"Nghệ nhân nhí" và ước mơ giữ gìn tranh gốm

Thứ ba, ngày 05/03/2013 06:30 AM (GMT+7)
5 tuổi, Nguyễn Tâm Phúc (SN 2007) ở làng gốm Phù Lãng, Quế Võ, Bắc Ninh đã có những say mê với tranh đất. Em có thể ngồi hàng ngày bên những mê đất và sáng tạo bằng trí tưởng tượng ngây thơ của mình.
Bình luận 0

Độc đáo nghệ thuật tranh gốm

Xưa nay, Phù Lãng nổi tiếng với nghề làm gốm. Đa phần sản phẩm làm ra là chum, vại, tiểu, quách... Thế nhưng, lựa chọn một con đường khác hẳn với xu hướng nghề truyền thống của quê hương, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, anh Nguyễn Đức Thịnh (SN 1983) quyết định mang những kiến thức mình học được từ trường trở về quê hương lập nghiệp.

Với sự giúp sức của người mẹ cũng có nhiều kinh nghiệm trong hội họa sáng tạo nghệ thuật, gia đình anh đã trở thành gia đình duy nhất ở làng gốm làm tranh từ chất liệu đất và nung thành sản phẩm tranh gốm độc đáo, riêng biệt.

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người từ khắp nơi lại tìm về tranh gốm Phù Lãng để chọn lựa cho mình một sản phẩm treo trong nhà với ước mơ may mắn, hạnh phúc năm mới, hoặc đem tặng bạn bè người thân. Bởi không giống như tranh gốm nơi khác, dùng khuôn máy để úp với công nghệ nhanh và nhiều mẫu mã đa dạng, tranh gốm Phù Lãng với công đoạn thủ công hoàn toàn đã chinh phục được thị hiếu cả những người khó tính nhất.

Để làm được một bức phù điêu với chất liệu gốm đất, người nghệ nhân phải tỉ mỉ và tuân thủ rất nhiều công đoạn khó. Đầu tiên là phải có sự sáng tạo bằng con mắt của người nghệ sĩ. Việc tạo khuôn hình trên giấy đã khó nhưng tạo được những khuôn hình sống động trên đất là một điều vô cùng tuyệt vời đòi hỏi không chỉ đam mê mà còn cả năng khiếu nữa. Nếu không có hai thứ đó, người làm tranh sẽ dễ nản lòng mà bỏ cuộc giữa chừng.

tranh gom

Nguyễn Tâm Phúc bên những sản phẩm tự tay mình làm ra.

Điều quan trọng đầu tiên là phải lựa được đất tốt. Theo bà Lương Mỹ Hòa (SN 1954), là bà nội của Tâm Phúc cũng là người cầm lái chiếc thuyền mang nghệ thuật tranh gốm của gia đình đi khắp nơi cho biết: "Đất để làm tranh phải là loại đất sa đỏ lấy từ vùng Cung Kiệm, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Loại đất này không hiếm nhưng không phải đất lấy ở đâu cũng có thể làm tranh gốm được.

Mặt khác, khi đất mang được về xưởng thì khâu lọc rất công phu. Phải lọc thật kỹ sau khi nghiền nhỏ đất để không còn sạn vì sạn sẽ làm xước bức tranh. Đất đắp tranh phải keo, dẻo, mịn thì mới đạt tiêu chuẩn. Khi đã có đất chuẩn sẽ tạo khuôn tranh tùy theo ý tưởng mong muốn. Bức tranh lớn nhất có thể có diện tích tới 12m2. Mỗi m2 tranh giá giao động từ 2,5 - 3,5 triệu đồng.

Theo giải thích của bà Hòa: Tranh gốm được ưa chuộng là bởi bản thân nó đã hội tụ đầy đủ các yếu tố của ngũ hành. Theo quan niệm tâm linh, đặt một bức tranh gốm trong nhà sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia chủ. Trong đất có sắt, đó là Kim, bản thân đất gốm là Thổ, khi lọc đất phải có nước để nhào nặn là Thủy, khi nung gốm cần củi và lửa đó là Mộc và Hỏa. Vậy là phải có đầy đủ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ mới làm nên tranh gốm. Hơn nữa, mỗi bức tranh gốm còn chất chứa trong nó toàn bộ tâm hồn của người sáng tạo ra nó".

Nghệ sĩ tí hon với ước mơ tranh gốm

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ sĩ với 5 đời say mê nghiệp hội họa, ngay từ lúc một tuổi, Tâm Phúc đã có những biểu hiện của con nhà nòi. Mẹ của Phúc là chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1985) kể lại: "Khi cháu mới được hơn một tuổi, biết chập chững bi bô cháu đã rất hứng thú với tranh đất của bố. Bình thường, trẻ con thường ham siêu nhân, mê hoạt hình nhưng riêng Phúc lại bị hút mắt bởi những mê đất gốm trong xưởng của gia đình.

Cho đến khi cháu hai tuổi, có thể tự chơi một mình thì chúng tôi để cháu tự do chơi trong xưởng. Lạ một điều, cháu chơi rất có ý thức, không bao giờ vày vò, giẫm đạp lên tranh đất bày biện ở khắp xưởng. Cháu thường ngồi ngoan ngoãn trước mê đất, tự tìm bút để vẽ như một nghệ sĩ thực thụ, trông rất đáng yêu".

Bé Tâm Phúc hầu như không màng đến những trò chơi với bạn cùng trang lứa trong xóm. Ngoài thời gian học lớp 5 tuổi ở trường làng, cứ về đến nhà là cậu bé lại bám chặt lấy xưởng tranh gốm của gia đình không rời nửa bước.

Mẹ Phúc cho biết: "Có những ngày trời rét lắm, 11h đêm vẫn thấy cháu cứ hì hụi một mình ngoài xưởng, tôi ra giục cháu vào đi ngủ thì cháu không ngoảnh lại mà bảo: "Bố mẹ ngủ trước đi, con làm xong cái này đã". Thấy cháu ham mê như vậy, tôi chạy lại xem thì ra từ tối cháu mải mê vẽ chiếc ô tô mơ ước. Khi hai tuổi, cháu thường chỉ vẽ tranh và đắp khối, còn công đoạn vào màu thì nhờ bố mẹ hoặc bà làm cho.

Nhưng hai năm nay, những bức tranh của cháu hầu như tự mình hoàn thiện cho đến khâu cuối cùng là nung tranh mới cần đến sự trợ giúp của người lớn. Mỗi bức tranh làm ra, cháu thường rất trân trọng, chờ đợi đến ngày tranh ra lò, và rồi lại rất háo hức tìm số tranh để tự ghép thành hình".

Khi được hỏi lớn lên ươc mơ của cháu làm gì, Phúc nhanh miệng trả lời: "Cháu thích làm tranh gốm nhưng phải to hơn của bố cháu". Hỏi về tương lai của cháu, đại gia đình Phúc đều chung một quan điểm sẽ hướng cháu theo nghiệp của gia đình. Nhưng nếu khi lớn lên cháu có nguyện vọng lập nghiệp ở một nghề nào khác thì gia đình cũng không cấm đoán hay bắt cháu phải theo nghiệp tranh gốm.

"Nghề nào cũng được, miễn làm sao cháu thành đạt và có hạnh phúc cho riêng mình là được", chị Hoa, mẹ Tâm Phúc cho biết.

Theo nguoiduatin
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem