Khi nhắc đến đạo diễn Trần Anh Hùng, người yêu điện ảnh sẽ nhớ
ngay đến những tác phẩm chủ đề Việt Nam với phong cách làm phim
đương đại.
Vị đạo diễn 54 tuổi cũng được nhắc đến với tư cách chủ nhân của
nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín thế giới như giải Sư tử vàng, Máy
quay vàng của LHP Venice, Giải César, đề cử
Oscar...
Trong sự nghiệp trải dài hơn hai thập kỷ của mình, đạo diễn Trần
Anh Hùng mới chỉ thực hiện 5 phim điện ảnh nhưng các tác phẩm của
vị đạo diễn này đều nhận được đánh giá cao từ các đồng nghiệp quốc
tế lẫn báo chí thế giới.
Vĩnh cửu/Eternity (2016)
Tác phẩm mới nhất và gây tranh cãi của Trần Anh Hùng sau 6 năm
kể từ Rừng Na- Uy. Đây là bộ phim mang đậm chất Pháp và là
phim nói tiếng Pháp đầu tiên của đạo diễn gốc Việt. Dự án phim đã
được khởi động từ đầu năm 2014 và nhanh chóng thu hút sự quan tâm
của các chuyên trang điện ảnh.
Phim vắt qua hai thế kỷ, kể về gia đình của một dòng họ
giàu có ở Pháp với những đứa trẻ lần lượt ra đời. Theo đó, cuộc
sống gia đình được ghi lại bằng những bức ảnh xinh xắn và những bản
nhạc cổ điển hòa cùng với mạch phim.
Bộ phim không có bất cứ tình huống kịch tính nào ngoại trừ những
lúc một sinh linh ra đời hay một cuộc đời ngừng lại. Tuy vậy
Vĩnh cửu vẫn khá kén người xem bởi đây là một phim nghệ
thuật và do đó không được công chiếu rộng rãi.
Hollywood Reporter nhận xét Eternity là một
“tác phẩm điện ảnh cổ điển, trang nhã, mà không cần phải có một
nội dung nào cụ thể”.
Tạp chí này còn so sánh Vĩnh cửu với phim The Tree of
Life của đạo diễn người Mỹ Terence Malick, một bộ phim cũng sử
dụng nhiều nhạc nền, có giọng thuyết minh dẫn chuyện và cách dựng
phim phi tuyến tính thời gian để tạo nên một ấn tượng điện ảnh hơn
là một chuyện phim thực sự.
Trong 100 dự án phim từng được chờ đợi nhất trong năm 2015 theo
bình chọn của chuyên trang điện ảnh Ion Cinema (Mỹ),
Eternity xuất hiện ở vị trí thứ 42.
Mùi đu đủ xanh/L'Odeur de la papaye verte
(1993)
Đây là bộ phim dài đầu tay đầu tiên mà anh từng thực hiện
sau hai bộ phim ngắn đầu tay là Người chinh phụ Nam
Xương (1989) và Hòn vọng phu (1991).
Phim giúp Trần Anh Hùng đã được trao giải Caméra d'Or
(Máy quay vàng) cho Quay phim xuất sắc tại LHP
Cannes 1993 và Giải César cho Phim đầu tay xuất
sắc của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ thuật Điện ảnh
Pháp.
Ngoài ra phim còn nhận đề cử cho giải Oscar cho
Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại
Oscar 66, trở thành bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên
nhận đề cử Oscar danh giá. Năm 2015, phim lọt vào
danh sách "100 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại" tại
LHP Busan và đứng ở vị trí thứ 66.
Sau phim công chiếu và nhận được rất nhiều lời khen ngợi về
phong cách thực hiện cũng như những cảnh quay rất đẹp về Việt
Nam.
Nhà phê bình Hal Hinson từ nhật báo The Washington Post
ca ngợi: "Trong Mùi đu đủ xanh, sự tế nhị và khúc bi thương của
nhà làm phim người Việt Nam Trần Anh Hùng là dành cho đất nước của
anh, thời gian được đếm không phải theo phút hay giờ mà là trong
những tiêu chuẩn con người - nhịp tim và những lời khẩn cầu bị bóp
nghẹt."
Tương tự Hal, cây viết Janet Maslin của tờ The New York
Times dành những lời khen ngợi cho phim: "Mùi đu đủ xanh
là một bộ phim đẹp thanh bình của Trần Anh Hùng về đất nước Việt
Nam đã mất, một nơi có trật tự yên bình khi chưa bị chiến tranh tàn
phá... Phim đánh dấu sự xuất hiện của sự hoa mỹ, cái nhìn say đắm
của đạo diễn Hùng; phim của anh thường rất yên lặng đầy tính liên
tưởng và chỉ cần lời đối thoại là vừa đủ”.
Nhà phê bình Roger Ebert từng đoạt giải Pulitzer chấm
phim 5/5 sao, ông coi đây là "một bộ phim đầy sự điềm tĩnh và
chan chứa ngọt ngào, xem nó giống như đang nghe nhạc êm dịu
vậy... Đây là một bộ phim điềm tĩnh, nội tâm, trầm lặng -
không có tình tiết chèo lái nhưng tập trung vào sự phát triển của
cô gái trẻ”.
Thống kê từ trang phê bình điện ảnh Rotten Tomatoes chấm phim
với điểm số cao 82%. Phim cũng được hội những người yêu phim chấm
7,4/10 điểm tại trang dữ liệu phim của IMDb.
Xích lô/Cyclo (1995)
Thành công của Mùi đu đủ xanh đã giúp Trần Anh Hùng có
kinh phí để thực hiện bộ phim lớn Xích lô. Phim nói về
cuộc sống khó khăn của những người dân nghèo ở TP.HCM, với sự tham
gia của tài tử Hong Kong Lương Triều Vỹ và hai diễn viên từng xuất
hiện trong Mùi đu đủ xanh là nghệ sĩ Như Quỳnh và Trần Nữ
Yên Khê, vợ của đạo diễn Anh Hùng.
Xích lô cũng thành công không kém Mùi đu đủ
xanh khi giành giải thưởng danh giá Sư tử vàng cho phim hay
nhất tại Liên hoan phim Venice lần thứ 52 (1995).
Ở tuổi 33, Anh Hùng trở thành một trong những đạo diễn trẻ nhất
chiến thắng ở liên hoan phim này. Bên cạnh đó, nhạc phim do nhạc sĩ
Tôn Thất Tiết sáng tác cho phim cũng nhận giải Nhạc phim hay
nhất George Delerue (tên cố nhạc sĩ lừng danh người Mỹ) tại
LHP Flandre (1995).
Phim được đánh giá là khó hiểu vì quá tóm tắt và ít lời thoại
giữa các nhân vật. Tuy vậy nữ nhà báo người Mỹ Janet Maslin lại cho
rằng đây là một phong cách làm phim riêng có của nhà làm phim, giúp
cho tác phẩm thêm ấn tượng và thành công.
Đáng tiếc Xích lô bị cấm chiếu ở thị trường Việt Nam
khiến không ít khán giả tiếc nuối. Không ít người trong giới cho
rằng Xích lô bị "án oan" đối với một tài năng điện ảnh như Trần Anh
Hùng.
Mùa hè chiều thẳng đứng/À la verticale de l'été
(2000)
Hai bộ phim trên khai thác nhiều về TP. HCM, với Mùa hè
chiều thẳng đứng, Trần Anh Hùng chuyển sang miêu tả vẻ đẹp cổ
kính của Hà Nội qua. Đây là bộ phim thứ ba của anh, nằm trong bộ
tam Việt Nam trilogy.
Bộ phim là câu chuyện về ba chị em gái gốc Hà thành, đại diện
cho ba mảnh đời tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam qua các thời kì.
Họ đều thần tượng cuộc sống gia đình của bố mẹ và phát hiện sự
thật sau cái chết của người mẹ. Nói như đạo diễn Trần Anh Hùng:
“Đây là tác phẩm điện ảnh đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có sự
bội tín và khát vọng tình yêu đôi lứa”.
Khi phim được công chiếu tại Mỹ và trở thành phim có doanh thu
cao thứ 282 tại Hoa Kỳ (456.000 USD) năm 2001, phim nhãn PG-13 có
doanh thu nội địa năm 2001 cao thứ 87 và là phim có doanh thu cao
thứ 226 năm 2001 trên toàn cầu (theo Box Office Mojo).
Tháng 7.2000 khi những tờ áp phích của phim xuất hiện tại Paris,
người dân ở đây nô nức đi xem: “Dẫu có thích hay không, người
Pháp thừa nhận những hình ảnh rất đẹp của một Hà Nội cổ, những
thước quay rất đắt giá”, Stéphane Goudet, giảng dạy tại trường
điện ảnh nổi tiếng FEMIS tại Paris nhận xét.
Trên trang tổng hợp kết quả đánh giá Rotten Tomatoes,
bộ phim nhận được chứng nhận Fresh (dành cho phim được
nhiều người yêu thích) với 82% đánh giá tích cực dựa trên 55 bài
bình luận.
Đáng chú ý trang này dành lời bình có cánh cho
phim: "điềm tĩnh một cách tráng lệ, nên thơ, ru người xem
vào câu chuyện đời thường". Trang này dành cho phim điểm số
7,1/10.
Trang Metacritic chấm 72 điểm dựa trên 21 bài đánh
giá của khán giả. Tiếng vang giúp phim được chọn chiếu tại
hạng mục Một góc nhìn (Un Certain Regard) trong
khuôn khổ LHP Cannes 2000.
Rừng Na Uy (2008)
Trong năm 2008, đạo diễn Trần Anh Hùng được mời dàn dựng chuyển
thể tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nhật Bản Murakami
Haruki lên màn ảnh rộng.
Chuyện phim nói về giới trẻ Nhật Bản trong bối cảnh đầy biến
động những năm 1960 với nhân vật chính là chàng thanh niên
Toru cùng hai người đẹp Naoko và Midori.
Phim lần đầu được công chiếu tại LHP Venice 2010 và
tham gia tranh giải Gấu vàng tại sự kiện này. Sau khi ra
mắt công chúng, phim nhận được nhiều lời ngợi khen từ giới chuyên
môn.
Tờ Daily Telegraph nhận định Trần Anh Hùng đã quá “dũng
cảm” khi chuyển thể một tiểu thuyết ra đời năm 1987 của nhà văn
Haruki Murakami lên màn ảnh rộng.
Trên trang lưu trữ phim của IMDb chấm điểm 6,4/10 cho
bộ phim dựa trên nhận xét của gần 9.000 khán giả. Trong khi trên
trang Rotten Tomatoes bộ phim nhận được chứng chỉ “Fresh)
với đánh giá tích cực 74% và số điểm 6,5/10.
Cây viết Stanley Kauffmann từ tờ The New Publish viết:
“Diễn xuất chính là chìa khóa của bộ phim. Mỗi khoảnh khắc của
Watanabe và Naoko đều được thể hiện một cách vừa vặn như được cất
lên từ những hoài niệm hơn là từ đời sống thực”.
Trong khi tác giả Bruce Demara thừa nhận: “Bộ phim cũng
giống như tiểu thuyết khi giữ nguyên được tính khó nắm bắt trong
động cơ của nhân vật, vì vậy nhận được đánh giá khách quan từ người
xem hơn cả”.
Tương tự tờ Globe and Mail nhắc đến lời nhận xét của
Rick Groen khi nhận địch: “Trần đã mang tiểu thuyết ra khỏi
thực tại cuộc sống”.
Những lời lẽ bay bổng dành cho bộ phim được Kimber Myers viết
trên tờ The Playlist: “Giống như nguyên tác của Haruki
Murakami, đây thực sự là một tác phẩm điện xinh đẹp khi nắm bắt
được một cách xuất sắc sự thất bại và nỗi buồn. Không ngạc nhiên
khi nhận thấy phim sẽ không giúp gì được bạn hơn nếu chính bạn đang
gặp rắc rối hay trầm cảm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.