"Trẻ hóa" vườn cà phê

Duy Hậu Thứ tư, ngày 10/12/2014 09:14 AM (GMT+7)
Ngày 9.12, tại Đăk Lăk, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội thảo “Tái canh cà phê và phát triển cà phê bền vững tại Tây Nguyên” nhằm tìm giải pháp để hướng đến phát triển bền vững cho cà phê Tây Nguyên… 
Bình luận 0

“Trẻ hóa” cà phê để nâng cao giá trị

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong tổng số hơn 600 ngàn ha cà phê cả nước, hiện khoảng 15% diện tích quá 20 tuổi, diện tích từ 15- 20 tuổi chiếm khoảng 25%. Theo báo cáo của các tỉnh vùng trọng điểm, tính đến năm 2020, diện tích cà phê cần tái canh lên đến khoảng 200 ngàn ha, nhiều nhất là Đăk Lăk với 85 ngàn ha. Diện tích cà phê già cỗi có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

img

Để hướng tới sản xuất cà phê bền vững cần phải rà soát để quy hoạch lại diện tích trồng.


Trong khi đó, quá trình tái canh cà phê còn nhiều khó khăn cả về tổ chức, kỹ thuật, nguồn vốn. Từ năm 2010 đến nay, cả nước chỉ tái canh và ghép cải tạo được hơn 43 ngàn ha. Để lộ trình trẻ hóa cà phê được thuận lợi, Cục Trồng trọt đã đưa ra 6 giải pháp.

Trong đó, giải pháp quan trọng nhất nhằm hướng tới một nền cà phê bền vững đó là cần phải rà soát để quy hoạch lại diện tích cà phê; kiên quyết loại bỏ những vùng không phù hợp với cây cà phê. Việc tái canh nên được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm chỉ tái canh chừng 15-20% diện tích. Một vấn đề không kém phần quan trọng khác đó chính là xác định cơ cấu giống.

Giống tái canh đương nhiên phải đạt chất lượng song vấn đề cần phải quan tâm là tùy theo điều kiện từng vùng mà bố trí giống phù hợp. Ngoài ra, cần phải tổ chức tập huấn cho nông dân cả về kỹ thuật lẫn quá trình quản lý, biện pháp tổ chức tái canh cà phê; hướng dẫn người sản xuất chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để giảm thiểu rủi ro. Và toàn bộ quá trình cần phải được tổ chức một cách chặt chẽ, có sự tham gia của cả hệ thống từ trung ương đến các địa phương.

 

Hướng tới nền sản xuất cà phê bền vững

Theo đánh giá, tuy ngành cà phê Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc song lại thiếu ổn định, bền vững; luôn tiềm ẩn những rủi ro trước những biến động về thị trường và cả điều kiện khí hậu; chất lượng cà phê còn thấp trong khi chi phí sản xuất cao. Việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững chính là giải pháp cho tình hình hiện nay.

Từ năm 2012, một dự án khuyến nông trung ương (dự án “sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận cho Tây Nguyên”) được tiến hành thực hiện. Tính đến nay, dự án đã thu hút được gần 1.000 hộ tham gia với tổng diện tích 450ha. Bước đầu, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Theo đó, so với lối sản xuất truyền thống, việc sản xuất bền vững giúp cây cà phê phát triển ổn định, sạch sâu bệnh; năng suất tăng cao hơn từ 2-4 tạ/ha.

Quan trọng hơn là giá bán của cà phê có chứng nhận luôn cao hơn bởi sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Một lợi ích khác cũng rất đáng kể, đó là việc sản xuất cà phê bền vững giúp nông dân giảm được đáng kể chi phí các loại phân bón. Tại hội nghị, nhiều nông dân đã khẳng định ưu điểm vượt trội của việc phát triển cà phê bền vững.

 Theo đó, các ý kiến đều thống nhất: Việc sản xuất cà phê bền vững tuy năng suất vượt trội không nhiều song nông dân được lợi rất nhiều do giá bán cao, giảm được chi phí. Bên cạnh hiệu quả kinh tế thì sản xuất cà phê bền vững còn giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nông dân; đồng thời mang lại hiệu quả tích cực về môi trường nhờ sử dụng hiệu quả, có khoa học tài nguyên đất, nước.

  Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hầu hết cà phê sản xuất bền vững chỉ mới đạt ở mức “trung bình vàng” do nông dân vẫn chưa tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy trình. Nông dân còn mắc nhiều lỗi trong quá trình thực hiện như sân phơi không đảm bảo, quá trình sản xuất chưa chú trọng đến môi trường xung quanh, chưa chú tâm vào việc nâng cao kỹ thuật sản xuất…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem