"Chặt chém" - nỗi sợ của du khách đầu xuân

Thứ bảy, ngày 02/03/2013 12:24 PM (GMT+7)
Dân Việt - Đầu năm chơi xuân, với quan niệm không tiếc tiền lễ mới thiêng, du khách đã trở thành “món mồi” béo bở để các dịch vụ “chặt chém”. Tất cả các dịch vụ từ ăn uống, gửi xe, vác đồ lễ thuê... đều tăng gấp năm, gấp sáu bình thường.
Bình luận 0

"Chặt chém" từ vòng gửi xe

Lợi dụng sự đông đúc khi người dân đi chơi xuân đặc biệt là tại các đền, chùa, dịch vụ trông giữ xe đều tăng giá gấp nhiều lần so với quy định.

img
Dù trên giá vé ghi 2.000 nhưng nhân viên trông giữ xe ở phủ Tây Hồ đều thu 10.000 đồng. Còn cuống vé ở chùa Trấn Quốc không ghi giá vé, tại đây xe máy cũng bị thu tới 10.000 đồng. Ảnh: VnExpress

Đa số, giá vé đều được thu gấp đôi, gấp ba so với giá thực in trên vé, hoặc không có bản niêm yết giá cụ thể. Phủ Tây Hồ (Hà Nội) 9h sáng 22.2, dù bãi trông giữ ôtô của phủ còn khá nhiều chỗ trống, nhưng khách vẫn phải chịu giá cao gấp nhiều lần so với quy định.

Với ôtô 4 chỗ theo mức giá quy định của thành phố là 30.000 đồng/lượt, nhưng bãi xe thu từ 60.000 đến 100.000 đồng. Nơi đây không có bảng niêm yết giá vé, khách gửi ôtô cũng không có vé. Đối với vé xe máy, dù trên giá vé ghi 2.000 nhưng nhân viên trông giữ xe ở phủ Tây Hồ đều thu 10.000 đồng. Còn cuống vé ở chùa Trấn Quốc không ghi giá vé, tại đây xe máy cũng bị thu tới 10.000 đồng.

Không chỉ các đền chùa mà ngay cả những điểm công cộng khác như nhà ga, bệnh viện ở Hà Nội cũng đua nhau thu sai quy định. Một khách hàng cho biết, buổi trưa anh vào gửi xe và bị thu 10.000 đồng, nhưng hơn 3 tiếng sau ra lấy xe lại bị nhân viên khác thu thêm 10.000 đồng vì "ca trước người khác thu tiền".

Tương tự, bãi xe của Công ty CP 901 trước cửa bệnh viện Phụ sản Trung ương (phố Hai Bà Trưng) thu của khách 5.000 đồng một lượt dù trên vé chỉ ghi 2.000 đồng. Khi khách có ý kiến về việc thu quá giá, nhân viên trông xe dọa: "Thấy đắt thì dắt xe ra chỗ khác gửi". (Theo VnExpress).

Trật tự phường giữ xe... cũng "chém đẹp" du khách

img
Bãi đỗ xe đông nghịt ở Văn Miếu (Ảnh: Kiến thức)

Những ngày đầu xuân, rất nhiều du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) dâng hương và nhân cơ hội này, nhiều người tự mở bãi trông xe để chặt chém, trong đó có trật tự phường.

Nhân viên trật tự phường cũng tranh thủ chiếm vỉa hè, lòng đường để "hốt bạc". Giá trông giữ xe máy là 20-30 nghìn đồng/lượt, thậm chí còn hơn; còn ô tô là 100.000 lượt, nhiều bãi còn "phát" giá cao hơn nhiều. Bãi giữ xe có trật tự phường thì giá xe máy 20 nghìn đồng/lượt, ô tô 100.000 đồng/lượt. (Theo VietNamNet).

3 nồi cháo cá lóc giá 2,4 triệu đồng

Đó là cái giá một nhà hàng có tên Thuận Phát trên quốc lộ 1A Mỹ Đức Tây (Cái Bè, Tiền Giang) đưa ra cho thực đơn cho 20 người vào ăn 3 nồi cháo cá lóc kèm 3 tô cháo thêm và 1 trái dừa.

Tuy nhiên, do không thể chấp nhận với cái giá "trên trời", một trong số những người trong đoàn khách hàng nói trên có ý kiến thì một nhân viên lớn tiếng thách thức: "Muốn gì, ở đây tính tiền vậy được không". Hai bên giằng co nửa tiếng đồng hồ vẫn không có kết quả khiến một hành khách khác phải gọi điện nhờ công an can thiệp. (Theo VnExpress).

Dịch vụ vác đồ thuê, cúng thuê thỏa sức hét giá

Tại Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) mỗi dịp đầu năm, hàng nghìn người đổ xô về đây với mong muốn vay lộc bà Chúa. Đi kèm theo đó là hàng loạt các dịch vụ ăn theo như dịch vụ sắp đồ lễ, tiền vàng mã và cúng thuê vô cùng đắt khách, dù giá dịch vụ đắt đến “cắt cổ”. Mâm lễ vào đền vay vốn bà Chúa về làm ăn có nhiều loại khác nhau, tùy vào mục đích của gia chủ như vay tiền, xin nhà lầu, xe hơi…. Mỗi mâm lễ có thể từ vài trăm nghìn đồng lên đến hàng chục triệu đồng.

Dịp đầu năm, không chỉ dịch vụ sắp mâm, chuẩn bị đồ lễ có giá "cắt cổ" mà dịch vụ cúng thuê cũng rất đắt khách. Những người đến vay bà Chúa cả vài chục tỉ đồng tiền ảo và sẵn sàng “chịu chơi” bỏ ra vài trăm đến vài triệu đồng tiền thật để mướn các thày cúng thuê vì tin rằng các thày thông thuộc thiên văn địa lý, thuộc bài cúng vay tiền sao cho khéo để bà Chúa thương tình nhìn nhận đến gia chủ. (Theo Dân Trí).

Kết luận

Đi chùa cầu may đầu năm vốn là nét văn hóa đáng quý của người Việt từ xưa đến nay. Đền, chùa vốn được coi là nơi thanh tịnh cho những người thành tâm đến để trải lòng, tránh xa những bon chen, lo lắng vụn vặt đời thường. Thế nhưng, nhiều người vì lợi nhuận đã không bỏ qua cơ hội làm ăn béo bở,  nhanh chóng "bủa vây", biến nơi đây trở thành một cái "chợ" chính hiệu buôn bán đủ loại mặt hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người đi lễ.

Vô hình chung việc đi chùa đầu năm trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều người. Liệu vào những năm sau, du khách có đủ dũng cảm để đi lễ chùa vào dịp đầu năm?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem