11 cùng ngôi sao ĐT Anh - Ross Barkley:
Chú nhóc 8 tuổi của đội U-10 Ash Celtic
Trước đó, Mike đã được quản lý của CLB “cảnh báo” rằng ông sẽ bất ngờ khi chứng kiến nhóc tì này chơi bóng. Nhưng kể cả như thế, Mike vẫn sốc bởi cách cậu bé đỡ bóng, nhận bóng, đi bóng và dứt điểm. Trận đầu tiên, chú nhóc của chúng ta ghi 5 bàn sau 30 phút. Và Mike, với nhạy cảm bóng đá đặc biệt của riêng ông đã quay sang nói với người quản lý của CLB: “Chú nhóc này sẽ là ngôi sao của tuyển Anh trong một ngày không xa”.
Mike không sai. 11 năm sau trận đấu đầu tiên cho đội U-10 Ash Celtic, chú nhóc của chúng ta ra mắt đội một tuyển Anh, vào tháng 8.2013, trong trận “Tam Sư” đại thắng Moldova 4-0 ở vòng loại World Cup 2014. Và mới vài ngày trước, cậu bé từng khiến Mike sửng sốt năm nào, là người hùng trong màn ngược dòng thắng 5-1 của tuyển Anh tại Montenegro, với cú đúp bàn thắng cùng 1 pha kiến tạo. “Cậu bé của Mike”, nhân vật mà chúng ta đang nói tới, chính là Ross Barkley.
Mang trong mình dòng máu Nigeria của cha, ông Peter Effanga nhưng sinh ra tại Liverpool, vào ngày 5.12.1993, Barkley luôn tự hào về chất Merseyside của bản thân. Tuy nhiên, nhiều người khác thì không nghĩ vậy. Cha mẹ Barkley sớm đã tính tới điều này khi để Barkley mang họ mẹ (bà Diane Barkley) nhưng vẫn không giúp con tránh hết được những sự châm chọc, kì thị. Từ nhỏ, Barkley luôn chịu sự kì thị bởi “yếu tố châu Phi” của mình, khiến cậu bé từng trải qua nhiều năm sống thu mình, thậm chí tự kỉ. Chỉ có trên sân bóng, Barkley mới thực sự là chính mình.
“Những gì Ross thể hiện đêm nay (trận Anh thắng Montenegro) là tất cả những gì mà chúng ta luôn chờ đợi ở cậu ấy – một cầu thủ đặc biệt. Trong vòng 1 năm qua, Ross thực sự đã tiến bộ không ngừng” – HLV Gareth Southagate. |
3 năm chơi cho đội trẻ của CLB địa phương Ash Celtic có lẽ là quãng thời gian hạnh phúc nhất thời niên thiếu của Barkley. Bởi tại đây, cậu có những người bạn tốt, những người thầy tốt như Mike, và quan trọng hơn, cậu có được sự thừa nhận và trân trọng. Nhưng tài năng bóng đá của Barkley quá đặc biệt và nổi trội với 1 CLB như Ash Celtic. Năm 11 tuổi, Barkley lọt vào mắt xanh của các tuyển tranh viên Everton. Cơ hội bước chân vào địa hạt bóng đá chuyên nghiệp là đây. Và những thách thức cũng bắt đầu từ đây.
Nghi vấn gian lận tuổi vì… dậy thì sớm
11 tuổi Mike gia nhập lò trẻ Everton. Nửa năm sau, vấn đề đầu tiên xuất hiện. Mike “bị” dậy thì sớm, chiều cao và thể hình của cậu bé phát triển thần tốc, vượt xa so với những chú nhóc cùng trang lứa của học viện. Và những lời đàm tiếu và sự kì thị, từ chính những bậc phụ huynh có con em tập bóng đá chung với Barkley bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Dù sớm được coi là viên ngọc quý của Học viện Everton nhưng các giải trẻ lớn của các lứa U-15 trở xuống, Barkley thường xuyên vắng mặt trong đội hình ra sân. Bởi cậu quá “khủng” cả về thể hình lẫn kĩ năng so với các đồng đội cũng như đối thủ. Khi Everton trưng ra cho bàn dân thiên hạ khai sinh, lý lịch cũng như kiểm tra phát triển xương của Barkley để chứng minh cậu bé là chuẩn tuổi chứ không phải gian lận, thì sự kì thị chuyển sang nguồn gốc Nigeria của Barkley.
Để dẹp yên dư luận, BLĐ Học viện Everton đành “thăng cấp” cho Barkley vào thẳng đội hình U-18 khi cậu mới chỉ 15 tuổi. Và đây là một quyết định chính xác. Cho cả Everton và Barkley. Trong màu áo U-18 Everton, Barkley không mất nhiều thời gian để chứng tỏ mình là ngôi sao của đội, dù cậu chỉ là chú nhóc 15-16 tuổi trong hình hài một gã to xác. Năm 16 tuổi, Barkley có danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp bóng đá, chức vô địch giải trẻ Echo Cup, giải đấu mà Barkley được chọn là cầu thủ hay nhất.
Sau khi được đôn lên đội một Everton năm 2011 và trải qua những năm tháng học nghệ theo hợp đồng cho mượn tại Sheffield Wednesday và Leeds mùa 2012/13, Barkley đã trở thành ngôi sao mới của CLB chủ sân Goodison Park, được coi là cầu thủ tài năng nhất của Học viện Everton kể từ sau Wayne Rooney. Kể từ mùa 2013/14 cho đến khi rời Everton, Barkley luôn là lựa chọn số 1 trong đội hình xuất phát, mỗi mùa chơi trên dưới 40 trận.
Chủ đề châm chọc của những kẻ phân biệt chủng tộc
Ở cấp độ đội tuyển, hành trình phát triển của Barkley cũng khá suôn sẻ, dù cậu tiến từng bước chậm và chắc qua tất cả lứa U, từ U16 đến U21 trước khi ra mắt đội một “Tam sư” năm 2013. Dù vậy, sự thăng tiến trong sự nghiệp của Barkley cũng kéo theo những kì thị độc ác với gốc gác Nigeria của cầu thủ này.
Hồi năm 2014, Kelvin MacKenzie - một tay viết có tiếng, nắm giữ chuyên mục thể thao của The Sun, đã so sánh Barkley với hình ảnh một “con đười ươi trong sở thú”, trong một bài viết đả kích ngôi sao trẻ của Everton. Vụ này ầm ĩ năm đó khi Everton quyết định kiện MacKenzie ra tòa. MacKenzie sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi Barkley, độc giả và CLB Everton nhưng vẫn bị The Sun đuổi việc.
Barkley thì sao? Những chỉ trích cay độc nhằm vào mình, Barkley đã quá quen với nó từ khi còn là một cậu bé đến lúc trở thành ngôi sao trẻ của Everton. Và chúng, chỉ khiến Barkley thêm mạnh mẽ, nỗ lực và quyết tâm hơn, trên con đương mà anh đã chọn. Một năm sau bài viết ác nghiệt của MacKenzie, Barkley chơi mùa giải hay nhất ở Everton, mùa giải 2015/16, khi anh ghi 12 bàn, kiến tạo 13 bàn trong 48 trận trên mọi đấu trường. Và thêm một năm rưỡi nữa, để Barkley tiến một bước quan trọng trong sự nghiệp: rời Everton tới Chelsea. Vào tháng 1.2018.
“Ross từng gặp nhiều vấn đề trong giai đoạn đầu ở đây. Nhưng giờ cậu ấy thực sự là một cầu thủ hoàn hảo. Mạnh mẽ, nhanh nhẹn và đầy sáng tạo. Tôi thực sự thích Ross” – HLV Maurizio Sarri. |
Hành trình của Barkley tới Chelsea cũng lắm chông gai. Kỳ chuyển nhượng Hè 2017, Chelsea và Everton đã chốt xong thỏa thuận chuyển nhượng Barkley với giá 35 triệu bảng. Nhưng vào phút chót Barkley lại đổi ý. Có nguồn cho rằng, Barkley không tới Chelsea vì đúng vào ngày cuối của kỳ chuyển nhượng anh tái phát chấn thương gân kheo (cũng vì chấn thương này mà Barkley không chơi 1 trận nào cho Everton ở giai đoạn một mùa 2017/18). Có tin khẳng định Barkley đổi ý vì anh… không nhận được cuộc gọi từ HLV trưởng Chelsea thời điểm đó – Antonio Conte.
Conte sau đó phát biểu thế này: “Nếu một cầu thủ có tham vọng chơi cho một đội bóng lớn (như Chelsea), cậu ta sẽ kí hợp đồng mà không phải đắn đo nhiều. Đôi khi, việc HLV gọi điện nói chuyện với một cầu thủ sắp-kí-hợp đồng với đội bóng mà ông ta đang dẫn dắt là cần thiết. Đôi khi không. Tôi trước đây, từng kí với cả chục cầu thủ mới mà đâu cần phải trò chuyện với họ, qua điện thoại”.
Tỏa sáng ở Chelsea & tuyển Anh
Nhưng nửa năm sau vụ lùm xùm vừa nêu, Barkley vẫn gia nhập Chelsea. Với áo số 8 The Blues, số áo của huyền thoại Stamford Bridge - Frank Lampard. Cuộc sống tại Chelsea, nơi sự cạnh tranh ở tuyến giữa là vô cùng gay gắt, nơi áp lực buộc phải thành công trong thời gian ngắn là rất lớn, rõ ràng không dễ dàng cho Barkley, người tới Stamford Bridge với vị thế “con cưng” của Goodson Park.
Với Barkley, tới Chelsea là một canh bạc rủi ro, nhất là khi sau năm 2016, anh vắng mặt gần 2 năm trong màu áo tuyển Anh, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Với Barkley, rời Everton, khiến anh bị những người bao mùa qua vẫn cổ vũ anh mỗi tuần coi là “kẻ phản bội, dối trá và lươn lẹo”. Nhưng sau tất cả, vượt qua những chỉ trích và hoài nghi, Barkley đã có những bước thăng tiến mạnh mẽ cùng Chelsea cũng như tuyển Anh. Như anh mới đây nói: “Rời Everton, tới Chelsea, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của tôi, trên tư cách 1 cầu thủ bóng đá và cả tư cách một người đàn ông”.
“Rời xa gia đình, rời xa những gì thân thuộc nhất ở Everton, tôi từng trải qua một quãng thời gian trầm cảm. Thực sự là rất khó khăn. Nhất là khi London và Chelsea là một môi trường hoàn toàn khác với chỗ cũ. Bạn chỉ có duy nhất 1 cách, nỗ lực hết sức và tự mình vượt qua những thử thách trên con đường mình đã chọn. Thật may, những điều tệ nhất đã qua, và giờ mọi thứ đang ngày một tốt hơn” – Barkley. |
Đây là một mùa giải đầy bão táp của Chelsea nhưng với cá nhân Barkley, anh quả thực đã trưởng thành và đã tạo dấu ấn. 40 trận trên mọi đấu trường, 5 bàn thắng và 8 pha kiến tạo. Tất nhiên, còn cả những màn trình diễn tuyệt vời trong màu áo “Tam sư” nữa. Và chắc chắn, một Barkley hay nhất vẫn còn ở phía trước, chờ chúng ta khám phá…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.