48,5 phút và 1 ngày

Huyền Thanh Thứ ba, ngày 10/03/2015 07:17 AM (GMT+7)
Đầu năm 2015, Bộ Y tế công bố một con số không mấy người chú ý (so với con số 6.200 người nhập viện do đánh nhau!), đó là quy trình khám bệnh đã giảm được 48,5 phút so với trước!
Bình luận 0
Con số này có được là nhờ thay đổi quy trình khám chữa bệnh, giảm các bước khám bệnh từ 12 - 14 bước trước đây xuống còn 4-6-7 hay 8 bước (tùy theo tính chất của bệnh). Theo Bộ Y tế, thời gian khám lâu nhất là tại tuyến trung ương: 53,7 phút, tuyến huyện là 40,1 phút, tuyến tỉnh là 46 phút. Thời gian này tính từ khi người bệnh bắt đầu làm thủ tục đăng ký đến khám bệnh, làm kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn và nhận thuốc
img
 Bệnh nhân xếp hàng chờ làm thủ tục khám bệnh

 

Nói tới con số này, nhiều bệnh nhân... giãy nảy bởi họ chưa được “hưởng” cái hạnh phúc khám bệnh tuyến T.Ư chỉ mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Thực tế, vẫn còn nhiều bệnh nhân khổ sở vì phải mất tới 3-4 giờ chờ đợi để được bác sĩ “ngó qua” vài ba phút trước khi chạy và chờ chiếu chụp, xét nghiệm trong quy trình có thể kéo dài cả ngày, hoặc 2-3 ngày; vẫn còn nhiều bệnh nhân loay hoay hàng giờ để biết 4-6-7 hay 8 bước khám chữa bệnh của ngành y tế là những bước nào; vẫn còn nhiều bệnh nhân không dám dùng bảo hiểm y tế vì ngại các tiêu cực trong chuyển tuyến, chậm trễ trong khám bệnh (chưa tính tới điều trị).

Và không ít người- từ việc rỉ tai nhau- đã lăm le kẹp sẵn cái… phong bì để sẵn sàng đạp đổ việc xếp hàng, “cầu” cho cái sự nhanh chóng đến với mình.

Nhìn từ phía nhân viên y tế, một bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư, trong cả buổi sáng quần quật khám bệnh cho hơn 50 bệnh nhân đã giải trí bằng cách… chụp ảnh hàng dài bệnh nhân đang xếp hàng kéo ra tới tận sân bệnh viện để lắc đầu ngán ngẩm.

Ghi nhận sự nỗ lực của Bộ Y tế nhưng cũng không thể không đồng cảm với nỗi lòng của nhiều bệnh nhân mất vài tiếng tới cả ngày trời để khám bệnh. Câu hỏi vì sao mà với nhiều bệnh nhân, giữa con số thống kê và thực tế cách xa nhau đến thế thì có khá nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính thường là sự “không hiểu nhau” giữa 2 bên và vượt tuyến dẫn tới quá tải.

Giải quyết vấn đề vượt tuyến là bài toán nan giải mà ngành y tế vẫn chưa thể giải được, trong khi vấn đề “không hiểu nhau” có thể giải quyết nhanh chóng bằng sự minh bạch về thông tin và quy trình khám chữa bệnh. Từ phía bệnh nhân, cũng nên là “bệnh nhân có hiểu biết” bằng cách tự trang bị cho mình các thông tin về quy trình khám chữa bệnh cũng như cần lên tiếng khi thấy không phù hợp.

Ngành y tế đã tính, tính chung số lượt khám ngoại trú trên cả nước trong năm 2014 là khoảng 140 triệu lượt thì việc giảm 48,5 phút khám bệnh đã giúp tiết kiệm tương ứng với 13,6 triệu ngày công lao động. Nếu tính cả công của người đưa bệnh nhân đi khám, thì số ngày công có thể tăng gấp đôi! Tuy nhiên, số “ngày công” tính được này cần được chia đều cho bệnh nhân một cách công bằng, nếu không, việc giảm thời gian chỉ có ý nghĩa trên giấy từ những thống kê rất đẹp của các bệnh viện mà chưa có bên thứ 3 nào giám sát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem