, Phòng GDĐT quận Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức chuyên đề “Hoạt động trải nghiệm” do cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh - giáo viên Trường Tiểu học Thủ Lệ và chuyên đề “Đạo đức” do cô giáo Nguyễn Thanh Lan - giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu thực hiện.

Dạy Hoạt động trải nghiệm: Suy nghĩ tích cực, lan tỏa yêu thương 

Nội dung giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học gồm 10 môn học bắt buộc, ngoài ra có các môn tự chọn. Trong đó hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp Tiểu học là Hoạt động trải nghiệm được quy định thực hiện 105 tiết/năm học. Đây là lần đầu tiên trong Chương trình giáo dục phổ thông, Hoạt động trải nghiệm có đầy đủ các thành phần mục tiêu giáo dục, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục… được quy định thời gian thực hiện 105 tiết/năm học.

2 cô giáo tiểu học Hà Nội sáng tạo tiết học Hoạt động trải nghiệm và Đạo đức khiến học sinh mê mẩn  - Ảnh 1.

Tiếu học Hoạt động trải nghiệm của cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh. Ảnh: NVCC

Bằng ý tưởng mới mẻ cùng việc áp dụng công nghệ thông tin, lựa chọn một nhân vật hoạt hình xuyên suốt tiết học “Suy nghĩ tích cực”, tạo ra các tình huống có vấn đề và cách giải quyết thông qua chính sự trải nghiệm thực tế của học sinh, cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh đã đồng hành cùng học sinh một tiết học thực sự thú vị, thể hiện rõ đặc trưng của môn học Hoạt động trải nghiệm.

Sau mỗi một tình huống mà học sinh thể hiện suy nghĩ, hành động, cô giáo đã khéo léo cùng các con rèn luyện việc suy nghĩ tích cực, biến những suy nghĩ tích cực đó thành những hành động tích cực để vận dụng trong cuộc sống thực tế.

Qua tiết học Hoạt động trải nghiệm rất nhiều thông điệp đã được gửi đến không chỉ với các con học sinh mà còn cả các thầy cô giáo, đó chính là: “Nghĩ tích cực – Sống vui tươi”

Dạy Đạo đức: Gần gũi, tự nhiên

Chương trình Đạo đức lớp 4 quan tâm giáo dục học sinh theo các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật và kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi. Cô giáo Nguyễn Thanh Lan, giáo viên dạy lớp 4A9 Trường Tiểu học Hoàng Diệu đã thực hiện tiết dạy “Em nhận biết sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”, bài dạy thuộc chủ đề “Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”.

2 cô giáo tiểu học Hà Nội sáng tạo tiết học Hoạt động trải nghiệm và Đạo đức khiến học sinh mê mẩn  - Ảnh 2.

Cô giáo Nguyễn Thanh Lan giúp học sinh rút ra bài học đạo đức ý nghĩa. Ảnh: NVCC

Tiết dạy bắt đầu với những giai điệu vui nhộn, động tác nhí nhảnh của bài hát Thỏ đi tắm nắng - tác giả Đặng Nhất Mai. Từ nội dung bài hát, giáo viên khéo léo dẫn dắt vào bài học. Thay cho việc kiểm tra bài cũ khô khan, giờ đây, tất cả các tiết học đều được các giáo viên khởi động với những hoạt động vui vẻ. Đó cũng chính là sự đổi mới mạnh mẽ được thực hiện từ khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Trong tiết học Đạo đức, học sinh được phát hiện tình huống, nêu quan điểm, từ đó rút ra bài học đạo đức. Không còn là những tiết lý thuyết khô khan, giờ đây dạy đạo đức cần gắn với thực tế cuộc sống. Học đạo đức là học cách ứng xử đúng đắn để tự mình rèn luyện bản thân trở thành người tốt, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia, biết quan tâm giúp đỡ người khác.

Trình bày quan điểm, giao lưu với các bạn, cùng trao đổi ý kiến, đó là cách giúp học sinh tự tin, tích cực trong học tập. Trong tiết Đạo đức “Em nhận biết sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”, cô giáo Nguyễn Thanh Lan tổ chức nhiều hoạt động giúp học sinh tự tin trình bày ý kiến, rèn kỹ năng trao đổi, thảo luận. Học sinh được thực hành làm việc nhóm, cùng nhau học, từ đó phát triển năng lực hợp tác và tư duy sáng tạo.

Tiết học đạo đức đã được cô giáo Nguyễn Thanh Lan đầu tư nhiều tâm huyết và công sức. Với năng lực truyền cảm hứng, cô giáo đã dẫn dắt học sinh đến với thông điệp của bài học: Biết cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn cũng chính là phẩm chất nhân ái mà mỗi chúng ta cần phải có.

Theo cô Nguyễn Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ: "Việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên thông qua việc tổ chức các chuyên đề là một việc làm thiết thực và hiệu quả mà Phòng GDĐT quận Ba Đình luôn quan tâm thực hiện, từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường học".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem