"Bi hài" cử nhân giấu bằng, xin làm... công nhân: Nỗi trăn trở từ những miền quê

Lê Huyền - Kim Oanh - Trần Phượng Thứ sáu, ngày 22/08/2014 08:27 AM (GMT+7)
Từ các miền quê, nơi những công nhân - cử nhân “dứt áo ra đi”, PV NTNN đã được cùng chia sẻ nhiều nỗi niềm trăn trở, xót xa của các bậc cha mẹ bòn mót từng hạt lúa, củ khoai cho con học ĐH.
Bình luận 0

Không cho học thì xót, cho học thì… phí

Bà Phạm Thị Thê (55 tuổi, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) - mẹ của Hồ Thị T cho biết, gia đình có 4 đứa con, đứa nào cũng học đại học, trong đó có 2 đứa có việc làm tại một doanh nghiệp nhỏ, một đứa út đang học đại học ngoại ngữ và T hiện đang làm công nhân Foster.

“Vợ chồng tôi khó khăn nuôi 4 đứa con học lên đại học là vô cùng gian nan. Cứ nghĩ cho con đi học đại học thì công ăn việc làm sẽ dễ hơn, thu nhập cao hơn, ngờ đâu càng học cao càng khó xin việc. Bây giờ thấy con đi làm công nhân thật xót xa. Bao tiền của cha mẹ, kinh phí nhà nước đào tạo nên một cử nhân vậy mà giờ đây đi làm lao động phổ thông. Thấy xót xa quá. Biết tình cảnh xã hội như thế này, trước kia thà không cho cháu nó học đại học, cứ học nghề cho dễ kiếm việc làm” – bà Thê buồn rầu chia sẻ.

Bà Đinh Thị Ai (50 tuổi, Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) mẹ của Trần Thị Th tâm sự: “Cho con học 5 năm đại học, tốn biết bao nhiêu tiền, tiền học phí, tiền ăn ở, mỗi năm trên 20 triệu đồng. Gia đình làm nông, tích góp từng đồng làm thuê để cho con ăn học. Chừ con đi làm công nhân, lãng phí mấy năm đi học và tiền của, thất vọng, buồn lắm. Nhưng biết sao giờ…?”.

Bà Ai kể tiếp: “Lúc trước con Th đi học phải vay tiền sinh viên để học, nói sau này ra trường làm việc trả. Nhưng giờ đi làm không đủ sống, sao trả nợ đây. Còn thằng em nó cũng đang học Đại học Bách khoa, không biết sau này ra trường có xin được việc hay lại thất nghiệp. Tôi có hai đứa, nguyện vọng cho con học đến nơi đến chốn để sau này tương lai tụi nó sáng sủa. Vậy mà giờ có tấm bằng cử nhân vẫn thấy mọi thứ tối tăm quá”.

Ngô Thị Minh Trang (sinh năm 1990, xã Hữu Bằng, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) tốt nghiệp khoa Kinh tế-Tài chính kinh doanh của Viện Đại học Mở Hà Nội năm 2012. Ra trường, Trang nộp hồ sơ thử sức ở một doanh nghiệp tại Hà Nội. Kết quả chỉ được làm nhân viên lao động bằng tay chân với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Cố gắng bám trụ được 1 năm, Trang đành bỏ cuộc và về quê vào làm công nhân tại Công ty Giày da Skate way ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng. Mức lương của Trang sau mỗi tháng cũng được 5-6 triệu đồng, nhưng hiện cô đã nghỉ việc để chờ cơ hội khác.

Theo tâm sự của bà Đỗ Thị Tính - mẹ Trang, gia đình cũng chỉ có hai cô con gái nhưng để lo cho ăn học lên bậc đại học cũng rất vất vả. Chị gái Trang học tại Hải Phòng chi phí giảm phần nào, còn Trang theo học đại học ở Hà Nội tốn kém hơn. Thu nhập của gia đình cũng khó khăn nên mỗi khi vào đầu năm học là lại phải chạy vạy vay mượn gửi tiền lên cho con đóng học, trang trải mọi chi phí sinh hoạt khi sống xa gia đình. Ngày nhận được tin con thi đỗ đại học ở Hà Nội, gia đình rất mừng. Ý thức được hoàn cảnh gia đình, Trang cũng chịu khó học tập.

Giờ nhìn con thất nghiệp ngồi nhà, bà Tính lòng cũng nóng như lửa đốt. Tuy nhiên, khi hỏi nếu được làm lại, liệu bà có tiếp tục “đầu tư” cho con học đại học không, bà Tính khẳng định: “Mỗi thời điểm mỗi khác, tùy vào sự vận động và phát triển của xã hội nên dù thời gian có quay lại và được lựa chọn lại gia đình vẫn tôn trọng sự lựa chọn của con cái là đi học đại học”.

Cất tấm bằng cử nhân để đi lái máy cày

“Sinh con ra, ai chẳng muốn con học hành nên người. Nhưng qua mấy đứa con, tôi thấy cái cần nhất là việc làm phù hợp, chứ không phải là học cái gì”. Đó là tâm sự rất mộc mạc của bà Nguyễn Thị Tĩnh ở Cầu Liêu (xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội).

Cho tới giờ Phạm Quang Vũ - con trai cả của bà Tĩnh vẫn giữ những khoản ghi chép chi tiêu mà mẹ đã gửi cho em ăn học 4 năm tại khoa Bảo tồn- Bảo tàng, Đại học Văn hóa. Theo tính toán chi li của Vũ, suốt 4 năm ăn học, người mẹ nghèo của em đã phải chi khoảng 100 triệu đồng. “Em tốt nghiệp đại học năm 2003. Lúc đó, nhà có con bò, con gà, con lợn nào mẹ em cũng bòn bán gửi tiền đóng học cho em. Cậu em thì cho một phần tiền ăn, cô cho tiền nhà ở mới nuôi được em 4 năm đại học”- Vũ nhớ lại.



Cử nhân Phạm Quang Vũ
   Người dân nông thôn nói chung rất tôn trọng những người ăn học thực sự, họ cũng ghét kiểu học tại chức, mua bằng, chạy chọt tiền đi làm công chức. Khu vực chúng tôi ở có nhiều làng nghề, người dân làm ra sản phẩm còn phải tính tới đầu ra mà trường đại học “sản xuất” ra sinh viên lại chẳng quan tâm tới đầu ra của mình. Tính ra, một cử nhân thất nghiệp, lãng phí của gia đình hàng trăm triệu đồng thì Nhà nước cũng lãng phí chừng ấy tiền đầu tư”.

 
Vậy mà, tốt nghiệp ra trường, Vũ long đong mãi không tìm được việc, đành phải “dạt” vào TP.HCM làm công nhân cho Công ty Giấy Á Châu. Tới năm 2006, Vũ về quê cất tấm bằng đại học như một kỷ niệm đẹp để vừa làm thợ mộc, vừa chạy máy cày đa năng làm dịch vụ. Sau đó, em được giới thiệu vào Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ thôn 7. Dường như lúc nào Vũ cũng hoài niệm về những năm tháng học đại học xưa và tiếc cho mảnh bằng không được sử dụng.

Ngồi cạnh con, bà Nguyễn Thị Tĩnh bày tỏ: “Nó đi làm công nhân trong Nam, tương lai chả biết thế nào. Nhà tôi nghèo, không có quan hệ, không có tiền chạy việc cho con nên xác định ở đâu cũng phải làm mà kiếm miếng ăn. Vì thế tôi gọi nó về quê, làm anh thợ ở nhà cũng được. Quay lại 10 năm trước, chắc tôi vẫn cho nó đi học đại học, hồi ấy cả xã mới có vài đứa đỗ đại học…”.

Tuy nhiên, trước “tấm gương” đứa con trai đầu học đại học mà thất nghiệp, đi làm công nhân, bà Tĩnh không dám khuyến khích 3 đứa con còn lại đi học đại học nữa. Hai em trai kế của Vũ học xong cấp 3 là đi học nghề sửa xe máy, nghề mộc. Riêng cô em út Phạm Thị Mai (SN 1988), bà Tĩnh tiếc hùi hụi vì “nó học giỏi lắm, lúc nào cũng nhất lớp”, nhưng lo ngại con gái cũng thất nghiệp như anh, bà cho đi học nghề may rồi lấy chồng…

Nói về thực tế này, Vũ cho biết, không phải cử nhân nào cũng xin làm thợ mộc ở cái đất Chàng Sơn, Thạch Xá này. “Các ông chủ ở đây đào tạo thợ từ nhỏ, lớp 8, lớp 9 các em đã tay bào tay mộc rồi. Tới 20-22 tuổi đã là thợ chính. Bọn em đi học, 22 tuổi mới ra trường, lúc đó mới đi làm nghề thì tay đã cứng, làm lóng ngóng, chậm chạp. Em làm nghề cùng cậu, nên cậu mới châm chước cho”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem