400 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi được phê duyệt

A.Vũ Thứ bảy, ngày 14/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Qua 5 năm thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi, toàn quốc có 400 dự án được phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Các tỉnh đã xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển giao 2.126 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền...
Bình luận 0

Ngày 13/11, tại thành phố Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện "Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (Chương trình Nông thôn miền núi), định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, mục tiêu của Chương trình nhằm ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển của nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số, phát huy khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống và lịch sử. 

400 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi được phê duyệt - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị

Những giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nhanh chóng chuyển giao tiếp nhận và làm chủ các quy trình kỹ thuật tiến bộ, các công nghệ thiết bị hiện đại vào sản xuất, giúp cho doanh nghiệp, nhà sản xuất và người dân không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Qua 5 năm thực hiện chương trình, toàn quốc có 400 dự án được phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Các tỉnh đã xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển giao 2.126 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vượt kế hoạch đề ra.

Hầu hết các dự án ứng dụng khoa học và công nghệ đều mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt cho đơn vị chủ trì, đồng thời mang lại hiệu quả xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn miền núi, từng bước góp phần bảo vệ môi trường.

Tại Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh triển khai 11 dự án khoa học công nghệ với tổng kinh phí hơn 114 tỷ đồng. Thông qua Chương trình, đã chuyển giao 18 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo trên 90 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 2.300 lượt người dân; giải quyết được tình trạng lao động dôi dư, nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân.

Các dự án thuộc Chương trình đã giúp các địa phương trong tỉnh tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ như: Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; dự án Ứng dụng KH&CN nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa, gạo chất lượng cao tại tỉnh Bắc Giang…

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các tỉnh, một số tổ chức chủ trì thực hiện dự án, tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm những thành quả, thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, tập trung thảo luận một số vấn đề về rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thời gian qua. 

Cụ thể như việc hướng dẫn các tổ chức tham gia Chương trình thực hiện các dự án trên các lĩnh vực khác nhau như công nghệ chế biến sâu; công nghệ sau thu hoạch; mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ gắn với phát triển du lịch sinh thái…

Tại hội nghĩ, một số tồn tại cũng được nêu ra để khắc phục, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thời gian qua. Đó là việc hướng dẫn các tổ chức tham gia Chương trình thực hiện các dự án trên các lĩnh vực khác nhau như công nghệ chế biến sâu, công nghệ sau thu hoạch, mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ gắn với phát triển du lịch sinh thái… vẫn còn hạn chế. 

Do vậy, thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp hơn trong việc tổ chức lựa chọn dự án, lựa chọn công nghệ cho các lĩnh vực phù hợp hơn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đề nghị, trong giai đoạn tới, Chương trình cần bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án; huy động tối đa các nguồn lực đối ứng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để triển khai thành công Chương trình.

Đồng thời, phải có kế hoạch nhân rộng, mở rộng quy mô sản xuất của các dự án sau khi kết thúc, tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa của địa phương, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem