Sức sống mới từ xã nghèo ven biển
Trong chuyến công tác mới đây cùng Văn phòng giảm nghèo Quốc gia đi đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo, phóng viên có dịp về xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Hoằng Tiến là 1 trong 17 xã bãi ngang ven biển trong cả nước hoàn thành xây dựng tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay xã có 1,2km đường bờ biển, toàn bộ diện tích này được xã khai thác làm khu sinh thái.
Toàn xã có 302 hộ kinh doanh du lịch, dịch vụ tạo việc làm cho hàng nghìn hộ dân, nâng cao thu nhập và góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.
Mô hình làm bún cho thu nhập cao của anh Cường ở xã Hoằng Tiến (Hoằng Hoá, Thanh Hoá). Ảnh: T.N
Gia đình anh Trương Phú Cường ở thôn Phong Lan (Hoằng Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là điển hình trong việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Từng là hộ cận nghèo, vợ chồng anh phải bỏ lại con ở quê nhà để đi làm ăn xa. Từ khi có chút kinh nghiệm từ việc đi làm bún thuê, lại được hỗ trợ vay vốn mà vợ chồng anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.
“Hiện giờ gia đình tôi đã mở xưởng làm bún, mỗi năm cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Trừ tiền nhân công, mỗi tháng gia đình tôi cũng thu về 20 triệu đồng. Nhờ vậy, các con anh được đi học đầy đủ, khoản dư được tôi sử dụng xây, sửa nhà cửa. Số còn lại tôi đầu tư vào tái sản xuất” – anh Cường chia sẻ.
Không chỉ gia đình anh Cường, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong xã bước đầu tiếp cận với mô hình làm dịch vụ du lịch. Nhờ có du lịch mà ngày càng nhiều những khu nghỉ dưỡng mọc lên, người dân nhờ vậy cũng có việc làm, đời sống dần ổn định. Ngày càng nhiều những ngôi nhà tầng mọc lên trên mảnh đất xã nghèo ven biển này.
Ông Vũ Đức Lâm – Chủ tịch UBND xã Hoằng Tiến cho biết, thời gian qua Hoằng Tiến đã đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, nhờ vậy mà hoàn thành sớm chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22,4% đến cuối năm 2017 giảm xuống chỉ còn 4,68%. Một số chương trình hỗ trợ xã nghèo bãi ngang như: Hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế… được sử dụng hiệu quả. Chính vì vậy đời sống của bà con được ổn định và cải thiện từng bước” – ông Lâm nói.
Nhiều bản làng “thay da đổi thịt”
Không chỉ Thanh Hóa, nhiều xã thuộc tỉnh miền núi cũng có những bước chuyển biến nhảy vọt trong việc giảm nghèo. Xã Kim Lư (Na Rì, Bắc Kạn) là xã miền núi, có đông người dân tộc thiểu số sinh sống thuộc hộ nghèo. Trước năm 2015, toàn xã có 13 thôn thì có tới 11 thôn thuộc diện hộ nghèo. Trong quá trình thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, xã Kim Lư được đầu tư phương tiện sản xuất, cơ sở hạ tầng.
“Trong 2 năm qua chúng ta thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo được Quốc hội đề ra. Bình quân mỗi năm giảm được 1,59%, tỷ lệ tái nghèo chỉ khoảng 5,1%. Đặc biệt, bộ mặt người nghèo, xã nghèo, huyện nghèo đã được cải thiện rõ nét. Hiện, đã có 8 huyện 30A thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, chúng ta cũng có 38 xã trong diện 135, xã bãi ngang ven biển đạt tiêu chí nông thôn mới, có hàng triệu hộ đã thoát nghèo trong cả nước”.
Ông Ngô Trường Thi – Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo
(Bộ LĐTBXH)
|
Nhờ được đầu tư, sử dụng đúng mục đích phương tiện sản xuất mà từ đó đến nay đời sống của nhân dân trong xã đã được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% (năm 2013) xuống còn 9,8% (năm 2018). Các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt, nhiều công trình do xã làm chủ đầu tư đều gắn sát với nguyện vọng của người dân.
Về thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư (huyện Na Rì) không ai không biết đến gia đình ông Hoàng Văn Khang (dân tộc Nùng) với nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Những năm 2015-2016 gia đình ông vốn là hộ cận nghèo, nhưng nhờ mạnh dạn vay vốn, đầu tư sản xuất nên hiện nay gia đình ông đã thoát nghèo.
Ông Khang kể: “Mấy năm trước đây gia đình chỉ cấy lúa, nhưng từ khi được vay vốn gia đình đã chuyển đổi sản xuất sang chăn nuôi lợn, trồng cam quýt, nuôi cá... Từ chỗ thiếu ăn, khó khăn hiện nay gia đình tôi đã vươn lên để làm giàu. Mỗi năm mô hình kinh tế này cũng mang về cho gia đình tôi khoảng 300 triệu đồng”.
Nhìn ngôi nhà ngói 3 gian ít ai biết rằng mới cách đây chỉ 3 năm thôi, gia đình ông vẫn đang phải ở trong những căn nhà gỗ lợp fibro xi măng. Ngôi nhà giờ đây đã ấm cúng đầy đủ hơn bởi còn có rất nhiều vật dụng thiết yếu như chiếc tivi, tủ lạnh, chiếc máy giặt, rồi lò vi sóng.
Ông Khang còn khoe, giờ đây, nhờ kinh tế vững mạnh mà các con ông đã được đi học đầy đủ, không phải thất học, hay nghỉ học giữa chừng như vợ chồng ông. Cậu con trai của ông giờ đã là tân sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, còn cô con gái nhỏ vẫn đang học cấp 2 ở trường nhà.
Nhờ sự cố gắng của cả cộng đồng mà giờ đây, đời sống của rất nhiều những hộ nghèo tại xã Kim Lư cũng đang chuyển biến rõ rệt. Những ngôi nhà tầng, nhà ngói mọc lên ngày càng nhiều xen lẫn giữa đồi núi xanh ngát như là một minh chứng cho thành quả trong công cuộc giảm nghèo của chính quyền và người dân nơi đây.
Những thành công trong công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Na Rì và huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn đã chứng minh một thực tế, việc thay đổi cách tiếp cận trong các chính sách giảm nghèo từ việc cho không tới hỗ trợ có điều kiện đang phát huy tác dụng mạnh mẽ.
Ông Lưu Quốc Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, chỉ cấy vài sào ruộng, giờ đây người dân đã chuyển sang làm mô hình trang trại, kết hợp sản xuất vường – ao – chuồng. Nhiều hộ còn mạnh dạn liên kết tạo ra các hợp tác xã sản xuất, nhận bao tiêu sản phẩm cho người dân” – ông Trung nói.
Ông Trung cho biết, thời gian tới để thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, huyện Ba Bể sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và tầng lớp dân cư, đặc biệt là khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục gắn chương trình giảm nghèo song song với thực hiện chương trình nông thôn mới, từ đó tăng cơ hội thụ hưởng chính sách của người nghèo. Huyện cũng quán triệt việc thực hiện kiểm tra, giám sát các chương trình giảm nghèo tại địa phương nhằm đảm bảo tất cả người nghèo đều được thụ hưởng chính sách.
Tạo sự lan tỏa
“Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo nên kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt... Bên cạnh đó, các gương điển hình của các hộ thoát nghèo cũng đã góp phần lớn vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo sự lan tỏa rộng rãi không chỉ trong địa phương, mà còn sang các tỉnh lân cận”.
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH
Cuộc sống đã nhiều thay đổi
“Từ ngày được vay 35 triệu vốn để đầu tư trồng cao su, trồng điều kinh tế gia đình đã khấm khá hơn. Có tiền, vợ chồng tôi đã dựng nhà gỗ thay vì ở nhà lá như trước đây. Các con cũng không còn phải chịu cảnh đói ăn từng bữa như trước kia nữa”.
Chị H’Lan (dân tộc Mạ, xã Quảng Khê,
huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông)
Hộ nghèo đã ý thức nỗ lực tự làm ănTừ khi thay đổi cách tiếp cận giảm nghèo, người nghèo trên địa bàn huyện đã không còn ỉ lại trông chờ chính sách hỗ trợ. Nhiều người ý thức được việc từ nay sẽ không được “cho không” cân gạo, gói mì chính hay chai dầu ăn nữa... mà thay vào đó, họ đã ý thức được phải nỗ lực tự làm, tự ăn. Nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn vay vốn, học nghề, thay đổi phương thức sản xuất. Nhiều hộ còn mạnh dạn liên kết tạo ra các hợp tác xã sản xuất, nhận bao tiêu sản phẩm cho người dân”.
Ông Lưu Quốc Trung – Phó Chủ tịch UBND
huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Nguyệt Minh (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.