Nông dân Nghệ An từ hộ nuôi vịt chạy đồng mà làm nên thương hiệu “vịt Nam Giang” nổi tiếng cả nước
Anh nông dân Nghệ An từ hộ nuôi vịt chạy đồng mà làm nên thương hiệu “vịt Nam Giang” nổi tiếng cả nước
Tiến Dũng - L. Tập
Thứ ba, ngày 10/09/2024 12:51 PM (GMT+7)
Từ một nông dân nghèo khó, nuôi vịt chạy đồng, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Phan Văn Kì, xóm Nam Giang, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đã thành công với trang trại nuôi vịt khép kín. Hiện, trang trại nuôi vịt của gia đình cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm trang trại vịt của anh Phan Văn Kì, xóm Nam Giang, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An),vào chiều thu đầy nắng. Từ xa chúng tôi đã nghe thấy tiếng vịt kêu huyên náo cả một vùng. Anh Kì nói: "Bây giờ thành trang trại ngon lành vậy, chứ trước đây năn, lác… mọc um tùm, cứ trận mưa nhái là nước ngập sâu chẳng làm ăn được gì".
Anh Phan Văn Kì sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên nối nghiệp nông gia, suốt ngày lam lũ với ruộng đồng, cũng không đủ ăn nên anh luôn suy nghĩ phải làm gì đó để thoát nghèo. Nhận thấy vùng đồng quê chiêm trũng, anh đã chọn nghề nuôi vịt chạy đồng.
Khởi nghiệp, anh Phan Văn Kì vay mượn tiền mua 1 trăm vịt con nuôi chạy đồng theo thời vụ, dần dần nuôi đến cả ngàn con. Hầu như khắp các cánh đồng ở Yên Thành, anh và đàn vịt đều đã đi qua.
Anh Phan Văn Kì, tâm sự: "Nghề này vất vả lắm, suốt ngày dãi nắng dầm mưa ngoài đồng chạy theo đàn vịt, đêm cũng phải chụm lều ngủ cùng vịt. Cái nghề khó nhọc, nhưng lời lãi chẳng đáng là bao, chưa nói đến là những lần vịt bị dịch lăn ra chết hàng loạt, trắng tay. Nhưng tôi không thể bỏ được nghề bởi đã trót mang rồi, bỏ chẳng biết làm nghề gì".
Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng với biết bao vất vả thăng trầm. Cuối cùng anh Kì cũng tích góp được một số vốn, vay thêm ngân hàng Chính Sách để đầu tư chăn nuôi vịt đẻ, xây dựng lò ấp trứng vịt ngay tại nhà.
Có thời điểm đàn vịt của anh lên tới 3 nghìn con, với cách nuôi vịt theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Trang trại của anh không phát triển, ô nhiễm môi trường khiến bà con xóm giềng kêu ca.
Đến trang trại vịt khép kín, chuyên nghiệp
Anh Phan Văn Kì luôn mơ ước có được một trang trại xa khu dân cư để đầu tư vào chăn nuôi. Ước mơ đó đã thành hiện thực khi xã Nhân Thành thực hiện chuyển đổi ruộng đất, từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn vào năm 2012. Đây là cơ hội xây dựng trại chăn nuôi vịt, anh đã làm đơn và được chính quyền xã chia cho gia đình anh 6.000m2 đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực đồng Nam Giang.
Có đất, vợ chồng anh huy động mọi nguồn vốn, vay thêm ngân hàng, đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng trại chăn nuôi vịt và đào ao nuôi cá. Từ một vùng trũng năn lác ken dày, sau 5 tháng thi công, một trang trạng quy mô đã hình thành khiến ai nhìn vào cũng trầm trồ thán phục.
Quy hoạch xong trang trại, anh Kì đầu tư nuôi 2.000 con vịt đẻ, 3.000 con vịt thịt. Đối với số vịt đẻ, anh nuôi 4 giống vịt, gồm: Vịt bầu trắng, bầu đất, vịt tàu và vịt cỏ. Mỗi giống vịt anh sử dụng trứng khác nhau. Vịt bầu trắng, bầu đất và vịt cỏ ấp vịt giống; trứng vịt tàu ấp trứng vịt lộn.
Đặc biệt, anh mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo gian nhà trống làm nơi đặt hệ thống lò ấp. Chăn nuôi theo kiểu khép kín nên, lò ấp của gia đình anh lúc nào cũng không sợ thiếu trứng. Vào dịp cao điểm, mỗi ngày đàn vịt đẻ của anh đẻ hơn 1.500 quả trứng.
Anh Phan Văn Kì, cho biết: "Số vịt giống nở ra, một phần phục vụ khách hàng, số còn lại nuôi vịt tơ theo cách gối vụ. Mỗi lứa vịt tơ nuôi 50 ngày, là xuất chuồng. Như vậy, cứ 15 ngày bán 1 lứa trên dưới 1.000 con. Khi vịt tơ đạt trọng lượng trên dưới 2kg, anh Kì điện thoại cho các lái buôn, họ đến tận nơi mua từng xe ô tô, vận chuyển đi các nơi tiêu thụ".
"Để chăn nuôi, ấp trứng vịt thành công, tôi đã lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình trang trại chăn nuôi khép kín. Đồng thời tự tìm tòi qua sách vở kiến thức về kỹ thuật nuôi vịt đẻ và quá trình ấp trứng công nghiệp.
Để đàn vịt khỏe mạnh, cho sản lượng trứng cao, khâu vệ sinh, phòng dịch, cần phải có biện pháp tiêm phòng định kỳ, tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên. Ngoài ra, phải chú ý đến chế độ ăn uống đối với từng loại vịt. Vịt đẻ, cho ăn đầy đủ thức ăn công nghiệp, đối với vịt tơ, cho ăn 50% thức ăn công nghiệp, 50% là lúa", anh Kì, bật mí.
Thương hiệu "vịt Nam Giang" vươn xa
Theo anh Phan Văn Kỳ, chuồng trại luôn thoáng mát, đồng thời, quan tâm tới tỷ lệ vịt đực trong đàn để tỷ lệ đậu trứng cao. Cứ tới tháng 12 hàng năm, tiến hành thay thế đàn vịt mới để sản lượng và chất lượng trứng được đảm bảo. Do đó, trứng và vịt con ra lò đến đâu được thương lái tin tưởng đến tận nơi thu mua.
Hiện nay, trang trại của anh Kỳ nuôi hơn 10.000 con vịt đẻ, mỗi đêm trung bình cho hơn 8.000 quả trứng. Vịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu "vịt Nam Giang" của anh Kì không chỉ nổi tiếng ở Nghệ An mà còn vang xa khắp cả nước.
Theo anh Kì, sắp tới sẽ đầu tư trang trại nuôi vịt trong phòng lạnh, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo thương phẩm chất lượng cao, phục đến người tiêu dùng an toàn nhất.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Sỹ Tùng - Chủ tịch UBND Nhân Thành, cho biết: "Trang trại chăn nuôi vịt của gia đình anh Kì hoạt động rất hiệu quả, an toàn dịch bệnh. Chăn nuôi theo quy trình khép kín, từ sản xuất con giống đến xuất bán trứng, vịt sạch thương phẩm ra thị trường. Hiện, vịt của trang trại anh Kì đã được chọn là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.