Hôm qua (ngày 7.1), trong phần thẩm vấn của Hội đồng xét xử, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố và lý giải do bản thân bị cuốn vào cơn lốc đồng tiền cùng trào lưu bất động sản trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng và gần như bị vỡ...
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Huyền Như khai: Vào khoảng năm 2007 hay tháng 5.2008 bị cáo không nhớ rõ, bị cáo đang là cán bộ tín dụng của Ngân hàng Công thương chi nhánh TP.HCM. Trong khoảng thời gian này, do thấy nhiều người kinh doanh bất động sản có lãi nên bị cáo đã mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này.
Ban đầu, bị cáo gom tiền của mình và cả tiền của mẹ được khoảng 50 tỷ đồng để đầu tư hết vào 2 lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. Thấy có lãi, bị cáo bắt đầu huy động vốn thêm để tiếp tục kinh doanh bất động sản.
“Bị cáo bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền từ đó. Bị cáo đã bán đi tài sản và cổ phiếu để trả nợ nhưng vẫn không đủ nên buộc lòng bị cáo phải đi vay” – Huyền Như tỏ ra thành khẩn khai báo.
Hội đồng xét xử hỏi bị cáo Huyền Như: “Lý do gì bị cáo đang làm ở ngân hàng mà lại đi kinh doanh vào hai lĩnh vực trên?”. Huyền Như nói vào năm 2009 thấy trào lưu đầu tư vào hai lĩnh vực này có lãi nên muốn làm. Bị cáo đã huy động nguồn vốn của nhiều cá nhân và nhiều công ty khác. Thời gian sau, lĩnh vực bất động sản bắt đầu đóng băng, việc làm ăn bị thua lỗ nặng. Đến lúc này, bị cáo không kịp trở tay nên phát sinh ra nợ “khủng”.
Bị cáo Huyền Như.
Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Huyền Như: “Khi bắt đầu huy động vốn, bị cáo có thấy mình có khả năng trả lãi cho những khoản tiền vay hay không?”. Bị cáo Huyền Như chậm rãi nói: “Dạ, lúc đó bị cáo chỉ nghĩ đến việc dùng tiền vay với lãi suất thấp trả cho những khoản vay với lãi suất cao hơn, sau đó kinh doanh có lời thì sẽ đắp vào”.
Tuy nhiên, thực tế là khoản tiền bị cáo Huyền Như nợ chất chồng ngày càng nhiều, cho đến khi vụ án bị phát hiện, khởi tố thì khoản tiền bị cáo không có khả năng thanh toán lên đến 3.900 tỷ đồng. Chủ tọa phiên tòa nhận định: Số tiền bị cáo chiếm đoạt đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của nhiều đơn vị, cơ quan.
Liên quan đến việc huy động tiền của các cá nhân, tổ chức như thế nào, bị cáo Huyền Như khai thời điểm đó, bị cáo vay lãi suất 0,4-1%/ngày. Nếu không có tiền trả kịp cho chủ nợ khi đến hạn thì phải trả lãi suất 3-5%/ngày và còn chịu lãi phạt. Ban đầu, bị cáo vay khoảng 2 tỷ đồng rồi sau đó nâng lên, có lúc vay 100.000 USD, 10 tỷ đồng rồi 20-40 tỷ đồng.
“Nếu không trả thì lãi suất cao buộc lòng bị cáo phải bán cổ phiếu đã mua trước đó với mức lỗ đề bù nợ nhưng vẫn không đủ. Cuối năm 2008 đến giữa năm 2009, bị cáo bị xoáy vào đồng tiền nên huy động vốn thêm thông qua nhóm cho vay nặng lãi...”.
Bị cáo thừa nhận đã thuê người làm giả con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và con dấu của 8 công ty khác để phục vụ cho mục đích vay tiền. Như đã soạn thảo hợp đồng giả, con dấu giả, ký khống chữ ký để vay nợ. Sau khi thực hiện được hành vi lừa đảo Công ty Thái Bình Dương, bị cáo còn sử dụng hợp đồng giả và ký khống chữ ký để lừa đảo nhiều công ty, ngân hàng khác.
Liên quan đến số tiền đã chiếm đoạt, Huyền Như khai tổng số tiền bị cáo lừa đảo các tổ chức và cá nhân lên đến 4.900 tỷ đồng. Bị cáo đã trả được khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Tòa hỏi bị cáo sử dụng số tiền đã chiếm đoạt vào mục đích gì, Như cho biết, số tiền này bị cáo sử dụng vào mục đích trả hết vào các khoản nợ vay và nợ cá nhân. HĐXX hỏi: “Đối với số tiền 800 tỷ đồng bị cáo sử dụng vào đâu?”. Huyền Như khai sử dụng để trả bằng tiền mặt cho các cá nhân đã cho bị cáo vay lãi cao trước đó nên toàn bộ khoản chi này bị cáo không có chứng từ gì chứng minh. Phần còn lại, bị cáo dùng để trả nợ và lãi trong hợp đồng vay cá nhân.
Trước tòa, Huyền Như còn cho biết, do vay nhiều cá nhân lãi suất cao nên nợ nhiều gây áp lực, bị cáo không có khả năng trả nợ nên mới làm sai. Bị cáo thừa nhận mình làm sai nghiêm trọng. Bị cáo cứ tưởng mình sẽ giải quyết hết nợ, nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Hôm nay (ngày 8.1), Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn.
Đức Phúc (Đức Phúc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.