Xin Đại sứ cho biết rõ hơn về quá trình đàm phán và những khó khăn của phía Việt Nam?
-Ngày 12.9.2003, Việt Nam đã chính thức nộp đơn đề nghị Australia cho phép Việt Nam xuất khẩu trái vải tươi vào thị trường nước này. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, Australia là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm cũng như kiểm dịch thực vật vào loại nghiêm ngặt nhất thế giới. Trên thực tế, mới chỉ có một số nước châu Á có điều kiện tiếp cận thị trường Australia cho mặt hàng hoa quả và quá trình đàm phán thường kéo dài rất nhiều năm.
Một điểm thu mua vải thiều ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Đàm Duy
Sau khi nhận được đề nghị chính thức của phía Việt Nam, Australia phải tiến hành nghiên cứu, đánh giá rủi ro đối với trải vải Việt Nam theo quy định. Quá trình đánh giá phải minh bạch, có sự tham khảo ý kiến của các nhà trồng vải thiều ở Australia. Cụ thể Bộ Nông nghiệp Australia phải công khai về lý do tại sao chấp thuận đề nghị của Việt Nam, liệu trái vải Việt Nam có ảnh hưởng tới ngành trồng vải của Australia hay không, phương pháp tiến hành đánh giá dựa vào cơ sở nào, báo cáo tình hình về sâu bệnh dịch hại đối với trải vải, vấn đề kiểm dịch…
Năm 2012, đoàn chuyên gia của Australia sang Việt Nam để kiểm tra, khảo sát vùng trồng vải, cơ sở đóng gói, cũng như làm việc với các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương về các nội dung liên quan tới quản lý dịch hại tại vườn trồng và tiềm năng xuất khẩu sản phẩm. Trên cơ sở đó, phía Australia đã hoàn thành báo cáo kết quả quy trình đánh giá rủi ro và đưa ra kết luận trái vải Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Australia với một số điều kiện kiểm dịch theo quy định của bạn.
Trong các chuyến thăm và tiếp xúc với lãnh đạo Australia, mới đây nhất là chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo cấp cao nước ta cũng nhiều lần đề nghị Chính phủ Australia tạo điều kiện cho hàng nông sản Việt Nam, trước mắt là trái vải tươi, được vào thị trường Australia.
Ngày 17.4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Australia có thư chính thức gửi Cục Bảo vệ thực vật thông báo về việc các doanh nghiệp có thể xin cấp phép nhập khẩu vải vào Australia.
Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị
“Cánh cửa” cho trái vải đã mở, Đại sứ quán sẽ đóng vai trò như thế nào để kết nối các doanh nghiệp trong nước trong việc ký kết các hợp đồng thương mại với phía Australia?
-Sau khi phía Australia có kết luận về khả năng có thể cấp phép nhập khẩu trái vải Việt Nam, Đại sứ quán và cơ quan thương vụ đã và đang tiến hành nhiều biện pháp xúc tiến thương mại, từ nghiên cứu, đánh giá thị trường đến tiếp xúc với các doanh nghiệp nhập khẩu Australia.
Hiện cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia đang rất khẩn trương và tích cực trong việc tiếp xúc với các đầu mối nhập khẩu trái cây của Australia, đặc biệt ở 3 tiểu bang New South Wales, Victoria và Queensland, nơi tiêu thụ vải tươi nhiều nhất, đồng thời cũng thông tin chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật, kiểm dịch cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo về “Xúc tiến thương mại trái vải: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trước mắt là vận động các doanh nghiệp Việt kiều đưa trái vải Việt Nam tiêu thụ trong cộng đồng người Việt và người Á đông tại Australia, sau đó mở rộng đến người tiêu dùng Australia nói chung sẽ được sớm tổ chức trong tuần tới.
Mặc dù, Australia đã cấp phép cho vải thiều Việt Nam, nhưng đây cũng là một trong những nước có các quy định kiểm dịch ngặt nghèo nhất thế giới, chúng ta sẽ phải làm gì để cơ hội hiếm có này không tuột khỏi tay?
-Trước hết chúng ta phải đáp ứng được 5 yêu cầu theo quy định của Bộ Nông nghiệp Australia về cơ sở trồng vải, quản lý dịch hại, đóng gói và bao bì nhãn mác, chiếu xạ và yêu cầu về kiểm dịch thực vật.
Để làm được điều đó, tôi cho rằng cần có sự hướng dẫn, phối hợp, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước; sự vào cuộc cũng như trợ giúp, tư vấn về thị trường, kỹ thuật… của Hiệp hội Rau quả và quan trọng là sự liên thông, liên kết giữa bản thân các doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với các hộ gia đình trồng vải.
Mặt khác, mặc dù trái vải tươi của Việt Nam không phải cạnh tranh với trái vải của Australia do khác nhau mùa vụ (mùa thu hoạch vải của Australia từ giữa tháng 10 đến tháng 3 năm sau) nhưng chúng ta sẽ phải cạnh tranh gay gắt với trái vải của Trung Quốc, Thái Lan được cấp phép và có mặt tại thị trường Australia từ năm 2005 và Đài Loan cũng vừa được Australia cấp phép nhập khẩu. Do vậy, giá cả, chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là yếu tố hết sức quan trọng.
Chúng ta đã có kinh nghiệm về việc xuất khẩu rau, hoa quả tươi sang các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hoa kỳ, Hàn Quốc…, hy vọng tránh được những bài học thất bại.
Tại thị trường Australia, chúng tôi được biết vẫn có một số doanh nghiệp của Việt Nam, mặc dù không nhiều, vi phạm các quy định về nhập khẩu của phía bạn. Điều đó ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của các ngành hàng mà phải rất khó khăn chúng ta mới thâm nhập được thị trường này.
Thưa Đại sứ, từ thực tế ở Việt Nam hiện nay nông dân mạnh ai nấy trồng vải thiều rồi thu hoạch ào ạt, liệu nếu vẫn giữ nguyên mô hình như hiện nay, vải thiều của Việt Nam có trụ vững trên thị trường Australia lâu dài hay không?
-Hàng nông sản Việt Nam nói chung và trái vải tươi nói riêng muốn trụ vững lâu dài trên thị trường Australia, không có cách nào khác chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của phía Australia. Để làm được điều đó, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi căn bản tư duy làm nông nghiệp. Đối với trái vải, cần có quy hoạch vùng trồng, áp dụng công nghệ từ khâu trồng, chăm bón, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Tôi được biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan cũng đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn về công nghệ, các điều kiện nhập khẩu, cấp mã số vùng trồng vải, xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ…
Theo tôi, vì lợi ích lâu dài và bền vững mà trái vải có thể mang lại, bà con nông dân cũng nên mạnh dạn thay đổi mô hình trồng vải như hiện nay, đầu tư nhiều hơn cho việc áp dụng khoa học công nghệ từ khâu giống, trồng, thu hoạch và bảo quản… Theo Hiệp hội Trồng vải Australia, nước này hiện có khoảng 250 cơ sở trồng vải với sản lượng khoảng 3.000 tấn nhưng mang lại doanh thu khoảng 20 triệu AUD mỗi năm ngay tại cổng trang trại.
Với “visa” xuất khẩu vải tươi vào Autralia, mùa vải 2015 này có thể không còn cảnh nông dân khóc ròng khi vải thiều bị dồn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, bị ép giá thảm hại, Đại sứ có chung niềm kỳ vọng như vậy không?
-Trước thực tế trong những năm qua, nhiều mặt hàng rau quả của bà con nông dân bị dồn ứ sau thu hoạch, không tiêu thụ được, do vậy khi phía Australia quyết định cấp phép nhập khẩu cho trái vải tươi Việt Nam, chúng tôi rất phấn khởi và cũng kỳ vọng mang lại cơ hội, niềm vui cho những người trồng vải nước nhà.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng hết sức lo lắng liệu trái vải Việt Nam có thể đứng vững trên thị trường “khó tính” vào loại nhất nhì trên thế giới hay không. Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng trong năm đầu tiên này, do thời gian cấp phép ngay sát mùa thu hoạch, các doanh nghiệp cả xuất khẩu và nhập khẩu phải làm nhiều thủ tục, kể cả việc xin giấy phép, và do thị trường mới khai thông nên có thể khối lượng xuất khẩu không nhiều. Nếu được người tiêu dùng Australia chấp nhận, điều này sẽ tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất theo đúng quy trình, quy chuẩn để xuất khẩu trái vải, đồng thời cũng tạo ra “thương hiệu” cho các trái cây tiếp theo của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Australia.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.