"Hà Nội mất cầu Long Biên chả khác Huế mất cầu Tràng Tiền"

Thứ ba, ngày 25/02/2014 20:53 PM (GMT+7)
"Cầu Long Biên là tác phẩm kỹ thuật, là sự sáng tạo về thẩm mỹ, cây cầu này đã trở thành một bộ phận hữu cơ, tài sản của thủ đô Hà Nội. Hà Nội mất cầu Long Biên chả khác nào Huế mất cầu Tràng Tiền", GS Hoàng Đạo Kính nói.
Bình luận 0
Chiều ngày 25.2 tại trường Đại học Phương Đông (Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị” bàn thảo về chủ trương di dời cầu Long Biên của Bộ Giao thông Vận tải để thay thế bằng một cây cầu mới phục vụ nhu cầu phát triển đô thị Hà Nội.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều Giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị, bảo tồn di sản...

“Cần ứng xử trân trọng với di sản”

Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục chia sẻ: “Cầu Long Biên là cây cầu đã gắn liền với lịch sử phát triển đô thị Hà Nội thời cận đại, là nhân chứng lịch sử cho những thay đổi của thủ đô trong hơn một thế kỷ qua.

Cầu Long Biên có rất nhiều ý nghĩa, bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, di sản, còn là biểu tượng của kỹ thuật công nghệ những năm đầu thế kỷ XX và sự khởi động những yếu tố đô thị hiện đại.

Đây là câu cầu khởi đầu cho nền kinh tế hiện đại ở Việt Nam, đã đóng vai trò thiết yếu cho sự giao thương hàng hóa. Sự phát triển của đô thị hiện đại không ít nhiều sẽ tác động và làm biến đổi những giá trị cũ – thứ vốn tồn tại và in dấu lâu đời trong chính “cơ thể” thủ đô, có thể làm thay đổi và mai một quỹ di sản đô thị, quỹ kiến trúc vật chất quý giá của đô thị”.
img
Cầu Long Biên. Ảnh: Xuân Lực

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đưa ra các phương án di dời cầu Long Biên về phía thượng lưu để bảo tồn cây cầu hơn 100 năm tuổi này, đồng thời xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng trên tim cầu cũ.

Theo đó, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án vị trí cầu vượt sông Hồng. Tuy vậy nhiều Giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị, bảo tồn di sản đã phản đối cả 3 phương án trên.

GS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Cầu Long Biên là một kỳ công về xây dựng, kỳ quan đô thị, hầu như không có cây cầu nào tạo dựng diện mạo như cầu Long Biên. Cầu Long Biên là tác phẩm kỹ thuật, là sự sáng tạo về thẩm mỹ, cây cầu này đã trở thành một bộ phận hữu cơ, tài sản của thủ đô Hà Nội.

Tôi nghĩ là cả 3 phương án mà các chuyên gia của ngành giao thông vận tải đề xuất trong ứng xử với cầu Long Biên là chưa phù hợp, đều có khả năng dẫn tới sự hủy hoại, làm tan biến một cây cầu có giá trị lịch sử văn hóa.

Hà Nội mất cầu Long Biên chả khác nào Huế mất cầu Tràng Tiền.

Vì thế, nên tính toán làm sao để có thể giảm tải về công năng giao thông cho cây cầu Long Biên và tăng dần công năng văn hóa và khai thác văn hóa du lịch cho cây cầu này”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội phân tích: “Xét từ những giá trị lịch sử, kiến trúc thì rõ ràng phương án của Bộ GTVT đưa là không hợp lý. 3 phương án đó chưa làm rõ được cách ứng xử thích hợp giữa mối quan hệ bảo tồn và phát triển.

Bảo tồn và phát triển phải đảm bảo hài hòa với nhau chứ đừng vì nhu cầu phát triển mới mà chúng ta sẵn sàng phá bỏ di tích. Đó là bài học đau đớn của các nước tiên tiến khi mà đã có tiền cũng không thể phục dựng được những di tích đã bị phá bỏ”.

Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn tồn tại âm ỉ trong quá trình phát triển đô thị. Theo GS.TSKH Nguyễn Tài: “Mâu thuẫn này sẽ bùng phát gay gắt hay được hóa giải nhẹ nhàng phụ thuộc vào sự “khôn ngoan” của các chính sách phát triển đô thị, các giải pháp kiểm soát và quản lý đô thị. Những ứng xử trân trọng di sản của các nhà quản lý và công đồng sẽ giúp bảo tồn và duy trì những di sản vô giá của quá khứ, làm cho hài hòa với sự phát triển của đô thị đương đại.

Di sản đô thị nếu được quản lý và ứng xử phù hợp sẽ không cản trở sự phát triển của đô thị mà ngược lại sẽ góp phần phát triển kinh tế đô thị, làm dày dặn thêm quỹ di sản đô thị được bồi đắp qua các thời kỳ, tạo nên “hồn cốt” cho đô thị, mang đến niềm tự hào lịch sử cho cư dân của đô thị ấy.

Giải bài toán bảo tồn và giao thông

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, cầu Long Biên là hình ảnh biểu trưng của văn hóa hào hùng, khí phách của người Hà Nội. Vì vậy, dù có đưa ra phương án gì thì nên đặt cùng một lúc 3 vấn đề: Thứ nhất, có cần bảo tồn không. Thứ hai, bảo tồn làm gì. Thứ ba, bảo tồn như thế nào.

Làm được cả 3 vấn đề thì mới là hiệu quả. Đồng tình với quan điểm đó, GS.TS. Nguyễn Việt Châu chia sẻ: “Tôi tin rằng nếu chúng ta có tầm nhìn cho thế hệ mai sau thì chúng ta sẽ tìm được phương án vừa bảo tồn vừa đóng góp phát triển kinh tế xã hội cho T.P Hà Nội.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục kêu gọi ý thức của chính quyền Hà Nội đối với di sản cầu Long Biên: "Chúng ta phải giữ gìn di sản của mình và phải trưng cầu dân ý".

KTS quy hoạch đô thị Nguyễn Nga - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư bảo tồn phát triển cầu Long Biên đã đề xuất về việc đầu tư bảo tồn cầu Long Biên theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Theo KTS Nguyễn Nga: “Chúng ta nên ứng xử như thế nào với cầu LB để đáp ứng được vấn đề biểu tượng, văn hóa lịch sử, giao thông, kinh tế... Chúng tôi đã tập hợp được tổ hợp đầu tư PPP để cải tạo cầu Long Biên nhằm vừa đảm bảo được ý nghĩa biểu tượng bảo tồn và đáp ứng được nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế. Để hiện thực hóa dự án này, kinh phí sẽ không quá 2.500 tỷ đồng và đang được triển khai để sử dụng nguồn vốn ODA Chính phủ Pháp hoặc từ tổ hợp đầu tư Pháp - Việt, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện tối đa là 3 năm và có thể bắt đầu cải tạo ngay cả khi tàu hỏa và xe máy chưa được chuyển sang cầu khác”.

3 phương án vị trí cầu vượt sông Hồng, Phương án 1: Di dời 9 nhịp đầu cầu Hà Nội về phía thượng lưu cách tim cầu cũ 85m để bảo tồn. Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại. Phương án 2: Dỡ cầu Long Biên cũ và xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại với kết cấu nhịp dàn theo và hình dáng tương tự với thiết kế ban đầu của cầu Long Biên. Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

Đình Thắng (Đình Thắng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem