4 "độc chiêu" giữ đàn heo giống, đàn gia cầm an toàn dịch bệnh, xuất khẩu thành công sang Nhật Bản
4 "độc chiêu" giữ đàn heo giống, gia cầm an toàn dịch bệnh, xuất khẩu thành công sang Nhật Bản
Thiên Hương
Thứ tư, ngày 02/08/2023 06:15 AM (GMT+7)
Thế mạnh của chăn nuôi Việt Nam là có thể xuất khẩu các sản phẩm chế biến, ví dụ ức gà trắng chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới. Điều cần làm hiện nay là xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để làm nền tảng cho xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH De Heus Việt Nam cho biết như vậy tại buổi Tọa đàm trực tuyến Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi, do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức mới đây.
4 "độc chiêu" giữ đàn heo giống, đàn gia cầm an toàn dịch bệnh
Chia sẻ về các giải pháp quan trọng để bảo vệ đàn heo, đàn gia cầm trước dịch bệnh cũng như kinh nghiệm xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi gà khép kín, hướng tới xuất khẩu, ông Nguyễn Quang Hiếu cho hay: Là doanh nghiệp đến từ Hà Lan, chúng tôi đầu tư vào thị trường Việt Nam từ cuối năm 2008 đầu năm 2009. Cơ hội đầu tư trong chăn nuôi ở Việt Nam rất lớn nhưng còn nhiều thách thức, trong đó có 2 rủi ro lớn là giá cả và dịch bệnh.
Giá cả biến động theo thị trường liên tục, chúng ta không can thiệp được. Còn rủi ro dịch bệnh chủ yếu đến từ khâu chăm sóc quản lý là chính, chúng ta kiểm soát được nhưng nếu xảy ra dịch bệnh thì việc khôi phục sản xuất là rất khó khăn, thiệt hại do mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi lại rất lớn.
"Do đó, chúng tôi đã xác định từ đầu là phải chú trọng kiểm soát dịch bệnh, coi đây là yếu tố trọng yếu trong đầu tư chăn nuôi của mình. Đầu tiên là kiểm soát dịch bệnh cho đàn giống, chúng tôi lựa chọn vị trí đầu tư đảm bảo các yếu tố an toàn sinh học cho các trại giống. Hai là quy hoạch các tổ hợp chăn nuôi khoa học, nhằm giảm thiểu lây nhiễm bệnh tật từ nhóm vật nuôi này sang nhóm vật nuôi khác" - ông Hiếu nói.
Thứ ba, De Heus áp dụng công nghệ hiện đại để giảm rủi ro, như áp dụng tự động hóa, dùng silo trong bảo quản thức ăn, giảm bao bì ni lông, vận chuyển từ đó giảm rủi ro lây bệnh, giảm rủi ro từ loài sinh vật gặm nhấm… Thứ tư là xây dựng quy trình an toàn sinh học trong trại giống. Để làm được việc này, Cục Thú y và các địa phương, các cơ quan chuyên môn đều hợp tác tư vấn cho doanh nghiệp để xây dựng được quy trình an toàn.
"Nhờ đó, De Heus đảm bảo có con giống sạch bệnh cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thực hiện hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh cho các khách hàng, bà con nông dân. Trên thị trường De Heus đang có rất nhiều khách hàng nuôi gà trắng, gà thả vườn, bò sữa, bò thịt, vịt đẻ, heo nái, heo thịt... và đều có đội ngũ kỹ thuật giúp hỗ trợ đảm bảo dịch bệnh an toàn.
Bà con nào có chuồng trại mới là có đội ngũ tư vấn quy hoạch chuồng trại khoa học và có đội ngũ kỹ thuật chuyên môn của chúng tôi đến tận nơi tư vấn cho bà con tối ưu nhất các quy trình chăn nuôi. Đó cũng là những việc mà chúng tôi đang triển khai tốt khi đầu tư chăn nuôi tại Việt Nam" - ông Hiếu chia sẻ.
Đại diện doanh nghiệp đến từ Hà Lan cho biết thêm, mặc dù là quốc gia nhỏ bé với diện tích khoảng hơn 40.000km2, dân số có 17,5 triệu dân (tương đương với khu vực ĐBSCL ở Việt Nam) và chỉ có khoảng 1% dân số làm nông nghiệp, nhưng diện tích đất dành cho nông nghiệp của Hà Lan chiếm 70%.
Từ nhiều năm nay, Hà Lan là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ - quốc gia có diện tích gấp 270 lần Hà Lan. Năm 2022, doanh thu xuất khẩu nông sản của Hà Lan là hơn 120 tỷ USD. Để có được những con số ấn tượng này, đất nước Hà Lan đã trải qua nhiều thăng trầm và Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển. Đặc biệt, người nông dân Hà Lan, các hiệp hội ở Hà Lan liên kết tập hợp với nhau rất mạnh mẽ và họ có tiếng nói.
Đối với Việt Nam, ngành chăn nuôi mới thực sự phát triển mạnh trong khoảng 10 năm gần đây. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội rất lớn trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam. Trước đây, phổ biến là quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, giá thành cao, song hiện nay chúng ta đã dần hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, đơn cử như vùng chăn nuôi gà trắng tập trung ở vùng Đông Nam bộ có quy mô lớn, giảm giá thành sản xuất. Chúng ta còn có thế mạnh về nhân công, rẻ hơn các quốc gia khác.
"Với sản phẩm chăn nuôi, chúng ta có thế mạnh về xuất khẩu ức gà trắng. Điều chúng ta cần làm hiện nay là xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để làm nền tảng cho xuất khẩu. Cùng với sự đầu tư cơ sở chế biến giết mổ bài bản, hiện đại, sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp, tự tin rằng trong tương lai gần sẽ có nhiều điểm sáng về xuất khẩu" - ông Hiếu phân tích.
De Heus cam kết cùng ngành chức năng, địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Từ năm 2017, Tập đoàn De Heus đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất, xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Năm 2018 – 2019, De Heus tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các đối tác doanh nghiệp, các chủ trang trại xây dựng chuỗi chăn nuôi.
Mới đây, De Heus phối hợp Cục Thú y Bộ NNPTNT và 7 tỉnh Đông Nam Bộ ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu giai đoạn 2023 – 2028. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong ngành công nghiệp chăn nuôi gà tại khu vực các tỉnh phía Nam. Thỏa thuận này hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho ngành chăn nuôi gà, góp phần nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm gà Việt trên thị trường quốc tế.
Đại diện De Heus cho biết, việc xây dựng vùng đệm xung quanh đạt an toàn dịch bệnh là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm các loại mầm bệnh từ bên ngoài vào bên trong chuỗi sản xuất của Công ty TNHH De Heus.
Công ty cam kết cùng phối hợp với người dân, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tổ chức tốt việc phòng, chống các loại dịch bệnh tại vùng đệm với các hoạt động như: Đào tạo, tập huấn về chuyên môn chăn nuôi, quản lý dịch bệnh; thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ tiêm phòng, lấy mẫu giám sát chứng minh cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Đối với vùng đệm 10km xung quanh cơ sở nuôi gà thương phẩm trong chuỗi liên kết của Công ty TNHH De Heus tại 7 tỉnh, từ nay đến năm 2024, doanh nghiệp sẽ tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn cho ít nhất 50% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gà trong vùng đệm. Thực hiện giám sát định kỳ để xác định được mức độ lưu hành các loại mầm bệnh theo quy định tại Thông tư số 24; Xây dựng các huyện được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh...
Đối với xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà an toàn thực phẩm của Công ty TNHH De Heus, lộ trình đến tháng 6/2026 sẽ hoàn thiện hồ sơ chương trình giám sát tồn dư chất độc hại và hồ sơ đề nghị xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến, trứng gà sang một số thị trường (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Trung Đông, EU,...).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.