20 năm cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Nhà tạm cư xuống cấp hơn ... chung cư cũ nát

Bùi Ánh - Thanh Hiền Chủ nhật, ngày 20/03/2022 13:02 PM (GMT+7)
Căn hộ tạm cư xuống cấp, trần thấm nước, sụt từng mảng, tường bong tróc rêu mốc… khiến các hộ dân không chịu di dời về đây.
Bình luận 0

Nhà tạm cư xuống cấp như chung cư cũ. CLIP: Bùi Ánh - Thanh Hiền.

Cuối quý I/2022, gần hết thời hạn của thành phố Hà Nội, việc di dân khỏi 6 chung cư nguy hiểm cấp độ D, đợt một vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Là một trong số 18 hộ phải di dời khỏi nhà tập thể C8, Giảng Võ (quận Ba Đình), bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, 51 tuổi, không đồng ý di dời đến nhà tạm cư khu nhà A2 Phú Thượng (quận Tây Hồ). 

“Khu đó nhìn bên ngoài không khác gì nơi tôi đang sống, bên trong còn thấm dột, ẩm mốc hơn nhà tôi. Thêm vào đó, khu nhà quá xa, nếu chuyển đến sẽ phát sinh hàng loạt chi phí sang sửa, đi lại, học hành của các cháu”, bà Lan nói. 

20 năm cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Nhà tạm cư xuống cấp như chung cư cũ - Ảnh 2.

Chung cư tạm cư tại Phú Thượng Tây Hồ.

Được xây dựng từ 2006, khu tạm cư A1, A2 Phú Thượng (quận Tây Hồ) gồm hai khối nhà 6 tầng với 125 căn hộ, lớp sơn phủ bên ngoài đã ngả màu, loang lổ rêu bám. 

10 năm trước, sau vụ cháy khu nhà gỗ phố Hàm Tử Quan (quận Hoàn Kiếm), ông Long (65 tuổi) cùng vợ và hai con được bố trí tạm cư ở A1 Phú Thượng. Căn hộ rộng 43 m2, hai phòng ngủ, nền nhà gồ ghề những viên gạch bung mạch, góc nhà và trần nhà sụt một mảng rộng chừng 40 cm. 

“Nước thải từ tầng trên ngấm xuống, bốc mùi khó chịu. Trời mưa to là dột, nước hắt qua cửa ướt hết nhà. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, chẳng ai đến sửa chữa, năm nào tôi cũng phải tự bỏ tiền để tự gia cố”, ông Long nói. 

20 năm cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Nhà tạm cư xuống cấp như chung cư cũ - Ảnh 4.

Lớp trần bong tróc nham nhở ở nhà gửi xe tòa A2 Phú Thượng, Tây Hồ.

Ông Long mong từng ngày khu nhà cũ ở Hàm Tử Quan xây dựng xong để trở về. Nhưng đến nay, dự án xây dựng lại khu nhà bị cháy do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, vẫn đang là khu đất ngổn ngang phế thải xây dựng. 

Cùng chuyển về khu tạm cư với gia đình ông Long, ông Khoa (65 tuổi, nhà A2 Phú Thượng) cho hay, trước đây vợ chồng ông buôn bán nhỏ trong phố vẫn đủ chi phí sinh hoạt. Chuyển về đây, hai vợ chồng ông mất nguồn thu nhập, ông xin làm bảo vệ, trông xe trong khu. 

“Hệ thống ống nước thải thường xuyên bị rò, ngấm tràn ra tường. Với tình trạng xuống cấp nhanh thế này, chung cư sẽ chẳng khác gì mấy nhà tập thể xây dựng 40 năm. Bất đắc dĩ không còn nhà tôi mới phải ở tạm”, ông Khoa nói. 

20 năm cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Nhà tạm cư xuống cấp như chung cư cũ - Ảnh 5.

Tường nhà bị ẩm mốc, bong tróc ở tòa nhà tạm cư khu vực Yên Hòa Cầu Giấy.

Cách khu tạm cư Phú Thượng 10 km, các khối nhà tạm cư CT1 A, B, C của Khu tái định cư Thành phố Giao Lưu (quận Bắc Từ Liêm), được đưa vào sử dụng từ năm 2014, đến nay cũng đang xuống cấp. Một nửa số căn hộ trong tình trạng đóng cửa người dân “chê” chất lượng kém không về ở. 

Bà Nguyễn Thị Tâm, Tổ trưởng tổ dân phố tòa CT1 Khu đô thị Thành phố Giao lưu (phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) cho hay, gia đình bà chuyển từ khu Láng Thượng (quận Đống Đa) về đây được 7 năm.

20 năm cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Nhà tạm cư xuống cấp như chung cư cũ - Ảnh 6.

Hình ảnh xuống cấp phổ biến ở nhiều căn hộ.

Bà Tâm cho biết, một năm gần đây đường ống nước ở khu liên tục bị vỡ, nước chảy vào tất cả các thiết bị ngầm ở trong nhà chập cháy, ẩm mốc. Hầu như nhà nào cũng thế, xuống dưới tầng hầm thì chảy ở tầng hầm, lên nhà chảy dột trong nhà. Sơn không đủ tiêu chuẩn nên tường nhà vữa ra cả, thang máy cũng hỏng hóc, cái bể nước ngay chợ cóc rêu xanh bám quanh kinh lắm, rác thải ngập ngụa. Nếu chúng tôi không tự thuê người sang sửa, chỗ này thành nhà hoang mất”, bà Tâm nói. 

Trả lời báo Dân Việt, ông Lê Viết Dũng - Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng quận Ba Đình - thừa nhận các khu nhà tạm tư xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc di dân gặp khó khăn. 

Ông Dũng cho hay, thời gian tới, quận sẽ tu sửa lại các khu nhà tạm cư được thành phố bố trí để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân.

20 năm cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Nhà tạm cư xuống cấp như chung cư cũ - Ảnh 7.

Ông Khoa đã sống 10 năm trong tòa nhà tạm cư chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng.

Ngày 31/12/2021, thành phố tiếp tục ban hành kế hoạch cải tạo chung cư cũ đợt I. Theo đó, thành phố sẽ phá dỡ để xây dựng lại 4 khu chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình, gồm nhà C8 (khu tập thể Giảng Võ), G6A (tập thể Thành Công), nhà A (tập thể Ngọc Khánh), khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi). TP Hà Nội yêu cầu quận Ba Đình hoàn tất di dời các hộ dân trong quý I/2022.

Với chung cư đơn lẻ ở 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), thành phố yêu cầu hoàn thành di dời các hộ dân trước quý I/2022 và phá dỡ trong quý II/2023.

20 năm cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Nhà tạm cư xuống cấp như chung cư cũ - Ảnh 8.

Gần 250.000 người dân Thủ đô đang sống trong 1.579 căn hộ xuống cấp thuộc các chung cư cũ ở Hà Nội.

Còn với nhà 148-150 Sơn Tây, việc di dời cũng hoàn thành trong quý I/2022 và phá dỡ dự kiến trong quý III/2022.

Gần 250.000 người dân Thủ đô đang sống trong 1.579 căn hộ xuống cấp thuộc các chung cư cũ ở Hà Nội. Vấn đề cải tạo chung cư, tập thể cũ đã được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Song đến nay, mới chỉ có 19 tập thể cũ được cải tạo; 14 đang triển khai.

Năm 2022, thành phố Hà Nội khởi động lại đề án này, bắt đầu với những chung cư cũ cấp độ D - nguy hiểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem