“4 nhà” hợp tác làm cánh đồng mẫu lớn

Thứ hai, ngày 09/06/2014 07:11 AM (GMT+7)
Giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, đầu ra ổn định giúp nâng cao thu nhập người dân… Đó là những hiệu quả từ mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất lúa ở Vĩnh Phúc để hình thành những cánh đồng mẫu lớn (CĐML).
Bình luận 0

“Kéo” nông dân về với đồng ruộng

Ông Vũ Khắc Minh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư (KNKN) Vĩnh Phúc cho biết, vụ xuân năm 2014, tỉnh đã phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng T.Ư và các doanh nghiệp triển khai sản xuất 60ha lúa giống tại xã Hợp Thịnh (Tam Dương) và 20ha tại xã Tề Lỗ (Yên Lạc) với giống Khang dân và Thiên ưu 8. Theo đó, trung tâm sẽ hỗ trợ kỹ thuật, Công ty Giống sẽ cung cấp giống và bao tiêu toàn bộ đầu ra, còn Công ty TNHH Mạnh Kiên đảm nhiệm từ khâu làm đất, cấy, đến khi thu hoạch.

img
Liên kết “4 nhà”, áp dụng KHKT vào sản xuất đang giúp người trồng lúa có lãi. Việt Tùng

 

Xã Tề Lỗ là nơi nổi tiếng với nghề “mổ xe”. Nhiều năm qua nghề này đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nhiều gia đình trở nên giàu có. Nhưng có lẽ vì vậy mà nhiều hộ đã bỏ ruộng hoang khiến lãnh đạo xã rất trăn trở. Ông Bùi Đức Hoan – Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ cho biết, xã có hàng trăm hộ làm nghề “mổ xe” cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến người dân bỏ ruộng là do cấy lúa không có lãi, thậm chí lỗ, chứ không phải bỏ ruộng để làm nghề. “Nhà giàu cũng bỏ, nghèo cũng bỏ, nhà không làm nghề “mổ xe” cũng bỏ, vì làm 1 sào ruộng 4 – 5 tháng trời mà không bằng 2 ngày làm thuê thì ai còn thiết tha làm nữa” – ông Hoan lý giải.

Ông Hoan cho biết thêm, việc đồng ruộng manh mún, sản xuất lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém và đầu ra bấp bênh cũng là nguyên nhân khiến người dân bỏ ruộng. Đang lúc bí giải pháp, ông Hoan bỗng nhận được văn bản của Trung tâm KNKN tỉnh đề nghị triển khai mô hình CĐML liên kết “4 nhà” để sản xuất lúa giống. Thấy chính sách hay, chẳng khác nào “nắng hạn gặp mưa rào”, xã đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa (DĐĐT) 20ha, rút từ 3 – 4 thửa/hộ xuống còn 1 thửa/hộ và đắp một con đường dài 900m, rộng 5m chạy giữa đồng để thửa nào cũng gần đường, gần mương.

Bà Nguyễn Thị Ngư (thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ) phấn khởi cho hay: “Giống thì được Công ty CP Giống cây trồng T.Ư cấp, kỹ thuật thì có cán bộ Trung tâm KNKN tỉnh hướng dẫn, phân bón thì được Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao cung ứng, còn khâu làm đất, cấy, thu hoạch thì Công ty TNHH Mạnh Kiên đảm nhận. Chúng tôi chỉ việc bón phân, chăm sóc rồi chờ thu hoạch. Đây mới là vụ đầu, nhưng năng suất đạt khoảng 2,5 – 2,8 tạ/ha, cao hơn khoảng 40 – 60kg/sào so với trước, đặc biệt là giảm được 20 – 25% chi phí cày bừa, cấy, gặt so với trước”.

Tương tự, tại xã Hợp Thịnh, mô hình đang được nhiều người dân nhiệt tình hưởng ứng. Trên cánh đồng phẳng lì, vàng óng như một tấm thảm, bà Hà Thị Khoa ở thôn Lê Lợi vui vẻ cho hay: “Gia đình tôi cấy 4 sào Thiên ưu 8, năng suất khoảng 260kg/sào (cao hơn 40kg/sào so với trước). Điều quan trọng nhất là lúa sau khi thu hoạch được Công ty CP Giống cây trồng T.Ư thu mua toàn bộ với giá cao gấp 1,3 lần giá thị trường”.

Tiếp tục nhân rộng

Đánh giá về mô hình, ông Minh cho rằng đây là “mô hình kiểu mẫu”, có thể nhân rộng ra nhiều nơi. Bởi theo ông Minh, nguyên nhân chính người trồng lúa lỗ, chưa có lãi, hoặc lãi ít là vì ruộng manh mún, chi phí cho sản xuất và phân bón cao, đặc biệt là đầu ra không ổn định. “Mô hình liên kết theo chuỗi giữa “4 nhà” trong sản xuất lúa giống đang rất hiệu quả và hoàn toàn có thể áp dụng cho sản xuất lúa thịt. Một khi các chi phí giảm xuống, chất lượng, giá thành tăng, người dân có lãi thì mô hình sẽ tồn tại” – ông Minh chia sẻ.


TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay: “Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông quốc gia dự kiến triển khai mô hình tại 15 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung và ĐBSCL, với diện tích 1.050ha. Bước đầu mô hình đã đạt kết quả khả quan ở Vĩnh Phúc, Nghệ An… điều đó cho thấy, mối liên kết giữa “4 nhà” trong xây dựng CĐML rất quan trọng, là yếu tố đảm bảo sự thành công. Muốn làm được điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải “bám” đồng ruộng, hướng dẫn kỹ thuật, thay đổi lối sản xuất cho bà con, khi thấy hiệu quả chắc chắn người dân sẽ hưởng ứng”.
Về vấn đề nay, ông Đỗ Văn Khải – Trưởng phòng NNPTNT huyện Yên Lạc cho biết, trong vụ tới huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các xã khác. “Song để mô hình hiệu quả trước tiên các địa phương phải hoàn thành khâu DĐĐT. Có ruộng liền thửa thì mới có cánh đồng mẫu lớn. Chỉ có áp dụng KHKT, cơ giới hóa vào sản xuất thì người trồng lúa mới có lãi” – ông Khải nói.

 

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch mở rộng mô hình, ông Hoan cho biết, xã đã có kế hoạch mở rộng khoảng 50ha trong vụ tới. “Hiệu quả của mô hình đã nhìn thấy, những người chưa làm mô hình cũng rất hào hứng. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng tôi hoàn thành DĐĐT và mở rộng mô hình. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng hiệu quả và giữ được mô hình, địa phương rất cần sự hỗ trợ của huyện, tỉnh, trung ương và các doanh nghiệp” – ông Hoan bày tỏ.
Việt Tùng (Việt Tùng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem