Cuộc “phiêu lưu” vào ảnh báo chí
Những người tổ chức Cuộc thi ảnh “Đất và Người” cũng đã có không ít băn khoăn khi quyết định “phiêu lưu” vào ảnh báo chí, lĩnh vực yếu “thâm căn cố đế” trong nhiếp ảnh, trong báo chí chung. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra hơn có thể thấy nhiếp ảnh không chỉ thuộc về những người cầm máy chuyên nghiệp, những người “chơi” ảnh mà còn thuộc về cộng đồng, nhất là với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện nay. Điều khó khăn nhất với các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp là góc nhìn người trong cuộc thì với những dân, những người trong cuộc thực sự, góc nhìn này được “mặc định”. Thực tế những tác phẩm gửi về Cuộc thi ảnh báo chí “Đất và Người” ngồn ngộn hơi thở của cuộc sống.
Tác phẩm “Nhánh lan rừng trên đường về bản” đoạt giải nhất ảnh đơn.
Ảnh chụp cậu bé 9 tuổi người Xê Đăng ở xã Đăk Roong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cùng mẹ đi rẫy từ sáng sớm đến chiều muộn. Bên bó củi nặng hơn người, cậu còn có thêm nhành lan rừng. Trịnh Thu Nguyệt
Ảnh của người dân gửi về cuộc thi ngay những giờ đầu của trận băng tuyết ở Sa Pa (Lào Cai) không phải về vẻ đẹp của nó, mà về những người nông dân đang vật vã với đàn gia súc trong trắng lạnh của băng tuyết, bằng cái nhìn “nông dân sẽ khóc”. Không phải người dân ngấm cái giá lạnh từ bàn chân trần sẽ khó thoát khỏi sự hào hứng về “cái lạ” băng tuyết, để thấy ngay buốt giá ấy của người nông dân. Cái nhìn từ chính cuộc sống giúp người chụp “xuyên thấu” qua nhiều lớp hình thức để đi đến nỗi đau sâu xa của sự kiện. Tác phẩm “Nhánh lan rừng về bản” tác giả Trịnh Thu Nguyệt cũng “bóc” ra một hiện thực: Nhành lan rất đẹp ấy sẽ được cậu bé trong ảnh bán đi để lấy 30.000 đồng mua thức ăn cho cả nhà thay vì tặng cho em gái.
Cũng từ người trong cuộc, người xem lại thấy sự lý giải rất khác, hơi “lãng mạn” về sự nhọc nhằn của người nông dân. Lê Thị Ngân - “cô gái chụp ảnh trên xe lăn” trong bộ ảnh “Nụ cười ngày mùa” lại đưa ra cái nhìn: “Hạt gạo dẻo thơm bởi không chỉ có hai sương một nắng mà còn có cả nụ cười của những người làm ra nó”. Rất nhiều tác phẩm của cuộc thi lý giải về sự nhọc nhằn của người nông dân theo cách nhìn của Ngân.
Một góc nhìn khác đặc biệt thú vị trong hơn 400 tác phẩm của nhóm tác giả đặc biệt: Những người thuộc nhóm dân tộc ít người, người khuyết tật, trẻ em… gửi đến cuộc thi, tính chất đặc biệt thực sự từ người chụp đến cách nhìn. Những góc nhìn và câu chuyện mà không “người bên ngoài” nào có thể phát hiện, kể thay cho họ, về cuộc đời thực với những buồn vui và khát vọng của những người vốn ít được lắng nghe. Dù là “quá chân thật” hay “lãng mạn”, đó cũng đều là hiện thực mà chỉ có chính người trong cuộc hoặc những người thực sự sống với cuộc sống mới nhìn ra. Từ những dòng ảnh chảy về cuộc thi có thể thấy nguồn ảnh báo chí thực tế rất phong phú, sâu sắc, đáng cho những cuộc “phiêu lưu” thực sự.
Những giám khảo khó và dễ tính
Một thành công đáng kể của cuộc thi là công tác chấm giải. Lãnh đạo Báo NTNN đã giữ đúng cam kết “hoàn toàn độc lập” của Ban giám khảo (BGK). Sự độc lập từ việc đề ra phương thức chấm đến cơ cấu giải đều do BGK vòng chung khảo quyết định. Sẽ không ngoa khi nhận định quá nửa trong số các thành viên BGK là những người rất khó tính và cũng… dễ tính. Rất khó đến khắt khe với những tác phẩm “không mới” dù rất “đẹp”. Bên cái khó ấy là sự dễ tính, đầu tiên là sự “chịu khó”, tất cả các tác phẩm đều được “đọc” rất kỹ cả phần ảnh và phần viết để lọc lấy từng chất riêng trong mỗi tác phẩm. Nhìn lại 16 tác phẩm đạt giải thấy rõ 16 dấu ấn của những cuộc sống và con người riêng biệt in vào tác phẩm.
Ở vòng chung khảo, BGK đã có một quyết định khá “nghiệt” nhưng cũng đầy nhân văn khi quyết định đưa các tác phẩm của nhóm tác giả đặc biệt vào chấm chung. Giám khảo của vòng chung khảo, họa sĩ Lê Thiết Cương nói: “Sự tôn trọng cao nhất cho những người yếu thế là bình đẳng, tôi tin các bạn ấy không vui nếu biết được giải theo cách đặc biệt”. Khi kiểm phiếu điểm, hơi tiếc khi bên cạnh 2 tác giả trong nhóm này đoạt giải nhì và khuyến khích, còn một vài tác phẩm khác có điểm rất gần với điểm đạt giải. Đành vậy, đành bình đẳng chung với bao nỗi tiếc nuối khác.
Kết quả Cuộc thi ảnh “Đất và Người” thật tiếc vì BGK đã không tìm được giải thưởng lớn cho cuộc thi như kỳ vọng. Nhìn lại các tác phẩm dự thi thấy quyết định này của BGK là hoàn toàn đúng đắn, dù hơi tiếc nuối. Nhiều vấn đề lớn của nông nghiệp, nông dân và nông thôn được chạm đến nhưng chưa đủ sâu để thành những tác phẩm ảnh báo chí có sức lan tỏa mạnh. Ở khía cạnh này nhìn nhận thẳng thắn là do chưa thu hút được những phóng viên ảnh “gạo cội” tham dự. Trong sự dấn thân phần lớn các tác giả vẫn thiếu sự chuyên nghiệp trong cách nhìn, xử lý thông tin và trong từng khuôn hình. Đành vậy như mọi sự không thể hoàn thiện, hãy cùng nhau tiếp tục hy vọng vào cuộc thi sau và cả ở những cuộc thi tương tự để thay đổi cách nhìn về sự yếu “thâm căn cố đế” về ảnh báo chí.
Từ những dòng ảnh chảy về cuộc thi có thể thấy nguồn ảnh báo chí thực tế rất phong phú, sâu sắc, đáng cho những cuộc “phiêu lưu” thực sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.