Ngay sau khi có thông tin, phía Mỹ đồng ý cấp 10 mã vùng trồng cho trên 100 hộ nông dân ở 3 thôn (Kép 1, Ngọt và Phương Sơn) của xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn với diện tích trên 60ha, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiến hành xây dựng một số vùng vải thiều rộng trên 10ha/vùng theo chuẩn xuất khẩu tại các địa điểm trên.
Trồng vải sạch lợi sức khỏe…
Anh Trần Văn Nam ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chăm sóc vải thiều tại vườn của gia đình trong vùng vải thiều xuất khẩu. Ảnh: Trần Quang
Trước đây nhiều năm, khi chưa được quy hoạch vào vùng trồng vải xuất khẩu, ông Trần Văn Lưu ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang được tự do chăm sóc 250 gốc vải thiều của gia đình theo ý mình, và khi vào vụ thu hoạch, ông Lưu lại trông chờ vào thương lái phía Trung Quốc sang thu mua. Ông Lưu cho biết: “Bán vải cho thương lái Trung Quốc thì vải không đòi hỏi chất lượng cao nhưng có lúc họ mua số lượng lớn với giá cao, song nhiều khi họ ngừng mua không thì họ cũng ép giá vải xuống thê thảm”. Ông Lưu cho biết thêm, từ tháng 3.2015, diện tích vải của gia đình ông và các hộ trong thôn được quy hoạch vào vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Cùng với đó, nông dân liên kết thành lập nhóm sản xuất, mọi phương thức cũng như sản xuất…, đều thay đổi theo hướng hiện đại.
Anh Trần Văn Nam ở xã Hồng Giang có hơn 300 gốc vải thiều, hiện đều được anh áp dụng trồng và chăm sóc theo chuẩn VietGAP. Anh Nam cho biết: “Thay vì trồng và chăm sóc mang tính chất tự phát như trước đây, đến giờ người trồng vải chúng tôi đã phải học sản xuất vải sạch. Theo đó, hàng ngay phải ghi chép vào số nhật ký về chăm sóc, nếu phun thuốc trừ sâu các bao, bì phải bỏ đúng nơi quy định, cùng với đó là bón phân cũng phải theo hướng dẫn của nhóm trước sản xuất”.
Vẫn “sợ” đầu ra
Tuy nhiên, dù đã áp dụng tiêu chuần trồng vải mới, nông dân ở đây vẫn như “ngồi trên đống lửa”. Anh Nam cho biết, dù đã sắp vào vụ thu hoạch nhưng hiện vẫn chưa có đơn vị nào đặt hàng bao tiêu vải thiều cho bà con ở trong thôn. “Sản xuất vải theo hướng an toàn tốn công chăm sóc và chi phí thuốc trừ sâu, phân bón hơn, nhưng nếu sản phẩm không có đầu ra ổn định và giá cao thì chúng tôi cũng sẽ khó mà theo dự án lâu dài được”- anh Nam nói.
Ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết: “Để đảm bảo nguồn hàng cho xuất khẩu sang các thị trường trên và các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Lào, Campuchia), năm 2015, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch và triển khai sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại HTX Hồng Xuân, xã Hồng Giang, (Lục Ngạn) với quy mô 100ha, với sản lượng đạt khoảng 500 - 600 tấn. Cùng với đó, huyện duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp giấy chứng nhận với diện tích 200ha, sản lượng dự kiến khoảng 1.000 - 1.200 tấn...
Theo ông Phượng, dù tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thu mua vải thiều, nhưng hiện chỉ có một số doanh nghiệp đăng ký mua, sản lượng chỉ được một vài tấn, do phần lớn các đơn vị vẫn còn tư tưởng trông chờ, dò xét động thái của thị trường.
Theo ông Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục BVTV, kế hoạch trong tháng 5.2015, Cục BVTV sẽ cố gắng phối hợp với một số địa phương ở Tây Nguyên và vùng vải chín sớm tại phía Bắc thu hoạch “đón đầu” một số lượng vải nhất định. Sau đó, phía Mỹ và Australia sẽ trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra và thống nhất lại lần cuối về quy trình, liều lượng chiếu xạ, quy trình đóng gói trước khi nhập khẩu các lô vải đầu tiên của Việt Nam trong năm nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.