"Mối nguy từ văn hóa ngoại lai": Cuộc 'đổ bộ' trên màn ảnh nhỏ

Thứ tư, ngày 14/05/2014 06:30 AM (GMT+7)
Chiếc TV là phương tiện giải trí phổ biến và thông dụng nhất trong các gia đình Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, từ màn ảnh nhỏ này, một cuộc “xâm lăng” của văn hóa ngoại lai đang âm thầm diễn ra.
Bình luận 0
Trên là trời, dưới là… gameshow ngoại nhập

L.T.S: Một trong những nội dung đang được Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) bàn thảo là đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có nêu nguy cơ của tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa. Nhân sự kiện này, Báo NTNN khởi đăng loạt bài về những mối nguy của văn hóa ngoại lai và các hiến kế, để xuất để góp tiếng nói giải quyết vấn đề này.

Thử làm một phép liệt kê, tất cả những gameshow đang “hot” nhất trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương hiện nay đều là những chương trình mua bản quyền từ nước ngoài: Giọng hát Việt (Mỹ), Vietnam Idol (Mỹ), Vua đầu bếp (Mỹ), Bước nhảy hoàn vũ (Anh), Cặp đôi hoàn hảo (Anh), Vietnam’s Next top model (Mỹ), Hành trình kết nối những trái tim (Nhật Bản), Cuộc đua kỳ thú (Mỹ), Chiếc nón kỳ diệu (Mỹ), Ai là triệu phú (Anh), Ngôi sao Việt (Hàn Quốc), Người bí ẩn (Hà Lan) Nhân tố bí ẩn (Anh), Giai điệu tự hào (Nga)… Tính ra đã có đến khoảng 50 chương trình gameshow mua bản quyền từ nước ngoài làm mưa làm gió trên tất cả các kênh sóng truyền hình trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Chương trình Ngôi sao Việt, có thí sinh thừa nhận chỉ biết hát tiếng Hàn, không biết hát tiếng Việt.
Chương trình Ngôi sao Việt, có thí sinh thừa nhận chỉ biết hát tiếng Hàn, không biết hát tiếng Việt.

Trong khi đó, gameshow thuần Việt phát triển khá èo uột, đơn vị hùng hậu nhất là Đài Truyền hình Việt Nam mà trụ cột là kênh VTV3 (thể thao, giải trí) từ khi lên sóng chính thức vào ngày 31.3.1996 đến nay đã được gần 2 thập kỷ nhưng đã dần dần nhường sân cho gameshow nhập ngoại. Nhớ thời kỳ sơ khai của VTV3, những chương trình gameshow thuần Việt như “SV96”, “Bảy sắc cầu vồng”, “Trò chơi liên tỉnh”, “Hành trình văn hóa”, “Khu vườn cổ tích”… đã thực sự là món giải trí tinh thần bổ ích, được đông đảo khán giả truyền hình yêu chuộng và háo hức đón xem.

Thế nhưng trước sự vào cuộc của các công ty chuyên sản xuất các chương trình giải trí “có máu mặt” như Cát Tiên Sa, Đông Tây, BHD… thì gameshow nội đã dần dần bị lùi vào dĩ vãng. Hiện nay, trên kênh VTV3 chỉ còn rất ít ỏi chương trình thuần Việt như “Đường lên đỉnh Olympia” hay “Chúng tôi là chiến sĩ”, còn lại, toàn bộ những giờ vàng đều dành sóng cho gameshow mua bản quyền từ nước ngoài.

Tại sao gameshow nước ngoài lại có sức sống mãnh liệt như vậy? Trả lời cho câu hỏi này trước tiên phải là tâm lý sính ngoại của khán giả. Họ nhanh chóng bị cuốn vào guồng quay của những chiêu trò giải trí, những scandal, rối nhiễu văn hóa, ứng xử lệch chuẩn cũng đi kèm theo, có thêm sự tiếp sức phủ sóng rộng rãi của truyền hình quốc gia, dần dần thấm dần từng chút một, khiến cho sự lệch pha và các scandal trở nên bình thường và thông dụng (?!).

Khán giả rất dễ bị “dắt mũi”, họ cuồng lên “ném đá” trò lố của một thí sinh, vùi dập một sự lỡ lời của vị giám khảo nào đó mà không biết rằng hầu hết những phản ứng đó đều đã nằm trong “lộ trình” của nhà sản xuất để tạo sức nóng cho chương trình. Báo chí, dư luận càng xôn xao, chương trình càng hút quảng cáo, một ví dụ nhãn tiền là chương trình “Giọng hát Việt” mùa đầu tiên, sau scandal của giám đốc âm nhạc Phương Uyên, giá quảng cáo tăng gấp rưỡi.

Đó là mối nguy hại cho văn hóa truyền thống.

Không phim Trung Quốc thì phim Hàn

Còn nhớ từ năm 2003, Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó đã có Công văn số 5045/VHTT gửi Đài Truyền hình Việt Nam, đài phát thanh và truyền hình các tỉnh thành trực thuộc T.Ư và địa phương, yêu cầu các đài phát thanh - truyền hình giảm tỷ lệ chiếu phim nước ngoài và tăng tỷ lệ chiếu phim Việt Nam trên sóng truyền hình; bố trí cân đối, hợp lý lịch phát sóng phim truyện nước ngoài và phim truyện Việt Nam. Nhưng có vẻ đây là “điệp vụ bất khả thi” nên 2 năm sau đó, năm 2005, đã có một yêu cầu cụ thể rõ ràng hơn: Phải tăng số lượng giờ phát sóng phim nội trên các kênh sóng truyền hình lên 50%. Tuy nhiên, gần 10 năm đã qua, con số này vẫn chưa bao giờ đạt được.

Trong nhiều hội nghị tìm phương kế để nâng cao số lượng và chất lượng phim truyền hình nội, các đài trung ương và địa phương đều thừa nhận một thực tế, giỏi lắm họ cũng chỉ cố được đến con số 30% thời lượng phát sóng phim nội. Ấy là mới số lượng, còn chất lượng thế nào thì khán giả cũng đã có câu trả lời cho mình. Sự ngô nghê, khô cứng, sáo rỗng và thiếu thực tế gần như đã trở thành “thương hiệu” của phần lớn các phim truyền hình.

Các nhà sản xuất chương trình giải trí trên truyền hình rất nhanh nhạy trước tâm lý sính ngoại của khán giả, chương trình nào “hot” nhất trên thế giới cũng nhanh chóng có mặt ở Việt Nam, cùng với một đội ngũ những người làm truyền thông chuyên nghiệp. Nó nhanh chóng đè bẹp các chương trình nội và đương nhiên mang lại những món lợi kếch xù.

Một khi phim nội yếu thì đương nhiên phim ngoại sẽ được lấp đầy các kênh sóng. Cũng như gameshow, phim truyền hình ngoại được nhập về bằng nhiều cách mà thông dụng nhất là “tặng phim đổi quảng cáo”. Trong chiến lược này, những năm gần đây, các nhà sản xuất Hàn Quốc đang chiếm giữ vị trí số 1, kế đến mới là Trung Quốc.

Bật thử 150 kênh truyền hình trên hệ thống truyền hình cáp của Đài Truyền hình Việt Nam, ngoài những kênh truyền dẫn thì kênh tự sản xuất trong nước cũng chỉ có món chủ lực: Không phim Trung Quốc thì phim Hàn. Khán giả cứ thụ động tiếp nhận từ phim cổ trang đến phim tâm lý xã hội của các nước bạn, rồi cũng dần dần thuộc sử nước bạn hơn sử nước mình, đi đứng nói năng, ăn mặc như người ngoại quốc, đặt tên con theo người Hàn vì hâm mộ các diễn viên Hàn...

Cuộc xâm lăng của văn hóa ngoại lai bằng hai mũi giáp công là gameshow và phim truyền hình đã âm thầm diễn ra như vậy, từ hàng chục năm nay đã đủ sức tạo ra một lớp trẻ mới: Ở thành phố thì cuồng phim Hàn, ca sĩ Hàn, nhạc Hàn, sử Hàn, ở nông thôn thì chỉ nuôi ước mơ được lấy chồng Hàn để đổi đời, được sung sướng như trên phim.
Lê Tâm (Lê Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem