36 năm nuôi tôm hùm chưa bao giờ thấy khó như hiện nay, một nông dân Khánh Hòa kiến nghị khẩn

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 26/11/2023 18:34 PM (GMT+7)
Vấn đề giao mặt nước biển, quy hoạch vùng nuôi là một trong những vấn đề "nóng" được nêu ra tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam", cũng là mối quan tâm chung của người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa.
Bình luận 0

Người nuôi tôm hùm Khánh Hòa gặp khó

Tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do Cục Thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, Văn phòng Bộ NNPTNT cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức theo sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT, tâm sự của một nông dân nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa khiến nhiều người quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Quyên, một hộ nuôi thủy sản, tôm hùm ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, bà nuôi tôm hùm từ năm 1987, kể từ đó cho đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng chưa khi nào bà thấy khó khăn như hiện nay khi thị trường xuất khẩu chủ lực của con tôm hùm Việt Nam là Trung Quốc bị ách tắc do những quy định mới của thị trường đưa tôm hùm bông vào danh mục các loại động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ.

Tương tự, ông Võ Văn Thái, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản - Du lịch Vân Phong với 32 xã viên cho biết, HTX đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm thịt chưa thể xuất khẩu do chưa đáp ứng được giấy tờ của Hải quan Trung Quốc, điều này gây khó khăn cho xã viên.

Từ những khó khăn của các hộ nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa, bà Quyên mong muốn Cục Thú y xem xét về vấn đề kiểm dịch, tránh kéo dài thời gian kiểm dịch khiến tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bông do thay đổi môi trường nước tôm giống sẽ khó phát triển, gây ảnh hưởng tới quá trình nuôi trồng của hộ dân. Ngoài ra, vấn đề giao mặt nước biển, quy hoạch vùng nuôi hiện cũng đang là mối quan tâm chung của người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa.

36 năm nuôi tôm hùm chưa bao giờ thấy khó như hiện nay, một nông dân Khánh Hòa kiến nghị khẩn  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam, Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh Hậu.

Sớm xác định rõ khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển

Phản hồi ý kiến của bà Quyên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, việc giao mặt nước biển cần ổn định, đúng đối tượng.

Trong khi đó, theo ông Lê Bền, Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, ách tắc đang nằm ở vấn đề giao diện tích mặt nước, điểm xuất phát đầu tiên trong phát triển chuỗi. Với các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, trong đó có bảng kê khai carbon yêu cầu các doanh nghiệp phải hoạt động một cách có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường.

Điều này đặt ra vấn đề cân đối giữa sinh kế và bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào các hộ nuôi nhỏ lẻ. Giải pháp mà ông Bền đưa ra là phải xây dựng được các cụm công nghiệp nuôi trồng trên biển, tạo tiền đề cho nuôi biển xa bờ, giải quyết được vấn đề môi trường, về đầu tư ban đầu cho các hộ nuôi nhỏ lẻ. “Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần xử lý được vấn đề gốc rễ là giao diện tích mặt nước”, ông Lê Bền nhấn mạnh một lần nữa.

Về vấn đề giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Thanh Huyên, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, đến hết năm 2018, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản (NTTS) cơ bản được thực hiện theo quy định về giao đất có mặt nước ven biển, giao mặt nước biển để NTTS của Luật Thủy sản năm 2003 và Luật Đất đai năm 2003, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng mã số vùng nuôi cho lĩnh vực thủy sản.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương có biển, đến hết tháng 12/2022, việc giao khu vực biển để NTTS vẫn còn chậm, hầu như các địa phương chưa giao được khu vực biển nào để NTTS.

"Nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao khu vực biển để NTTS như tỉnh Quảng Ninh có 1.354 tổ chức/cá nhân, tỉnh Khánh Hòa có 1.467 tổ chức/cá nhân, tỉnh Ninh Thuận có 105 tổ chức/cá nhân đã sử dụng khu vực biển nhưng chưa được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về thủy sản và pháp luật về giao khu vực biển”, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thông tin.

Theo ông Huyên, điều này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và nuôi biển, dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về biển, hải đảo.

36 năm nuôi tôm hùm chưa bao giờ thấy khó như hiện nay, một nông dân Khánh Hòa kiến nghị khẩn  - Ảnh 2.

Người nuôi tôm hùm đang gặp khó khăn do những quy định mới từ thị trường nhập khẩu Trung Quốc. Trong ảnh: Nông dân Khánh Hòa thu hoạch tôm hùm. Ảnh: Kim Sơ.

Đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra kiến nghị xây dựng 4 vùng không gian ven biển cho hoạt động NTTS.

Cụ thể bao gồm: Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Hồng; vùng ven biển và biển khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (Vùng biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ); vùng ven biển và biển khu vực Đông Nam bộ; vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Vùng biển Tây Nam bộ).

Bên cạnh đó, ông Huyên kiến nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cần xác định rõ khu vực NTTS ven biển, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có biển sớm tổ chức việc phân định ranh giới hành chính trên biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một kiến nghị được Cục Biển và Hải đảo Việt Nam gửi đến Chính phủ là sớm phê duyệt Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để NTTS; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để NTTS vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân đang NTTS trên biển nhưng chưa được giao khu vực biển thực hiện thủ tục.

Thêm 2 kiến nghị nữa mà ông Nguyễn Thanh Huyên đưa ra là cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng khu vực biển và xem xét, ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính cho các hoạt động phục vụ công tác giao, quản lý sử dụng khu vực biển, trong đó có NTTS trên biển.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho rằng cần phát triển đa mục đích trên cùng một diện tích mặt nước, bên cạnh đó tăng cường xử lý, xử phạt các vi phạm về khai thác, sử dụng mặt nước và xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả hơn.

Từ ý kiến của đại diện các đơn vị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem