2 người bắt cướp bị đâm: TP.HCM hiện đại nhưng trộm cướp lộng hành

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 29/05/2018 12:59 PM (GMT+7)
Sáng nay (29.5), trao đổi với báo chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê đã nói, TP.HCM là đô thị hiện đại, sống nghĩa tình nhưng tội phạm lộng hành sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển, tạo sự bất an, không có sự yên bình.
Bình luận 0

img

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (ảnh Tiến Tuấn).

Trong quá trình truy đuổi theo 2 đối cướp giật tài sản vào tối 28.5 tại quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), nhóm thanh niên bị đối tượng dùng dao đâm khiến 2 người trọng thương.

Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, qua vụ sự việc này, trước đó là vụ 2 “hiệp sĩ” đường phố bị đâm tử vong cho thấy, vấn đề tấn công, trấn áp các đối tượng phạm tội cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa của các lực lượng chức năng chứ không đơn thuần chỉ ở người dân hay các "hiệp sĩ".

Vị đại biểu Quốc hội này nói thêm, về khía cạnh pháp luật cần xem xét, điều chỉnh để có thể xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi cướp giật tài sản, sau đó còn hành hung, gây trọng thương, sát hại người truy đuổi, bắt giữ.

"TP.HCM là một thành phố văn minh, đô thị hiện đại và sống nghĩa tình mà lại để những tội phạm lộng hành như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển, tạo sự bất an, không có sự yên bình”, đại biểu Khuê cho biết, đồng thời nói thêm nếu tội phạm đường phố không được xử lý triệt để sẽ là mối nguy hiểm trực chờ đối với mọi người dân.

Liên quan đến việc “hiệp sĩ” đường phố hay người dân tham gia phong trào phòng, chống tội phạm, đại biểu Khuê cho rằng cần làm rõ thực chất phong trào đó là gì.

"Lực lượng chức năng của chúng ta hiện nay tỏa rộng từ thành phố xuống đến các quận, huyện, phường, xã, địa bàn dân cư nhưng tội phạm vẫn hoành hành, xem như chỗ không người. Như vậy, vấn đề yên bình cho xã hội, người dân nằm ở đâu. Nếu để những người có cử chỉ đẹp như tham gia bắt trộm, cướp lại bị các đối tượng đâm trọng thương, thậm chí tử vong dễ dẫn đến việc cái tốt không được nảy nở mà bị cái xấu lấn át đi", đại biểu Khuê nói.

Theo vị Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đối với các “hiệp sĩ” đường phố, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho họ.

"Ngoài ra, họ cũng cần được bồi dưỡng về pháp luật nhằm tránh xảy ra chuyện đi làm việc tốt, đem lại lợi ích cho xã hội lại trở thành người vi phạm pháp luật và bị xử lý. Như vậy rất tội cho họ”, đại biểu Khuê nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem