"Chạy qua hàng" ngôn ngữ chỉ sông

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sông được định nghĩa là "dòng nước tự nhiên tương đối lớn, chảy thường xuyên trên mặt đất, thuyền bè thường đi lại được". Có hai từ đồng nghĩa với "sông" là "hà" và "giang", có ba từ gần nghĩa với "sông" là "suối", "kênh" và "rạch".
Bình luận 0

Trong ba từ cùng sở chỉ là "sông", "giang", "hà" thì "sông" là từ thuần Việt, hai từ kia là từ Hán Việt. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà ngôn ngữ học lịch sử, từ "giang" (âm Hán cổ của nó là "kroong") lại có thể chính là một bắt nguồn từ "krung" trong tiếng Môn cổ mà "krung" chính là tiền thân của từ "sông". Từ "sông" là từ thuần Việt nên nó được sử dụng độc lập, dễ dàng hành chức trong hệ thống từ ngữ tiếng Việt.

 img
Ngôn ngữ của dòng sông - chụp tại cầu Rạch Miễu trên sông Tiền. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Thành ngữ tiếng Việt có nhiều câu quen thuộc như Sông có khúc, người có lúc, Gạo chợ nước sông… Sông cũng đã đi vào thi ca nhạc họa, làm nên bao tác phẩm có sức sống vượt thời gian. Còn với hai từ Hán Việt kia chỉ tồn tại trong dạng từ ghép hai âm tiết trở lên, bởi lẽ không bao giờ tiếng Việt chấp nhận những cách nói: "Chảy đi giang ơi" hay "Anh ở đầu hà em cuối hà" cả!

"Giang" có nghĩa là sông lớn. Bên cạnh từ đơn "giang" còn xuất hiện thêm một loạt từ ghép khác như "giang biên" (ven sông), "giang đình", "giang lâu" (ngôi nhà mát dựng bên sông), "giang tâm" (giữa dòng sông), "giang tân" (bến sông), "giang khẩu" (cửa sông). Tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, chỉ có 4 từ ghép Hán việt sau là được sử dụng một cách tương đối thông dụng hơn trong tiếng Việt: "trường giang", "giang đầu", "giang hồ" và "quá giang".

Sang đến từ "hà", các cuốn Từ điển Hán Việt (đã dẫn) đều thống nhất "hà" với nghĩa "sông rạch". Một loạt các từ ghép chính phụ khởi từ từ "hà" có thể được kể ra gồm: "hà biên", "hà ngạn", "hà công", "hà châu", "hà đê", "hà hệ", "hà lãnh", "hà khẩu", "hà vận"... Tuy nhiên, thông dụng nhất trong tiếng Việt có lẽ chỉ có các từ: "hà bá", "hà mã" và "ngân hà".

Một điều thú vị là "giang" và "hà" đều có thể kết hợp được với "sơn" để tạo ra một khái niệm tương đương với "quốc gia", "đất nước". Thế nhưng, khi "giang" đi với "sơn" thì "giang" luôn đứng trước để tạo thành từ ghép "giang sơn" (không có từ "sơn giang"), trong khi đó, "hà" lại luôn luôn đứng sau để tạo thành từ ghép "sơn hà" (không có từ "hà sơn").

Giải thích điều này, chúng tôi cho rằng trong cảm thức nguyên thủy của người Hán cũng như người Việt, từ "giang" thường được dùng để chỉ những con sông lớn hơn trong mối tương quan với từ "hà" được dùng để chỉ những con sông nhỏ hơn.

Người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long gọi các con sông nhỏ là "rạch". Nếu như từ "rạch" rất ít đi vào thi ca thì từ "suối" với cách hiểu là "những khe nước nhỏ chảy ở miền đồi núi" lại rất dễ trở thành chất liệu gợi cảm cho văn học nghệ thuật. Từ cuối cùng trong dãy trường nghĩa các từ về sông là "kênh" (hoặc "kinh").

Trong rất nhiều trường hợp, tồn tại song song các cách gọi với cùng một con sông như Tiền Giang/sông Tiền, Hậu giang/sông Hậu, sông Hồng/Hồng Hà, sông Bạch Đằng/Bạch Đằng Giang, sông Lô/Lô Giang... Một số trường hợp khác chỉ tồn tại một cách gọi, thường là đối với các sông nhỏ như sông Đáy (không có Đáy giang, Đáy hà), sông Cầu, sông Thao, sông Mã... Tuy nhiên, người Việt không bao giờ dùng đồng thời hai từ giang/hà để cùng chỉ về một con sông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem