Tăng thị phần cho thịt mát thông qua thay đổi thói quen tiêu dùng đang là vấn đề khó khăn hiện nay, đặc biệt là với các cơ sở, HTX chăn nuôi muốn phát triển sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Cửa hàng phân phối thịt sạch của HTX Chăn nuôi Đồng Hiệp (Đồng Nai) khai trương lần đầu vào năm 2016. Đến nay, cửa hàng khai trương rồi phải đóng cửa, rồi lại mở cửa kinh doanh… đến lần thứ 3.
Cửa hàng này ban đầu do UBND tỉnh Đồng Nai lập ra để “giải cứu thịt heo” từ cuối năm 2016. Sau đợt giải cứu, dù giá bán hợp lý, sản phẩm có nguồn gốc… nhưng lượng khách đến mua vẫn rất ít. Thời gian mở cửa hoạt động tính đến nay ngang bằng với thời gian phải tạm ngưng kinh doanh.
Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thói quen sử dụng thịt nóng, vừa giết mổ xong thay vì thịt được bảo quản lạnh.
Ông Nguyễn Trí Công – Giám đốc HTX Chăn nuôi Đồng Hiệp nhận định, dù đã công bố đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và bán giá thấp hơn thị trường từ 5 – 10% do nguồn cung cho cửa hàng là sản phẩm chăn nuôi của các thành viên HTX cung cấp, thế nhưng, lượng khách hàng không tăng, ngược lại, ngày càng giảm.
Lý do, theo ông Công, là thói quen mua thịt nóng khiến nhiều người không thích sử dụng sản phẩm bảo quản trong tủ mát, tủ đông. Nhiều khách hàng còn lo ngại thịt bảo quản mát là do… thịt cũ, ôi, thiu.
“Thực tế là thịt sau khi giết mổ ở cơ sở giết mổ được cửa hàng vận chuyển trong xe lạnh và đưa trực tiếp về cửa hàng, không qua các khâu trung gian. Như vậy mới đảm bảo chất lượng sản phẩm và độ tươi, ngon của thịt”, ông Công phân trần.
Mới đây, cửa hàng phân phối thịt sạch của HTX Đồng Hiệp đã mở cửa trở lại, phục vụ thêm các sản phẩm chế biến sẵn như thịt heo tẩm ướp, phục vụ nhu cầu các gia đình không có nhiều thời gian chuẩn bị bữa cơm.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan), một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của việc tiêu thụ thịt mát là thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Ngay ở TP.HCM, nơi trình độ dân trí cũng như lối sống công nghiệp khá cao, nhưng chỉ khoảng 20% thực phẩm tươi sống gồm thịt, cá, rau củ quả được phân phối qua kênh hiện đại. Nghĩa là còn đến 80% thực phẩm tươi sống vẫn đang ở trong kênh truyền thống, chợ và được bày bán dưới dạng tươi, nóng hoặc chỉ ướp đá, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông An cho rằng, trong ngành thịt tươi sống, chỉ khi thực phẩm được cấp đông thì mới vận chuyển được khắp nơi nhưng người dân lại không quen với các sản phẩm này và điều này cũng không thể thay đổi trong thời gian ngắn.
Ông Trần Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Đồng Nai cũng thừa nhận rằng, thói quen ăn thịt nóng của Việt Nam hiện nay có thể được xem như một lợi thế nhằm hạn chế tăng tiêu thụ thịt nhập khẩu.
Về lâu dài, xu hướng sử dụng thịt mát, thịt đông lạnh để đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ phát triển hơn.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc sử dụng thịt mát để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là xu hướng mà cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp chăn nuôi phải chấp nhận. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang tập trung mạnh cho chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn đến giết mổ rồi xây dựng hệ thống bán lẻ hoặc cung cấp vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Masan, Dabaco, Hòa Phát ...
Những doanh nghiệp này đã và đang thực hiện tổ chức lại quy trình chăn nuôi, đổi mới kỹ thuật theo hướng đầu tư công nghệ, tăng năng suất, đảm bảo giá thành chất lượng, vừa đảm bảo trong nước và hướng ra xuất khẩu.
“Trong tương lai, lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng theo nhu cầu thị trường và xu hướng tự do thương mại, nếu doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng trong nước không thay đổi, sẽ rất khó để tiếp tục tồn tại và phát triển”, ông Quang nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.