Khi Lưu Bị mời Gia Cát Lượng xuống núi, Khổng Minh mới chỉ là một thanh niên ngoài ba mươi tuổi, trong khi lúc này Lưu Bị đã gần năm mươi tuổi. Lưu Bị tin tưởng tuyệt đối vào Gia Cát Lượng, cho ông toàn quyền quyết định mọi việc.
Tuy nhiên, trong thời kỳ này, trong số rất nhiều tướng lĩnh dưới trướng của Lưu Bị, những người Gia Cát Lượng thực sự có thể trông cậy vào không nhiều, kể cả là "Ngũ hổ tướng" thì vẫn những có khuyết điểm, chẳng hạn như Quan Vũ kiêu ngạo, Trương Phi nóng tính, Hoàng Trung lớn tuổi,… khiến Gia Cát Lượng không thể nào yên tâm được. Vậy những vị tướng mà Gia Cát Lượng tin tưởng nhất trong Thục Hán là ai?
Hướng Sủng
Hướng Sủng tính cách khiêm tốn, phẩm hạnh tốt đẹp, hành xử công bằng, am hiểu việc binh, ban đầu giữ chức nha môn tướng. Năm 222, Hướng Sủng theo Tiên Chủ Lưu Bị phạt Ngô. Năm 223, quân Hán thua trận, các doanh tan tác, chỉ riêng quân do Sủng chỉ huy là rút lui an toàn, lực lượng giữ được nguyên vẹn, không gặp tổn thất gì. Tiên Chủ biết chuyện, khen ngợi Hướng Sủng có năng lực, tài cán.
Năm 223, Hậu Chủ Lưu Thiện đăng cơ, phong Sủng tước Đô đình hầu, thăng lên chức Trung bộ đốc, quản lý quân túc vệ trong cung.
Năm 227, thừa tướng Gia Cát Lượng xuất quân đến Hán Trung, chuẩn bị bắc phạt. Trước khi đi, Gia Cát Lượng dâng Xuất sư biểu trần thuật tâm sự, trong đó có đoạn tiến cử Hướng Sủng: "Tướng quân Hướng Sủng, tính tình đức hạnh, hiểu rõ việc quân, được mài giũa qua việc ngày trước, Tiên đế khen là có năng lực, mọi người tiến cử Sủng làm đốc. Thần cho rằng việc trong quân doanh, nên cùng hắn bàn bạc, nhất định khiến quân đội hòa thuận, phối trí thích đáng."
Nhờ đó, Sủng được thăng chức Trung lĩnh quân, chủ trì cấm quân, tuyển chọn, giám sát các tướng lĩnh.
Vương Bình
Vương Bình lần lượt phục vụ 2 thế lực Tào Ngụy và Thục Hán. Từ khi phục vụ nhà Thục Hán, ông là một viên tướng tâm phúc, lập nhiều công lao cho nhà Thục Hán.
Năm 228, ở trận Nhai Đình, Mã Tốc và Vương Bình chiến đấu với tướng Ngụy là Trương Cáp. Mã Tốc bỏ đường sông, trấn giữ trên núi. Vương Bình nhiều lần phản đối, nhưng Mã Tốc không nghe. Ông đành xin 1000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi. Trương Cáp mang quân vây trại của Mã Tốc trên núi, rồi cắt đứt đường nước. Quân Thục thiếu nước, hoảng loạn. Trương Cáp dồn sức tấn công phá tan Mã Tốc. Cánh quân Mã Tốc bỏ chạy tán loạn, chỉ còn 1000 người ngựa của Vương Bình vẫn giữ vững được doanh trại. Sau trận, Vương Bình được ban thưởng, thăng làm Tham quân, thống lĩnh 5 quân kiêm chức Đương doanh sự, Thảo khấu tướng quân và sắc phong Đình hầu. Đây là sự thăng tiến đặc biệt, tuy nhiên mọi người đều cho là xứng đáng.
Đến đầu năm 244, vua Ngụy là Tào Phương lệnh cho Tào Sảng mang 10 vạn quân đánh Thục. Thục lo lắng, bàn nên về cố thủ ở 2 Hán Thành và Lạc Thành và điều quân từ Bồi Thành tới giải vây. Vương Bình phản đối, cho rằng nếu về cố thủ để quân Ngụy chiếm mất cửa ải thì Hán Trung rất nguy, phải trấn giữ Hưng Thế chặn ngay lối vào của địch, rồi chờ viện binh. Mọi người nghe ý kiến của ông còn ngờ vực. Riêng Hộ quân Lưu Mẫn tán thành, mang quân trấn thủ Hưng Thế, treo nhiều cờ quạt, Vương Bình mang quân tiếp ứng. Tào Sảng tiến đến Hưng Thế bị quân Thục ngăn cản không sao đánh được. Cùng lúc, tại Đê Giang và Quan Trung xảy ra bệnh dịch, quân Ngụy không đủ lương thảo cung ứng, trâu bò dê ngựa bị chết hàng loạt, phải ngay lập tức rút quân.
Trần Đáo
Trần Đáo đi theo Lưu Bị từ khi ông ta còn ở Dự Châu, có tiếng là một viên mãnh tướng, thống lãnh đội quân thân vệ gọi là Bạch Nhị, sánh ngang với Hổ báo kỵ của Tào Tháo lúc bấy giờ.
Trên thực tế, trong "Tam Quốc diễn nghĩa", nhân vật Triệu Vân đã được "tổng hợp" cả vai trò, chiến tích và công trạng của cả nhân vật Trần Đáo và Triệu Vân trong lịch sử, do đó Trần Đáo không xuất hiện nhiều. Hình ảnh Trần Đáo chỉ huy quân hộ vệ cưỡi ngựa trắng của Lưu Bị được chuyển qua cho Triệu Vân, từ đó có thể thấy Trần Đáo sở hữu bản lĩnh không hề tầm thường chút nào.
Theo sử sách, năm 223, Trần Đáo làm đến Vĩnh An đô đốc, Chinh Tây tướng quân, được phong Đình hầu, dưới quyền Lý Nghiêm. Năm 226, Lý Nghiêm dời đi Giang Châu, lưu Đáo ở lại Vĩnh An, vẫn ở dưới quyền của ông ta.
Khương Duy
Khương Duy được coi là học trò, người kế thừa trung thành di nguyện "Bắc phạt trung nguyên, khôi phục Hán triều" của thừa tướng Gia Cát Lượng.
Ban đầu ông phục vụ Tào Ngụy với vai trò tùy tướng, nhưng sau đó đi theo Gia Cát Lượng về Thục Hán, để lại mẹ bên Ngụy. Tiếp theo, Khương Duy đã theo Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt tấn công nước Ngụy nhiều lần. Dưới quyền Gia Cát Lượng, Khương Duy được coi trọng và thăng tiến nhanh chóng.
Sau khi Gia Cát Lượng chết, Khương Duy trở thành phụ tá cho thừa tướng Phí Vĩ. Năm 253, sau khi Phí Vĩ chết, Khương Duy kế chức tuy nhiên không giữ nhiều quyền như Phí Vĩ, vì ông chỉ tập trung vào quyền lực quân sự. Năm 263, nhà Thục Hán sụp đổ, Khương Duy vẫn giữ lòng trung thành, ông lập kế nhằm khôi phục Thục Hán nhưng thất bại, cuối cùng đã tử trận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.