"Điểm nóng" Ukraine: Vì sao Mỹ không thể tranh hùng với Nga?

Thứ năm, ngày 06/03/2014 18:59 PM (GMT+7)
Theo Forbes, dù Mỹ là cường quốc quân sự mạnh nhất trên thế giới nhưng nước này sẽ không bao giờ tranh hùng với Nga ở Ukraine dù Nga có những động thái gì với Ukraine đi nữa.
Bình luận 0
Theo bài phân tích đăng tải trên Tạp chí Forbes hôm 5.3.2014, Mỹ sẽ không bao giờ muốn tranh hùng với Nga tại Ukraine vì Nga sở hữu những “cây gậy” lớn.

Thứ nhất, Nga là một cường quốc hạt nhân. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, hiện Nga có khoảng 4.500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động. Không giống như Bắc Triều Tiên hay Iran, tuy có kho vũ khí hạt nhân nhưng không thể gây thiệt hại đáng kể, còn Nga hoàn toàn có thể tàn phá nước Mỹ cũng như phần còn lại trên hành tinh này. Nếu có một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng không thể ngăn chặn.

Nga nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân đủ để hủy diệt cả hành tinh.
Nga nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân đủ để hủy diệt cả hành tinh.

Trong suốt 46 năm thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ là kỳ phùng địch thủ. Nhưng hai nước này không bao giờ chiến đấu trực diện. Nơi mà họ phô diễn sức mạnh là ở bán đảo Triều Tiên, các nước Trung Mỹ, Israel, Ả Rập và đặc biệt nhất là khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, thời điểm tưởng như đã xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Liên Xô.

Thứ hai, Nga có một quân đội hùng hậu. Dù quân đội Nga hiện nay không thể bằng thời Liên Xô cũ thì vẫn là một lực lượng đáng gờm. Theo thống kê củaViện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, hiện quân đội nước này có khoảng 300.000 quân và 2.500 xe tăng (với 18.000 xe tăng dự trữ). Lực lượng không quân Nga có gần 1.400 máy bay và 171 tàu hải quân, trong đó có 25 tàu chiến thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen nằm ngoài khơi bờ biển Ukraine.

Xét về thực lực, Mỹ hùng mạnh hơn Nga. Quân đội Mỹ được đào tạo tốt, thông tin liên lạc, máy bay không người lái, cảm biến và có thể được trang bị vũ khí tốt hơn. Tuy nhiên, tốt hơn vẫn chưa đủ. Quân đội Nga với các dàn vũ khí hiện đại như xe tăng T-80, tên lửa chống tăng siêu âm AT- 15 Springer, ống phóng đa tên lửa BM- 30 Smerch và tên lửa chống máy bay S-400 Growler có đủ hỏa lực để gây thiệt hại nặng nề cho Mỹ. Những vũ khí của quân đội Nga ở một "đẳng cấp" hoàn toàn khác các vũ khí hạng nhẹ kiểu như của Tabiban hay Iraq trước đây.

Tàu sân bay Mỹ George HW Bush đang tới Ukraine.
Tàu sân bay Mỹ George HW Bush đang tới Ukraine.

Thứ ba, Ukraine gần Nga hơn. Khoảng cách giữa Kiev và Moscow là 500 dặm trong khi khoảng cách giữa Kiev và New York là 5.000 dặm. Điều đó làm cho Nga để triển khai quân đội và cung cấp lực lượng bằng đường bộ dễ dàng hơn nhiều so với Mỹ triển khai quân đội kể cả bằng đường biển hay đường hàng không.

Thứ tư, quân đội Mỹ hiện nay đang rơi vào tình trạng “mệt mỏi”. Sau gần 13 năm chinh chiến, lực lượng vũ trang của Mỹ cần xả hơi. Thiết bị bị hao mòn từ lâu tại Iraq và Afghanistan, binh sĩ cũng được triển khai lặp đi lặp lại ở nước ngoài và vẫn còn khoảng 40.000 quân còn chiến đấu ở Afghanistan.

Thứ năm, Mỹ không có nhiều quân để gửi đi chiến đấu. Mỹ có thể dễ dàng gửi lực lượng không quân đến Ukraine nếu các đồng minh NATO cho phép sử dụng căn cứ không quân và tàu sân bay George HW Bush và hàng trăm máy bay đang tuần tra Địa Trung Hải. Nhưng đối với một thế trận trên đất liền như Crimea, Mỹ chỉ có thể triển khai Lữ Đoàn 173 tại Italia, 22 đơn vị hải quân viễn chinh Tây Ban Nha, Trung đoàn Kỵ binh Stryker thứ 2 ở Đức và Sư Đoàn Dù 82 tại Fort Bragg, Bắc Carolina. Lực lượng như vậy là quá ít đối với một đối thủ tầm cỡ như Nga và trong trường hợp có thể tập hợp đươc được đầy đủ số quân đó đến vùng Crimea thì cũng sẽ tốn quá nhiều thời gian.

Trong khi đó, hải quân nước này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước lực lượng hùng hậu của Nga ở Biển Đen. Đó là những khó khăn mà khiến sự triển khai các chiến đấu cơ của Mỹ sẽ không có hỗ trợ và có thể mất vài tháng mới có thể tổ chức quân lực.

Thứ sáu, người dân Mỹ và các đồng minh của Mỹ đã mệt mỏi với các cuộc chiến tranh. Rất nhiều người Mỹ không muốn con em mình đến một đất nước xa xôi và đương đầu với những nguy hiểm gấp bội so với tại Iraq hay Afghanistan. Trong khi đó, các đồng minh NATO của mình cũng không muốn làm đối đầu với Nga bởi nền kinh tế vốn đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn của họ sẽ thực sự khủng hoảng nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đột tự nhiên. Khoảng cách địa lý quá gần Nga cũng là một trong những lý do khiến các nước này e ngại.

Minh Nhân (theo Forbes.com) (Minh Nhân (theo Forbes.com))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem