1. Hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) khi có đủ 4 điều kiện sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV), trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, HĐLV trái pháp luật hoặc nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Đã đóng BHTN:
+ Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV đối với trường hợp HĐLĐ hoặc HĐLV không xác định thời gian; HĐLĐ hoặc HĐLV xác định thời hạn.
+ Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với tường hợp người lao động làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
- Đã nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng TCTN, trừ các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
+ Chết.
2. Được hưởng tối thiểu 3 tháng trợ cấp với mức hưởng mỗi tháng bằng 60% tiền lương
Mức hưởng TCTN bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề tước khi thất nghiệp. Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cần chú ý 5 việc để tránh thiệt thòi. Ảnh: Dân Trí
3. Không nhận tiền trợ cấp thất nghiệp vẫn được bảo lưu và cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
Thời gian đóng BHTN để xét hưởng TCTN là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi người lao động chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng TCTN.
Theo đó, trường hợp người lao động không đến nhận tiền TCTN thì vẫn được bảo lưu thời gian đóng BHTN để tính hưởng TCTN cho những lần hưởng tiếp theo.
4. Phải có sổ bảo hiểm xã hội và quyết định thôi việc khi xét hưởng trợ cấp thất nghiệp
Hồ sơ đề nghị hưởng TCTN bao gồm:
- Đơn đề nghị hưởng TCTN theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định.
Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV:
+ HĐLĐ hoặc HĐLV đã hết hạn hoặc hoàn thành công việc theo HĐLĐ.
+ Quyết định thôi việc.
+ Quyết định sa thải.
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV.
- Sổ bảo hiểm xã hội.
5. Được chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 5 ngày làm việc, từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng TCTN; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ TCTN thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả TCTN cho người lao động trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng TCTN.
Duy Thịnh (thukyluat)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.