Thùy Anh
Thứ hai, ngày 24/06/2024 13:24 PM (GMT+7)
Từ 1/7, tiền lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng cũng sẽ kéo theo nhiều khoản tiền khác tăng theo. Người lao động lưu ý để không bị ảnh hưởng tới quyền lợi.
Từ 1/7, mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay sẽ tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 30%. Khi lương cơ sở tăng sẽ có sự điều chỉnh của hàng loạt các chế độ được tính theo mức lương này.
Điều 56 và Điều 71 Luật Bảo hiểm xã quy định mức lương hưu tối thiểu bằng 1 tháng lương cơ sở. Như vậy từ 1/7 tới đây, khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng thì mức lương hưu này cũng tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Đây là mức lương hưu áp dụng cho người đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, hiện nay mức lương hưu thấp nhất tăng lên mức 3 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, Bộ LĐTBXH đang đề xuất người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng 15% mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, gián tiếp cũng kéo theo mức hưởng lương hưu cũng tăng. Bởi công thức tính lương hưu hiện nay: Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Theo công thức ở trên, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào tỷ lệ hưởng và mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Khi tăng lương cơ sở, mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang về hưu cũng sẽ thay đổi.
Do đó, khi tăng lương cơ sở thêm 30% thì kéo theo đó, mức bình quân này cũng tăng theo và lương hưu của các đối tượng này cũng tăng tương ứng.
Mức đóng đoàn phí hằng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức đóng đoàn phí hằng tháng tối đa bằng 10% mức lương cơ sở, tương đương tăng từ 180.000 đồng lên 234.000 đồng. Như vậy, mức đóng đoàn phí hàng tháng đối đa hàng tháng là 234 nghìn đồng/tháng.
Tiền trợ cấp thất nghiệp tăng theo?
Trợ cấp thất nghiệp được quy định mỗi tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần lương cơ sở với công chức, viên chức, lao động khu vực nhà nước. Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tăng lên mốc 11,7 triệu đồng.
Tiền đóng bảo hiểm y tế tăng theo mức tăng cơ sở
Tiền đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở, lương hưu hoặc trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành. Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, tiền đóng của người lao động và người thứ nhất trong hộ gia đình lên đến mức 105.300 đồng/tháng.
Trong hộ gia đình, từ người thứ hai đến người thứ năm đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức phí của người thứ nhất, tương ứng 73.710 đồng, 63.180 đồng, 52.650 đồng và 42.120 đồng mỗi tháng.
Theo năm, tiền đóng bảo hiểm y tế của các thành viên hộ gia đình từ người thứ nhất trở đi lần lượt là 1,263 triệu đồng, 884.520 đồng, 758.160 đồng, 631.800 đồng và 505.440 đồng.
Các chế độ ốm đau, thai sản… tăng theo khi tăng lương cơ sở
Từ 1/7, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe thai sản, ốm đau, mức dưỡng sức sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở, tương ứng 702.000 đồng/ngày, tăng 162.000 đồng/ngày so với mức hưởng hiện nay.
Trợ cấp một lần khi sinh mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con sẽ là 4,68 triệu đồng/con, thay thế mức 3,6 triệu đồng/con như hiện nay.
Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở lên đến 23,4 triệu đồng.
Tương tự, mức trợ cấp một lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp hằng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức dưỡng sức sau điều trị đều được tính theo lương cơ sở nên cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.