'Bà cháu không biết tiếng Kinh đâu, nhưng quyết về Hà Nội tiễn Đại tướng'

Thứ hai, ngày 07/10/2013 13:55 PM (GMT+7)
"Cô ơi, bà cháu cả đời không ra khỏi bản, không biết tiếng Kinh đâu chỉ biết tiếng Thái thôi. Nhưng khi nghe tin Đại tướng đã từ trần bà cương quyết muốn được xuống Hà Nội, vào nhà Đại tướng".
Bình luận 0

Hàng nghìn người khắp cả nước đổ về Hà Nội để được chào tiễn biệt “vị tướng của dân tộc”, có những người ở tỉnh lẻ lên từ hôm trước (5.10) phải thuê nhà trọ tá túc qua đêm, chờ đến sáng hôm sau để được xếp hàng vào nhà Đại tướng.

Hôm qua, ngày đầu tiên gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tiếp nhân dân khắp nơi trên cả nước về nhà riêng số 30 Hoàng Diệu để thắp nén hương tưởng niệm vị tướng tài ba của dân tộc. Hàng chục nghìn người lặng lẽ đứng xếp hàng dọc theo con phố Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ để được vào tiễn biệt Đại tướng.

Hình ảnh xúc động trong ngày đầu tưởng niệm Đại tướng
Hình ảnh xúc động trong ngày đầu tưởng niệm Đại tướng

Lẫn trong đám đông, bác Huynh, 64 tuổi, mặc chiếc áo bộ đội cũ đã sờn màu, đội chiếc mũ cối rách viền và khoác chiếc ba-lô khá to ngay ngắn đứng xếp hàng. PV tới hỏi chuyện và được biết câu chuyện khăn gói từ quê lúa Thái Bình ra Hà Nội, mong được vào viếng Đại tướng của bác.

Bác cho biết khi nghe tin Đại tướng từ trần, bác lập tức gói vội hai bộ quần áo, bắt xe ôm ra thẳng bến xe lên Hà Nội từ chiều 5.10. Chưa một lần được đến Thủ đô, vừa bước xuống bến xe, cảnh đám xe ôm nhào đến mời gọi, lôi kéo khiến bác suýt phát cáu. May mắn, bác Huynh tìm được một người xe ôm cũng trạc tuổi mình, bác yêu cầu được đến nhà Đại tướng để thắp nén hương tưởng niệm. Cũng may, người xe ôm tốt bụng cho biết nhà Tướng Giáp chưa tiếp nhân dân nên ông ta giới thiệu bác đến nhà trọ của một người quen.

Bác Huynh kể lại: “Cả đêm 5.10, tôi không sao ngủ được, nghĩ đến việc Đại tướng đã ra đi mà lòng tôi nghẹn lại, cảm giác như một đi một người cha, một người anh vậy. Cả đêm chỉ mong sao trời nhanh sáng, được đến nhà Đại tướng thắp nén hương tưởng niệm”.

Cạnh đó, một bà cụ đi bên đứa cháu gái khoảng 16, 17 tuổi đến trước anh cảnh vệ hỏi vài câu rồi lại lẳng lặng trở ra, ngồi bần thần trên vỉa hè đối diện cổng nhà Đại tướng.

Khi được hỏi chuyện, bà cụ chỉ nhìn cười cười và không nói gì, đứa cháu gái bên cạnh lúc ấy mới lên tiếng: “Cô ơi, bà cháu cả đời không ra khỏi bản, không biết tiếng Kinh đâu chỉ biết tiếng Thái thôi. Hôm trước, sau khi nghe cháu thông báo Đại tướng đã từ trần bà cương quyết muốn được xuống Hà Nội, vào nhà Đại tướng. Ban đầu, bố mẹ cháu không đồng tình vì đường sá xa xôi quá, bà tuổi đã cao nhưng bà nói từ giờ đến chết không ước mong điều gì hơn, chỉ mong được xuống với Đại tướng trước khi về với tiên tổ. Cuối cùng, bố mẹ cử cháu cùng bà xuống Hà Nội”.

“Nhà cháu không có anh em họ hàng ở dưới này, cháu cũng không biết thuê nhà trọ ra sao nên cả đêm qua, hai bà cháu quanh quẩn khu vực này, chờ tới sáng nay xếp hàng để được vào nhà Đại tướng. Ngay sau khi thắp nén hương tưởng niệm Đại tướng, cháu lại cùng bà trở về Điện Biên”, cô cháu gái nói thêm.

Hòa trong dòng người xếp hàng chờ vào viếng có hàng trăm em nhỏ được người thân đưa đến. Có những em đang bế ẵm cũng được bố mẹ cho đến đây. Ôm đứa con đứng nép vào một góc, anh Hoàng Văn Hà chia sẻ: “Hy vọng, sau này lớn lên, khi nghe tôi kể lại chuyện được cúi đầu tưởng nhớ Đại tướng cháu sẽ lấy đó làm vinh dự, biết học những điều tốt đẹp và phấn đấu thành người tài, hết lòng vì sự nghiệp của đất nước theo gương Đại tướng”.

Vân Nga (Vân Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem