"Xoá mù" Internet

Thứ tư, ngày 11/08/2010 18:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuối tuần qua, hơn 120 cán bộ trẻ, đoàn viên của Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) mở các lớp phổ cập tin học và tổ chức nhiều hoạt động xã hội tại nhiều bản làng xa xôi ở các tỉnh miền Trung…
Bình luận 0
img
Nông dân ở Phúc Trạch lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính.

Đưa “net” về vùng cao

Một trong những lớp phổ cập tin học này được tổ chức tại làng Thanh niên lập nghiệp Phúc Trạch, một làng thuộc diện vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Đúng lịch trình, 8 giờ sáng, các đoàn cán bộ, kỹ sư trẻ đến nơi, ở trụ sở ban quản lý làng đã kín đặc người. Các máy tính được bày ra bàn, màn hình 100 inch được mở ra và buổi học bắt đầu. Giảng viên của tập đoàn "tung" câu hỏi: "Ai đã từng sử dụng máy tính xin giơ tay?". Dưới hội trường chỉ lác đác 5, 6 cánh tay được giơ lên; những người này lại chủ yếu là cán bộ của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cử xuống cắm chốt tại làng và một em học sinh lớp 10.

Nhưng không phải vì thế mà lớp học kém sôi động. "Bà con nhớ nhé, phần cứng máy tính là cái sờ được, phần mềm là không cầm nắm được" - giáo viên giảng vo, theo phong cách "hội nghị đầu bờ". Các khái niệm chuyên môn như cấu tạo máy tính, các phần mềm duyệt web… được tóm lược. Phần trọng tâm được chú trọng là: Máy tính và mạng Internet dùng để làm gì, giúp gì cho công việc nhà nông. Khi màn hình to hiện lên một tấm ảnh cỡ lớn chụp một nông dân thu hoạch muối trong một bài viết về biến động giá muối làm cả hội trường cười ồ. Buổi học cứ thế hấp dẫn các học viên làng...

"Sẽ đưa mạng về nhà"

Trong đợt tình nguyện kéo dài từ 5 đến 9-8, hơn 120 cán bộ trẻ của VNPT đã tham gia khánh thành "Vườn tri thức VNPT" tại TP. Hưng Yên với diện tích 500m2 bao gồm phòng máy tính, khu vực trưng bày - bán hàng và khuôn vườn hoa cây xanh, hệ thống mạng không dây miễn phí… Đoàn tổ chức trao hơn 100 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho các học sinh nghèo học giỏi tại Hưng Yên, Thanh Hoá, Nghệ An.

Anh Nguyễn Quốc Nguyên - cán bộ Học viện Bưu chính Viễn thông, giáo viên đứng lớp phổ cập tin học này nói: "Dạy cho bà con tuy đơn giản mà khó. Cứ giảng dạy lý thuyết cơ bản là không vào, bà con cũng không cần đến. Điều quan trọng là để bà con hiểu được cái lợi, cái hại của máy tính và mạng Internet. Khi ý thức được, họ chấp nhận bỏ tiền ra mua máy tính thì mọi lý thuyết mới phát huy tác dụng".

Anh Nguyễn Xuân Hùng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết: Có gia đình vì khó khăn chưa có điều kiện sắm máy vi tính nhưng cũng có gia đình có điều kiện lại chưa thấy được lợi ích của máy tính, mạng Internet nên không chịu đầu tư. Vùng đất Phúc Trạch hiện đang phát triển nhiều mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp trong đó đặc biệt là giống bưởi Phúc Trạch nổi tiếng nên việc tìm hiểu thông tin khoa học kỹ thuật trên mạng Internet là rất cần thiết.

Sau một ngày làm quen với máy tính và Internet, nhiều hộ dân trong làng đã sôi nổi bàn bạc và hầu hết đều muốn trang bị máy tính cho gia đình. Anh Trần Văn Đức, một hộ dân của làng cho biết: "Hiện tại, gia đình chưa mua máy tính nhưng sắp tới sẽ tiết kiệm tiền để mua máy tính và nối mạng Internet. Mua máy là để tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, vừa để đọc báo và phục vụ việc học tập cho 2 cháu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem