Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) TP.Hồ Chí Minh sáng 28/11 đã diễn ra tọa đàm “Cách làm hay tham gia xây dựng NTM”.
Tham gia tọa đàm, về phía khách mời có các điển hình nông dân sản xuất giỏi, những nông dân hiến đất làm đường và đê bao, các hợp tác xã làm ăn hiệu quả, đại diện lãnh đạo địa phương có thành tựu tốt trong xây dựng NTM.
Các điển hình trong phong trào xây dựng NTM giao lưu cùng khán giả.
Qua câu chuyện của những vị khách mời, tham gia buổi giao lưu, tọa đàm, các đại biểu hiểu rõ hơn về quá trình thay da, đổi thịt của các huyện vùng ven cách xa trung tâm như Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ...
Đó là câu chuyện về một huyện Nhà Bè ở phía Nam thành phố, cách đây 10 năm là vùng lầy lội, trũng thấp. NTM về đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong đó, theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lưu, ấn tượng nhất đó là 100% các hộ đã được kéo đường nước sạch.
Về kết nối hạ tầng, có trên 1.000 tuyến đường, tuyến hẻm được bê tông hóa, nhựa hóa kết nối giao thông giữa các xã, giữa huyện với trung tâm thành phố.
Các huyện vùng ven TP.HCM đã và đang từng bước đi lên. Ảnh: Vietnamnews
Theo ông Lưu, do điểm xuất phát thấp nên giai đoạn đầu huyện gặp khó trong hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia NTM. Nhưng trong quá trình làm, người dân đã dần đồng tình, nhiều ấp có người hiến đất mở đường. Làm được điều đó bởi Nhà Bè luôn để người dân phát huy vai trò chủ thể của mình, là đối tượng tham gia và cũng là đối tượng thụ hưởng.
"NTM giống như một chiếc "đũa thần" đánh thức mình dậy, phát triển từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và cả cộng đồng tham gia. Nếu không có chương trình NTM, bộ mặt của huyện Nhà Bè không được như ngày hôm nay” - ông Lưu khẳng định.
Câu chuyện về xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh của Chủ tịch UBND xã Trương Thái Ngọc cũng rất đáng suy nghĩ. Anh Ngọc chia sẻ, trước đây cứ mỗi mùa lũ từ miền Tây về là dân lo ngay ngáy vì nước trắng đồng trắng ruộng, trắng cả đường đi ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, sản xuất. Làm NTM, nhà nước và dân cùng góp công góp sức xây dựng đê bao nên đến mùa lũ dân vẫn yên tâm “gác chân mà ngủ”.
Một chuyện thật như đùa khác đó là ngay tại TP.HCM mà cách đây đúng 3 năm (2016) lần đầu tiên người dân xã Bình Lợi mới được thấy xe ô tô chạy qua. Có những điều ấy nhờ sự lột xác ngoạn mục sau quá trình tổ chức lại sản xuất, từ cây mía vùng phèn mặn chuyển thành vùng chuyên canh mai vàng hơn 420 ha, có cả 1 khu vực chuyên canh cá cảnh hơn 45 ha.
Mô hình trồng rau thủy canh tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Ảnh: Quốc Thanh
Theo anh Ngọc, quá trình 10 năm qua người dân xã Bình Lợi có cuộc cuộc sống ổn định, khấm khá hơn, từ đó người dân cũng có thêm niềm tin vào các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với chương trình NTM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.